Biên giới - biển đảo Ở lại với biên cương
TTH - Có những người lính biên phòng mấy tết liền 'gác lại' nỗi nhớ cha mẹ, vợ con để ở lại lo tết ấm cho người dân, canh giữ cái tết yên vui cho bản làng nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc.
Hương vị ấm nồng
Con đường nhỏ quanh co giữa thôn Kêr (xã Hồng Vân, A Lưới) như vừa thay áo mới. Từng khóm hoa dại ven đường rung rinh trong làn gió mơn man. Góc vườn nhà ai, cây mai vàng e ấp nở báo hiệu tết đang về trước ngõ. Sau lưng những ngôi nhà sàn dưới chân núi, vấn vương từng bờ lau trắng, khiến mùa xuân trên miền xa xôi biên ải thêm hương vị xao xuyến.
Thượng úy Hồ Văn Thảo, Đội trưởng Đội trinh sát và Trung úy Lê Quang Hà, nhân viên Đội phòng chống ma túy & tội phạm Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân dừng chân trước căn nhà cuối thôn. Đây là nhà mẹ Căn Khiêng, người dân tộc Pa Cô, không có chồng con.
Mẹ Căn Khiêng đã già lắm, nằm trên sàn nhà, trong chiếc chăn ấm, dưới chân là bếp lửa. Hơ tay kiểm tra độ ấm, cẩn thận khơi than hồng lên, Thượng úy Hồ Văn Thảo nói rằng, mấy năm gần đây, dù là mùa đông hay mùa hè, chẳng lúc nào mẹ Căn Khiêng rời bếp lửa. Ngoài chế độ của Nhà nước dành cho người cao tuổi, mẹ Căn Khiêng được Đồn BPCK Hồng Vân hỗ trợ mỗi tháng 20kg gạo từ chương trình “hũ gạo tình thương” của đơn vị. Mỗi lúc có mạnh thường quân, tổ chức từ thiện tặng quà, đơn vị phối hợp với địa phương để kết nối, dành một phần chia sẻ đến mẹ.
Khi Thượng úy Thảo và Trung úy Hà nhẹ nhàng đỡ mẹ Căn Khiêng ngồi dậy, “khoe” tết năm nay vẫn ở lại đơn vị, ăn tết với bản làng, sẽ lại đến cùng đón giao thừa bên bếp lửa này, ánh mắt màu sương khói của người phụ nữ đã sống qua gần trăm mùa rẫy ánh lên vẻ lanh lợi. Nụ cười móm mém khiến gương mặt vốn trầm tư như bóng núi sau nhà, chan chứa niềm vui, xúc động. Tôi đã “gặp” nụ cười này trong bức ảnh những người lính biên phòng Đồn BPCK Hồng Vân đăng trên facebook, mùa tết năm ngoái, khi các anh ở cạnh mẹ Căn Khiêng vào thời khắc thiêng liêng tiễn năm cũ, đón năm mới. Nghe nồng nàn hương vị mùa xuân ngập tràn căn nhà nhỏ, khi người mẹ Pa Cô nghèo, tin cậy tựa bờ vai vững chắc của những đứa con khoác bộ quân phục màu xanh.
Nhà chị Căn Dâm là hộ gia đình tiếp theo mà Thượng úy Thảo và Trung úy Hà ghé đến. Những nụ cười hồn nhiên của mấy đứa trẻ khiến căn nhà bé tẹo, mái cọ ám khói màu xưa cũ cũng trở nên đầy sức sống. Người phụ nữ gương mặt sạm nắng gió nương rẫy cũng cười hiền, khi mấy đứa trẻ quấn quýt bên các chú bộ đội biên phòng (BĐBP). Đêm giao thừa năm ngoái, Thượng úy Thảo và đồng đội đã ghé thăm, tặng kẹo cho “lũ nhóc”. “Ở mảnh đất biên giới xa xôi, những chiếc bánh, chiếc kẹo là niềm vui ngọt ngào của các cháu nhỏ. Hương vị của 3 ngày tết cũng sẽ ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ”. Thượng úy Hồ Văn Thảo bộc bạch, vậy nên thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, của Ban Chỉ huy đơn vị, cũng xuất phát từ tình cảm gắn bó với bà con trên địa bàn, những ngày cận tết, các anh đến từng nhà, từng xóm, tìm hiểu tình hình, kết nối, chung tay thực hiện các chương trình để giúp bà con có cái tết dù đơn sơ cũng tràn ngập yêu thương, ấm áp.
Tết yên vui
Theo chân Thiếu tá Lê Khắc Tấn, Đội kiểm soát hành chính và Thượng úy Nguyễn Văn Yên, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Nhâm về địa bàn thuộc đơn vị quản lý. Con đường từ thôn A Hưa Pa E đến các thôn Ar Kêu Nhâm, thôn Ka Leng A Bung, xã Quảng Nhâm thật quyến rũ bởi những bờ đót phơn phớt hồng, tiếng suối róc rách dưới cầu Pa E. Những bờ rào dâm bụt, hồng ngọc người dân tỉa tót, chăm sóc, hay vạt xuyến chi nở dại với vô vàn cánh trắng mỏng, tinh khôi bên vệ đường và bóng dáng cô sơn nữ trong bộ trang phục vải zèng hoa văn rực rỡ, cõng gùi thong thả bước, làm ngẩn ngơ lòng người, giữa bình yên chiều xuân biên giới.
Ngồi bên thềm nhà, già làng Hồ Viên Pưa (người dân tộc Tà Ôi) lắng nghe tiếng chày mộc mạc từ những ngôi nhà sàn trong thôn vọng tới. Có lẽ bà con đang chuẩn bị nguyên liệu, để 3 ngày tết làm các món ăn truyền thống như bánh a quát, xôi nướng trong ống nứa trên bếp than hồng... Già làng Hồ Viên Pưa, mười năm trước từng là Chủ tịch UBND xã Nhâm, hồ hởi nói rằng, dù vẫn còn khó khăn, nhưng trên mảnh đất này, tết năm sau đã ấm no, vui hơn năm trước. Đó cũng nhờ đóng góp rất lớn của BĐBP. Lực lượng biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, góp sức cùng chính quyền địa phương các cấp giúp bà con áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; tuần tra khắp các nẻo, giữ gìn bình yên biên cương, bình yên bản làng. Đặc biệt, trong những mùa tết, đã có các anh tuần tra, canh giữ, để bà con, bản làng ăn tết yên vui.
Thượng tá Hồ Ngọc Tuấn, Đồn trưởng Đồn BPCK Hồng Vân và Thượng tá Nguyễn Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ, mỗi mùa tết đến, những người lính ở lại với biên cương, phải “chân cứng đá mềm” hơn gấp nhiều lần, chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư, bình dị. “Ai cũng có cha mẹ, vợ con đang chờ đợi ở quê nhà. Quanh năm suốt tháng xa nhà, đến tết ai cũng mong ngóng được đoàn tụ cùng gia đình, đỡ đần cha già mẹ yếu, đỡ đần vợ con chuẩn bị cho tết. Cha mẹ cũng mong ngóng con, vợ ngóng chồng, con ngóng cha. Trong lúc các cặp vợ chồng đưa con vui vẻ đi sắm tết, cùng nhau gói bánh chưng, chuẩn bị lễ vật đặt lên bàn thờ tổ tiên, sum vầy trong những ngày tết, thì vợ con người lính “gồng gánh” một mình. Có trường hợp, đêm giao thừa, người vợ bầu vượt mặt, một mình vào viện sinh con, trong lúc ở biên giới người chồng đang cùng đồng đội đi tuần tra, canh giữ bản làng. Cả hai đầu nỗi nhớ đều khắc khoải. Nhưng vì nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự, chung tay chăm lo tết ấm cho người dân, vì cái tết bình yên nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, chúng tôi vẫn sẵn sàng, cha mẹ, vợ con ở hậu phương cũng chia sẻ và tự hào vì điều đó” - Thượng tá Nguyễn Đức Hạnh bày tỏ.
Đong đầy nghĩa tình đồng đội, nên có những người lính 2 - 3 năm liền ở lại, nhường đồng đội gia đình ở các tỉnh xa xôi nhất, được về sum họp tết. Thượng úy Hồ Văn Thảo, Trung úy Lê Quang Hà, Thượng úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn BPCK Hồng Vân, Thượng úy Nguyễn Trọng Tâm, Đội trưởng Đội tham mưu hành chính Đồn Biên phòng Nhâm và nhiều, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tại các đồn biên phòng, đã mấy tết ròng tạm chia xa vợ trẻ, các con thơ, xa cha mẹ già, để ở lại nghĩa tình với tết biên cương.
Mới đến nhận công tác tại tuyến biên giới A Lưới, Trung tá Lê Duy Văn, Phó Đồn trưởng và Đại úy Võ Xuân Minh, Chính trị viên phó, Đồn BPCK A Đớt, nối tiếp bước chân đồng đội, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở lại trực tết. Cùng Thượng tá A Liêng Hà, Chính trị viên Đồn BPCK A Đớt đến thăm hỏi người dân trên địa bàn, Đại úy Võ Xuân Minh cẩn thận lưu lại số điện thoại của già làng Nguyễn Minh Sang, người có uy tín thôn A Tin, xã Lâm Đớt và nhiều người cao tuổi hoặc neo đơn, vào thời khắc thiêng liêng đầu năm mới, gọi điện chúc tết bà con, “nối” tình cảm giữa lực lượng BĐBP với người dân bản làng, để cái tết biên cương càng bền chặt tình quân dân, càng đong đầy ấm áp yêu thương.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/o-lai-voi-bien-cuong-a122596.html