Biên Hòa xây dựng đô thị văn minh
Trong 2 năm qua, Thành ủy Biên Hòa thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về 'Xây dựng đô thị văn minh, an toàn giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030' (gọi tắt là Nghị quyết 13). Với quyết tâm đưa thành phố trở thành một đô thị văn minh, hàng loạt giải pháp đã được thành phố triển khai.
* Cải thiện trên nhiều lĩnh vực
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, Nghị quyết 13 có nội hàm khá rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực như: phát triển đô thị, giáo dục, môi trường, cải cách thủ tục hành chính, trật tự xã hội, môi trường đầu tư, ứng xử trong cộng đồng...
Một số lĩnh vực đạt được trong Nghị quyết 13 của TP.Biên Hòa: Hoàn thành việc ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn 30 phường, xã; vận động 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; cơ bản xử lý tình trạng ngập nước trong các phường nội ô thành phố; tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp không nguy hại đạt 100%; số hộ sử dụng nước sạch đạt 99,65%; 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có bác sĩ phục vụ ổn định; 100% các phường, xã thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân hằng năm...
Ông Dũng chia sẻ, 2 năm qua, thành phố cũng đã thực hiện khá quyết liệt để cải thiện nhiều vấn đề. Đơn cử như về quản lý đô thị, đã kiểm tra xử lý hơn 2.800 trường hợp xây dựng trái phép, dỡ bỏ hơn 500 mái che, bảng hiệu lấn chiếm vỉa hè, lề đường, xử lý gần 6.700 trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường.
Đặc biệt, thành phố cũng đã tăng cường công tác kiểm tra xây dựng trái phép, không phép và tình trạng phân lô bán nền trái quy định ở 8 phường có những điểm “nóng” như: Long Bình, Tam Phước, Trảng Dài, Phước Tân, An Hòa, Hiệp Hòa, Tân Vạn và Hóa An.
Về lĩnh vực môi trường, thành phố tiến hành kiểm tra thường xuyên và đã xử phạt hơn 150 cơ sở, niêm phong nhà xưởng đối với 11 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cũng đã vận động hơn 10 ngàn lượt người tham gia các chương trình làm sạch môi trường, thu gom được hơn 400m3 rác thải nơi công cộng và khơi thông hơn 14.700m cống rãnh.
Giáo dục cũng là vấn đề “nóng” của thành phố. Do mức độ tăng dân số cơ học khá nhanh nên việc đầu tư trường lớp luôn ở tình trạng không theo kịp. “Mặc dù thời gian qua thành phố đã đầu tư xây dựng khá nhiều trường, lớp nhưng do số lượng học sinh tăng quá nhanh nên tình trạng thiếu trường, lớp vẫn còn, dẫn đến sĩ số học sinh nhiều trường cao hơn so với quy định. Hiện thành phố mới tạm xóa được tình trạng học ca 3” - ông Dũng nói. Từ năm 2017 đến nay, TP.Biên Hòa đã xây dựng mới và đưa vào sử dụng 8 trường học, chủ yếu là các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
* Diện mạo mới cho đô thị
Theo ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, trong thời gian qua thành phố đã dồn khá nhiều nguồn lực cho phát triển đô thị, tuy nhiên vẫn chưa tạo ra được diện mạo mới cho TP.Biên Hòa. Nguyên nhân là do những công trình, dự án lớn để tạo ra sự thay đổi lớn cho thành phố vẫn chưa triển khai được.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Lê Văn Dành cũng cho rằng, các công trình trọng điểm của thành phố thời gian qua triển khai chưa đạt. “Đầu tư cho hạ tầng mạnh sẽ làm thay đổi diện mạo của thành phố, nhất là những công trình lớn phục vụ dân sinh, cải tạo chỉnh trang đô thị. Thời gian qua, dù thành phố có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa có dự án lớn nào được khởi công, nhất là 4 công trình trọng điểm mà Tỉnh ủy đã chỉ đạo, việc này cũng cần phải xem xét” - Bí thư Thành ủy Biên Hòa trăn trở.
Theo ông Dành, thời gian tới thành phố sẽ tập trung để khởi công cho được công trình trọng điểm, cụ thể là 4 dự án: đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến gần huyện Vĩnh Cửu), trục đường trung tâm thành phố và cầu Thống Nhất, hương lộ 2 (đoạn gần quốc lộ 51). Đây là những dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt kiến trúc cảnh quan của thành phố.