Biên giới đã là quê hương...
Gặp nhau vào dịp nhân dân thôn Glao tổ chức ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc tháng 11-2022, Đại úy Tống Văn Ân, cán bộ Công an xã Ga Ry (Tây Giang, Quảng Nam) vui vẻ dẫn tôi tới từng hộ gia đình bà con Cơ Tu, giới thiệu với tôi già làng A Lăng Nhéc. Nghe nói, ai ở đây cũng thương cán bộ Công an Ân như người ruột thịt trong nhà...
Ân mới lên công tác ở vùng biên giới Việt - Lào này chưa đầy 1 năm. Trong đợt tháng 10- 2021, Đại úy Ân là một trong 8 cán bộ nhận nhiệm vụ lên công tác tại 8 xã vùng biên giới Tây Giang. Chàng trai trẻ quê tận vùng chiêm trũng Yên Mô (Ninh Bình), tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, đang là cán bộ Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã từng được điều động lên công tác ở vùng Tây Nguyên, cũng không thể hình dung vùng biên giới Việt - Lào ở Tây Giang này lại xa xôi, hiểm trở đến thế. Ân kể, từ trung tâm huyện, khoác ba lô lên Ga Ry nhận nhiệm vụ, nhưng chỉ mới đi được chừng 3km, Ân không thể điều khiển chiếc xe máy được nữa, trên con đường biên giới trơn trượt như đổ mỡ. Những con dốc cao hun hút, những khúc cua tay áo đến chóng mặt, Ân phải nhường tay lái cho Trưởng Công an xã Hôíh Đưu. Đi được hơn nửa đường dừng lại uống nước, Ân thầm nghĩ, chắc mình không thể tự trở về trung tâm huyện được nữa. “Không khóc, nhưng nước mắt rơm rớm là có thật”, Ân bộc bạch. Tuổi trẻ, lại là một chiến sĩ Công an đã được rèn luyện, học tập bài bản, đã có kinh nghiệm thực tế trong công tác, Ân tự nhủ, mình là chiến sĩ Công an, đã hứa trước cờ Đảng, nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đi bất cứ nơi đâu, vì nhân dân phục vụ cơ mà? Nghĩ thế lại đi tiếp. Lên đến Ga Ry, Ân tham gia ngay vào mọi công tác của đơn vị. Với kiến thức nghiệp vụ bài bản, Đại úy Ân tham gia cùng Ban chỉ huy Công an xã xây dựng 1 trang facebook “chính danh”, 1 trang facebook “ẩn danh”, tiến hành biên soạn, đăng tải tin, bài và phóng sự đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng với hơn 230 lượt trên 2 trang mạng do Công an xã quản lý. Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng nắm tình hình các trường hợp người dân qua lại khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng trên địa bàn, đối tượng lạ mặt ra vào khu vực biên giới, giám sát các tổ chức, cá nhân đến khu vực biên giới làm từ thiện, tham quan, du lịch... Tham gia các cuộc diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn... Phối hợp với lực lượng quân sự xã tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông. Phối hợp Ban quản lý rừng, Kiểm lâm ngăn chặn, tuyên truyền cho người dân không chặt phát rừng làm nương rẫy. Mở các buổi tuyên truyền pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tuyên truyền phòng chống ma túy, đẩy mạnh công tác làm sạch cơ sở dữ liệu dân cư, phối hợp làm Căn cước công dân, cấp phát cho nhân dân...
Cứ thế công việc cuốn lấy Ân... Lên vùng biên giới, Ân thích nhất là mỗi lần được Ban chỉ huy phân công cùng cán bộ chiến sỹ xuống địa bàn thôn, bản nắm tình hình, gặp gỡ các già làng, trưởng bản, người có uy tín và cán bộ địa phương. Bà con Cơ Tu trên dải Trường Sơn thật thà, chất phác, luôn một lòng theo Đảng, Bác Hồ, chấp hành tốt các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn thương quý những cán bộ chiến sỹ Biên phòng, Công an như con em trong gia đình.
Đại úy Hôíh Đưu - Trưởng Công an xã Ga Ry cho biết, từ công tác luôn bám sát địa bàn, bám sát cơ sở, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã được xây dựng và củng cố mạnh mẽ. Nhiều mô hình giữ gìn, đảm bảo ANTT được xây dựng, phát huy có hiệu quả như, “Phong trào 2 giữ”; “Người dân tự nguyện giao nộp chìa khóa xe máy, mô-tô cho già làng, người có uy tín, trưởng thôn quản lý trong ngày lễ, tết”, trong năm qua tai nạn giao thông không xảy ra. Trong năm 2022 này, Ga Ry lại tiếp tục đạt tiêu chí “xã đạt chuẩn an toàn về ANTT và đảm bảo bình yên”.
Trong chuyến lên biên giới cuối năm 2022 này, tôi còn gặp Thượng úy Hà Văn Tuấn - cán bộ Công an xã Ch’ơm. Cũng như Đại úy Tống Văn Ân, Thượng úy Tuấn được điều động lên công tác trên biên giới tháng 10-2021, trước khi lên Tây Giang, Tuấn là giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an). Chàng trai Hà Nội thật thà: “Không phải là nước mắt mới rơm rớm như cậu Ân đâu, ngày đầu lên biên giới em òa khóc thật sự đấy...”. Nhưng chỉ là thoáng chốc thôi, tình thương yêu của đồng đội, của bà con Cơ Tu, rồi công việc đã cuốn lấy Tuấn. Trung tá A Lăng Đức - Trưởng Công an xã Ch’ơm kể, với nghiệp vụ vững vàng, Tuấn đã cùng Ban chỉ huy Công an xã xây dựng thành công mô hình điểm “Phòng cháy chữa cháy trong cộng đồng dân cư”, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ an toàn ANTT khu vực biên giới, đến nay mô hình đã được nhân rộng ở 11 thôn, 5 xã vùng biên giới Tây Giang. Tuấn cười bảo: “Tết Quý Mão 2023 này, sẽ là Tết thứ 2 chúng tôi đón xuân trên biên cương, vùng biên cương này đã là quê hương thứ 2 của chúng tôi rồi”.
Cũng như Đại úy Ân, Thượng úy Tuấn, các cán bộ chiến sĩ Công an từ nhiều miền quê, từ nhiều đơn vị khác nhau được điều động lên biên giới, đã góp phần xây dựng lực lượng Công an xã ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt công tác giữ gìn, đảm bảo ANTT vùng biên cương.
Một mùa xuân yên bình nữa lại về trên dải biên cương.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bien-gioi-da-la-que-huong-post272484.html