Biến động tỷ giá tạo 'cửa sáng' cho ngân hàng kinh doanh ngoại hối

Với bối cảnh kinh tế hiện tại, lạm phát trong tầm kiểm soát, tỷ giá biến động thì lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng sẽ tăng. Bởi, ngân hàng có thể mua vào ngoại tệ giá thấp rồi trong thời gian ngắn bán ra với giá cao. Giao dịch này rất phù hợp với những ngân hàng có dòng tiền mạnh.

Ngày 20/9, tỷ giá trung tâm giữa VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.079 đồng/USD, tăng 19 đồng so với hôm trước. Đây là mức giá cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay.

Còn trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD tiếp tục chịu áp lực tăng mạnh lên quanh vùng 24.400 VND/USD sau tuần đầu tháng 9 giằng co quanh vùng 24.050 - 24.100 VND/USD.

Những ngày đầu tháng 9, chỉ số Dollar Index tiến lên mức 105 - cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn có khả năng tăng lãi suất trong điều kiện lạm phát cơ bản chưa giảm bền vững về quanh ngưỡng 3%.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay khiến áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích. Theo đó, khả năng VND giảm giá so với USD sẽ tiếp diễn trong các tháng cuối năm.

Nhà băng lãi đậm từ kinh doanh ngoại hối

Theo nhóm nghiên cứu Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tỷ giá giao dịch tại hệ thống ngân hàng và thị trường tự do không có sự khác biệt lớn và còn cách xa so với tỷ giá trần quy định bởi Ngân hàng Nhà nước hay tỷ giá bán tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Điểm thuận lợi giai đoạn này là nguồn cung ngoại tệ ổn định nhờ một số yếu tố thuận lợi từ cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ duy trì trạng thái thặng dư, cầu ngoại tệ phục vụ hoạt động nhập khẩu không tăng do nhu cầu yếu.

Ngoài ra, kiều hối ước tăng trưởng so với năm ngoái; dòng tiền từ các hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI và mua bán vốn cổ phần duy trì.

Tổng hợp các yếu tố trên, VCBS duy trì dự báo mức mất giá hợp lý của VND so với USD khoảng 3% trong năm 2023.

Tỷ giá biến động ở mức độ hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi mục tiêu kéo giảm mặt bằng lãi suất, giữ trạng thái thanh khoản ở mức dồi dào.

Tỷ giá biến động ở mức độ hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi mục tiêu kéo giảm mặt bằng lãi suất, giữ trạng thái thanh khoản ở mức dồi dào.

Với bối cảnh kinh tế hiện tại, lạm phát trong tầm kiểm soát, tỷ giá biến động ở mức độ hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan điều hành tiếp tục theo đuổi mục tiêu kéo giảm mặt bằng lãi suất, giữ trạng thái thanh khoản ở mức dồi dào.

Bên cạnh đó, Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cũng nhận định, tỷ giá biến động thì lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối sẽ tăng. Nếu tỷ giá giằng co thì thị trường ngoại hối khó phán đoán nên lợi nhuận thường giảm.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, lợi nhuận đến từ kinh doanh ngoại hối là hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, phái sinh và từ hoạt động cho vay. Với giao dịch trong tương lai, giá giao dịch tùy theo sự chênh lệch của lãi suất tiền đồng và USD, nói cách khác là phụ thuộc vào biến động của lãi suất, nên ngân hàng sẽ hưởng lãi hay bị lỗ.

“Còn khi tỷ giá biến động mạnh theo chiều hướng tăng, giao dịch mua ngay - bán ngay của các ngân hàng dễ dàng có lãi, bởi mua vào giá thấp rồi trong thời gian ngắn bán ra với giá cao. Giao dịch này rất phù hợp với những ngân hàng có dòng tiền mạnh”, ông Hiếu phân tích.

Trước đó, trong quý II, điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng là mảng ngoại hối khi ghi nhận tăng trưởng từ 2-3 chữ số.

Vietcombank tiếp tục là ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh ngoại hối nhờ lợi thế đặc thù về hoạt động ngoại thương. 6 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận gần 3.200 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 giữ vị trí tiếp theo lần lượt là VietinBank, BIDV và Agribank. Cụ thể, VietinBank có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 47%, ghi nhận khoảng 2.350 tỷ đồng; BIDV thu về gần 1.500 tỷ đồng từ mảng này, tăng 20,5% so với cùng kỳ.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự dẫn đầu của Big 4 là nhờ sở hữu thế mạnh sẵn có trong mảng kinh doanh đối ngoại với mạng lưới giao dịch bao phủ rộng ở cả trong nước và nước ngoài, đi cùng yếu tố nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để quyết định cách thức kinh doanh ngoại hối của nhóm Big 4 khi báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay.

Các chuyên gia khác cũng cho rằng, những ngân hàng có cơ sở khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn sẽ có nhiều lợi thế ở hoạt động kinh doanh ngoại hối, vì có lượng khách hàng có nhu cầu mua bán ngoại tệ thường trực rất lớn, đặc biệt với khách hàng doanh nghiệp thì trong giai đoạn thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, rủi ro tỷ giá lớn buộc các khách hàng này phải có các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, giúp các ngân hàng càng gia tăng nguồn thu phí từ các hợp đồng.

Tỷ giá có thể giảm xuống về vùng 24.000 VND/USD

Trong ngắn hạn, Nhóm nghiên cứu và phân tích BIDV Treasury cho rằng, với dự báo các yếu tố chưa có thay đổi lớn, diễn biến của tỷ giá USD/VND sẽ phụ thuộc nhiều vào động thái can thiệp bình ổn của Ngân hàng Nhà nước.

"Chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt, đà tăng chậm lại trong 1-2 tháng tới. Nếu không có những diễn biến quá bất ngờ, tỷ giá USD/VND trong năm nay có thể tăng khoảng 3-4%. Đây cũng là mức biến động phù hợp đặt trong tương quan với chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền và diễn biến của cung cầu ngoại tệ trong nước", nhóm nghiên cứu nhận định.

Trong kịch bản tiêu cực hơn, khi áp lực quốc tế mạnh lên với đà tăng kéo dài của USD Index và tỷ giá USD/CNY kéo theo cung-cầu ngoại tệ trở nên thâm hụt lớn hơn, tỷ giá có thể tăng lên vùng tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng ở kịch bản này, tỷ giá thường nhanh chóng dịu xuống sau khi Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp.

Còn trong kịch bản tích cực hơn, khi môi trường quốc tế dịu xuống, chênh lệch lãi suất VND - USD co hẹp kéo theo cung cầu ngoại tệ trong nước dồi dào hơn, tỷ giá có thể giảm xuống về vùng 24.000 VND/USD.

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cũng nêu quan điểm, tỷ giá tăng chỉ là câu chuyện ngắn hạn, không quá quan ngại. Cơ sở cho nhận định này là yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn tích cực. Theo đó, dù chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng, nhưng cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 vẫn ước xuất siêu 16,26 tỷ USD, trong khi cùng giai đoạn năm trước chỉ xuất siêu 3,96 tỷ USD. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/bien-dong-ty-gia-tao-apos-cua-sang-apos-cho-ngan-hang-kinh-doanh-ngoai-hoi-1095459.html