Biển Đông - phép thử đối với vai trò của các thể chế đa phương khu vực

Sáng 16/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề 'Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động'. Hội thảo do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức.

Hội thảo Biển Đông lần thứ 12 với hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục khác nhau, 12 Đại sứ và đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia đưa tin về Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Phạm Lan Dung - quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng có một số điểm sáng trong tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Biển Đông tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; nhiều nước khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Biển Đông tiếp tục là quan tâm chung của các nước trong khu vực và của cộng đồng quốc tế vì đây là phép thử đối với khả năng duy trì đối thoại, hợp tác vì lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế; là phép thử với chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn với nhau và tác động của nó tới cục diện thế giới những năm tới, tới tính thượng tôn pháp luật và khả năng định hướng hành xử của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Biển Đông cũng là phép thử đối với vai trò của các thể chế đa phương khu vực, nhất là ASEAN trong việc quản lý căng thẳng, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, và tạo dựng môi trường khu vực thuận lợi để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn thách thức khó lường đối với hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm suy giảm ý nghĩa, sự toàn vẹn và giá trị thống nhất và phổ quát của UNCLOS 1982, không chỉ tác động đến nền móng của hòa bình ổn định ở Biển Đông mà còn là mầm mống có thể tác động, dẫn tới việc xói mòn trật tự biển cũng như hòa bình, ổn định toàn cầu khi mà hợp tác nhằm đối phó với các thách thức đang đòi hỏi hơn bao giờ hết.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bien-dong--phep-thu-doi-voi-vai-tro-cua-cac-the-che-da-phuong-khu-vuc-523916.html