Biên giới - biển đảo Biên giới - biển đảo '4 cùng' với bà con

Ở địa bàn biên giới, người lính biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với người dân. Từng chủ trương, chính sách đi sâu vào đời sống Nhân dân thông qua việc gần gũi, bình dị như thế.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (A Lưới) giúp dân tăng gia, sản xuất

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (A Lưới) giúp dân tăng gia, sản xuất

Lựa chọn nội dung phù hợp

Tìm về thôn A Hưa, xã Nhâm (A Lưới) thăm vườn chuối của anh Hồ Viên Mười mà cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm giới thiệu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Anh Mười chia sẻ: Được sự hướng dẫn tận tình của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về quy trình trồng chuối, gia đình tôi mạnh dạn trồng gần 1ha, trong đó hơn 7 sào đã cho thu hoạch. Bước đầu, gia đình có nguồn thu gần 50 triệu đồng từ vườn chuối.

Hiện tại, xã Nhâm có hơn 40% số hộ trồng cây chuối ba lùn. Các hộ đều được BĐBP hướng dẫn cách trồng, chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng trái. Đồn Biên phòng Nhâm còn đầu tư mô hình điểm để bà con học tập. Qua đó, các hộ đã mạnh dạn làm theo, bình quân mỗi hộ trồng 5-7 sào chuối ba lùn và chuối mốc. Các hộ trồng nhiều như hộ ông, bà: Lê Như Tự, Hồ Thị Tối, Hồ A Lơn, Nguyễn Văn Tài…

Đại úy Lê Văn Khó, cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm tăng cường về xã Nhâm, tâm sự: Sau khi có chủ trương của Huyện ủy A Lưới về phát triển chuối hàng hóa, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát huy hiệu quả cây trồng này, góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương, cán bộ biên phòng cắm xã của đồn đã trở thành những “khuyến nông viên”.

Cũng theo Đại úy Khó, vận động được bà con rất vất vả. Hàng ngày anh em phải xuống tận thôn, bản cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con phát triển mô hình trồng chuối đúng kỹ thuật. Anh em phải học tiếng đồng bào, học làm cán bộ khuyến nông, tìm hiểu các quy trình, rồi làm mô hình điểm để bà con học tập nhân rộng.

Chủ tịch UBND xã Nhâm Phạm Minh Cải cho hay, những năm trước đây, chuyện cây chuối có giá trị kinh tế cao là điều mà các hộ nông dân ở xã Nhâm chưa từng nghĩ đến. Bây giờ, đa số người dân đều có chung quan điểm đây là cây xóa nghèo của bà con. Kết quả này không thể không kể đến đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm - những “khuyến nông viên quân hàm xanh” cắm bản thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào.

Đối với Đồn Biên phòng Phong Hải (Phong Điền), ngoài vận động, giúp dân phát triển kinh tế, cải thiện chỗ ở, đơn vị còn xác định vận động Nhân dân chung tay đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh để xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Quang Vinh ở thôn Hải Phú, xã Phong Hải niềm nở: Qua phân tích, vận động của cán bộ biên phòng, bà con chúng tôi hiểu được mở rộng đường giao thông, xây dựng hoàn thiện các công trình trường học, nhà văn hóa chính là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân chúng tôi. Vì vậy, bà con đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để cùng chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng chung tay xây dựng các tiêu chí đạt chất lượng cao hơn.

Đổi mới công tác dân vận

Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh thông tin: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã duy trì công tác tăng cường gần 50 cán bộ biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản ở các xã biên giới. Qua đó, mỗi đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai công tác dân vận phù hợp với tình hình địa bàn. Thông qua phối hợp công tác dân vận giữa cấp ủy các Đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới, đã đem lại nhiều kết quả thiết thực trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo.

Hằng năm, Đảng ủy các Đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã đều tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung các nội dung phối hợp công tác dân vận sát với thực tiễn đặt ra. Qua đó, nhằm đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS phù hợp hơn.

Việc thực hiện “4 cùng” của cán bộ biên phòng đã góp phần nâng cao nhận thức cho bà con về ý thức tự lực tự cường, về quốc gia, quốc giới, về chủ quyền lãnh thổ, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, trách nhiệm của mỗi người dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới từng bước được nâng lên. Đồng thời, phong trào “Dân vận khéo” của lực lượng biên phòng tỉnh đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong việc gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.

Đảng ủy BĐBP tỉnh đã giới thiệu 13 đồng chí tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy cho 13 xã biên giới (12 xã huyện A Lưới và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc). Năm 2019, đã phân công 286 đảng viên phụ trách 1.268 hộ gia đình ở khu vực biên giới; vận động hơn 500 hộ gia đình và 12 tập thể nhận tự quản 85km đường biên giới, 38/38 cột mốc biên giới. Kết nạp 32 đảng viên là người DTTS.

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/4-cung-voi-ba-con-a79616.html