Biên giới - biển đảo Biên giới - biển đảo Thắm đượm nghĩa tình

Hỗ trợ xây dựng nhà cho đối tượng chính sách, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), gia đình thương binh, liệt sĩ... được các đơn vị lực lượng Biên phòng xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Học sinh nghèo là con em các gia đình chính sách được BĐBP trên hai tuyến biên giới nhận đỡ đầu

Học sinh nghèo là con em các gia đình chính sách được BĐBP trên hai tuyến biên giới nhận đỡ đầu

Ngôi nhà tình nghĩa

Nhiều năm dành dụm, tích góp, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình Đại úy Lê Thể Lực, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An (đối tượng con liệt sĩ) vẫn phải ở trong căn nhà xuống cấp dột nát, chật hẹp…

Trước hoàn cảnh của anh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh quyết định hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn quyên góp trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng và huy động thêm ngày công của bộ đội giúp đỡ anh Lực xây dựng căn nhà mới. Cùng với sự vận động đóng góp từ thân nhân, bà con của anh Lực, đến nay căn nhà đã hoàn thiện, khang trang với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.

“Cấp ủy và chỉ huy các cấp rất quan tâm công tác tri ân các gia đình chính sách. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực từ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy và sự đùm bọc, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, gia đình tôi mới có được căn nhà khang trang để vợ con sinh sống”, anh Lực chia sẻ.

Đồn Biên phòng Phong Hải là đơn vị quản lý địa bàn 7 xã thuộc 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền. Đây là những địa phương có truyền thống cách mạng, đóng góp rất lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trên địa bàn đồn quản lý có 482 gia đình chính sách. Trong đó, có 303 liệt sĩ, 56 thương binh, 89 người có công với cách mạng, 23 người bị tù đày và có 11 người được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với đặc thù của địa bàn, hằng năm đơn vị luôn chú trọng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hướng phong trào giúp dân phát triển kinh tế vào đối tượng chính sách…

Trung tá Trần Xuân Nhiêu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phong Hải cho biết, đơn vị thường xuyên cử cán bộ vận động quần chúng của đơn vị đến thăm, chăm sóc mẹ Nguyễn Thị Cầu ở xã Điền Hòa và mẹ Lê Thị Tất ở xã Điền Hương (Phong Điền) - là 2 Mẹ VNAH hiện còn sống trên địa bàn đóng quân. Ngoài tặng quà như gạo, nhu yếu phẩm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn giúp gia đình các mẹ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, thăm khám sức khỏe, nên gia đình các mẹ xem anh em đơn vị như người thân...

Thắm tình quân dân

Để thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP tỉnh xây dựng nội dung và tổ chức nhiều phong trào như: Mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia ít nhất 1 tin nhắn “tri ân liệt sĩ”; đóng góp một ngày lương vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; nhận đỡ đầu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện gia đình chính sách; phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công trên địa bàn, mỗi suất quà trị giá 300 - 500 nghìn đồng. Chi đoàn thanh niên các đơn vị phối hợp với xã đoàn địa phương tổ chức làm vệ sinh và chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ và nhà bia tưởng niệm trên địa bàn; hỗ trợ nhiều ngày công giúp đỡ các gia đình chính sách tu sửa, chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sân vườn…Cùng với đó, các đơn vị trên hai tuyến biên giới tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” tặng các đối tượng chính sách.

Thông qua các chương trình, đã xây dựng hàng chục ngôi nhà nhằm cải thiện chỗ ở cho các đối tượng chính sách. Các đơn vị vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 130 triệu đồng mỗi năm; hỗ trợ các đối tượng có công phát triển các mô hình kinh tế và quyên góp “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ các hộ chính sách neo đơn; phát động phong trào trích tiền lương để quyên góp ủng hộ các học sinh thuộc gia đình có công...

Theo Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh, phong trào tri ân các gia đình chính sách, đối tượng có công được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tiến hành thường xuyên, đồng bộ ở tất cả các cấp, lồng ghép vào các hoạt động, công tác của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, từng chức trách, nhiệm vụ của mỗi quân nhân. Qua đó, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể, thắm đượm nghĩa tình quân dân.

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/tham-duom-nghia-tinh-a74710.html