Biên giới Tây Nam: Nhức nhối hàng nhập lậu

Biên giới Tây Nam giáp với Campuchia luôn là điểm nóng về hàng hóa nhập lậu nhiều năm qua. Trong năm 2018, lực lượng chống buôn lậu các tỉnh đã tăng cường tần suất kiểm tra và quyết liệt xử lý, nhưng hàng hóa vẫn tiếp tục thẩm lậu qua biên giới và diễn biến còn rất phức tạp.

Là một trong những điểm nóng về hàng nhập lậu từ biên giới Campuchia, 11 tháng năm 2018, Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tây Ninh đã tổ chức kiểm tra 1.244 vụ, phát hiện 553 vụ vi phạm, trị giá hàng tịch thu hơn 1,2 tỷ đồng, thu nộp ngân sách trên 6, 9 tỷ đồng.

Cần tăng cường kiểm soát trên diện rộng, đặc biệt là các điểm nóng thuộc khu vực biên giới, vùng giáp ranh

Cần tăng cường kiểm soát trên diện rộng, đặc biệt là các điểm nóng thuộc khu vực biên giới, vùng giáp ranh

Ông Châu Thanh Long - đại diện Cục QLTT tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, hàng hóa nhập lậu qua địa bàn Tây Ninh trong năm qua diễn biến còn phức tạp nhưng tính chất công khai, manh động đã giảm so với trước khi lực lượng chống buôn lậu tăng cường kiểm soát trên diện rộng, đặc biệt là các điểm nóng thuộc khu vực biên giới, vùng giáp ranh với Long An.

Trong năm 2018, ở khu vực biên và trong thị trường nội địa. Hàng lậu đi qua ngõ An Giang số lượng nhiều là thuốc lá và đường cát. Để vận chuyển hàng lậu vào sâu trong nội đồng, các đối tượng đầu nậu cầm đầu đường dây buôn lậu chuyên nghiệp thuê người dân sống ở khu vực biên giới đai vác hàng hóa qua biên giới, sau đó dùng ghe thuyền, ôtô, để chuyển hàng lậu về các thành phố lớn như Long Xuyên, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Với tỉnh An Giang, mặc dù các lực lượng 389 đã tăng cường kiểm soát nhưng hàng hóa nhập lậu vẫn tiếp tục gây nhức nhối, hàng lậu được đóng gói thành “hàng ký gửi” vận chuyển để tránh bị kiểm tra hoặc có bị phát hiện cũng khó truy tìm được chủ hàng. Trong 11 tháng năm 2018, lực lượng QLTT An Giang kiểm tra 2.728 vụ, phát hiện 736 vụ vi phạm, giá trị hàng hóa vi phạm 5,46 tỷ đồng, trong đó hàng cấm, hàng nhập lậu 3,94 tỷ đồng, giảm 49% so cùng kỳ.

Tương tự, tại Long An, theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh, hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh năm 2018 tiếp tục được kiểm soát, song hành vi và thủ đoạn buôn lậu đã biến chuyển qua nhiều hình thái mới rất tinh vi.

Để chống hàng hóa nhập lậu qua biên giới, ông Lê Minh Đức cho rằng, các cơ quan chống buôn lậu cần thay đổi cách chống và thực thi quyết liệt các kế hoạch đề ra; còn theo ông Châu Thanh Long, lực lượng QLTT, công an, hải quan, bộ đội biên phòng cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc trao đổi thông tin, điều tra đối tượng để xử lý. Ông Đoàn Minh Triết - Phó giám đốc Sở Công Thương An Giang - đánh giá, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả vẫn tiếp tục diễn ra và sẽ gia tăng trong các dịp lễ, tết. Để ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đội QLTT độc lập, phối hợp với các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác trinh sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng nhập lậu, hàng giả lưu thông trên thị trường. Trên khu vực biên giới, ngoài chốt chặt các cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở, lực lượng 389 cần phối hợp với chính quyền địa phương, huyện, xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân không tham gia mang vác hàng lậu thuê qua biên giới và tổ chức giúp người dân chuyển đổi nghề khác để nuôi sống gia đình.

Để giảm thiểu tình trạng hàng hóa nhập lậu, các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch phối hợp nhằm tấn công vào các đường dây, ổ nhóm ngay từ biên giới.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bien-gioi-tay-nam-nhuc-nhoi-hang-nhap-lau-114179.html