Biên kịch Đặng Thiếu Ngân: Mâm cơm Tết có thịt gà, bánh chưng nhưng vẫn có kim chi, bosam Hàn Quốc

'Các ngày giỗ hay lễ tiết riêng từng nước, tôi nấu món đặc trưng. Còn những ngày chung như Tết, thì trên mâm cơm có đủ thịt gà, bánh chưng, giò nhưng vẫn có cả kim chi, bosam… là những món đặc trưng của Hàn Quốc', biên kịch Đặng Thiếu Ngân chia sẻ về mâm cơm Tết.

Nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân Ảnh: NVCC

Nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân Ảnh: NVCC

Bạn bè từng nghĩ chỉ có người khác "hầu" tôi

- Là một phụ nữ nhưng lại khá bận rộn vai trò lãnh đạo (Tạp chí Hàn Quốc, Hội Nghiên cứu khoa học Hàn Quốc, Naver Vietnam) và còn là nhà biên kịch, chị có dành thời gian cho chuyện bếp núc không?

+ Quả thật là tôi khá bận vì cùng lúc "tham" nhiều việc nhưng công việc là công việc, gia đình là gia đình. Tôi luôn cố gắng thu xếp để nếu không phải đi công tác thì sẽ về nhà tự tay nấu ăn cho gia đình.

Thật ra việc bếp núc không phải là sở thích của tôi. Thậm chí trước khi lấy chồng, nhiều bạn bè khẳng định ai lấy tôi về là xác định phải "hầu" tôi chứ không có chuyện tôi quán xuyến gia đình, đừng nói là nội trợ, bếp núc. Tuy nhiên, sau khi lấy chồng, tôi nghĩ rằng nấu cho chồng con ăn là niềm vui, thích thì làm chứ không ai bắt, ép. Khi nhìn thấy những người thân yêu ăn món mình nấu, khen món đó ngon tự tôi cảm thấy hay hay. Và dần dần thế, chồng con tôi gần như không bao giờ ra ngoài ăn, kể cả tiệc tùng.

Mâm cỗ Tết được nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân chuẩn bị Ảnh: NVCC

Mâm cỗ Tết được nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân chuẩn bị Ảnh: NVCC

- Theo dõi trang cá nhân của chị, thấy chị từng chia sẻ những món ăn được trình bày rất cầu kỳ, khéo léo. Có vẻ sau khi tìm được niềm vui với bếp núc, chị đã học nấu ăn nghiêm túc?

+ Nói chẳng biết mọi người có tin không nhưng tôi chưa từng học ăn theo chương trình bài bản nào mà tất cả đều do tự hoàn thiện sau khi lập gia đình. Tôi chỉ "ngó nghiêng" nhìn mẹ chồng nấu vài món. Nếu có thì thi thoảng tôi cũng tham khảo trên mạng, rồi đọc sách dạy nấu ăn hay đi ăn ở nhà hàng rồi "học lỏm" xem món đó họ dùng những gia vị, nguyên liệu gì thôi. Cách chế biến đều do tự tôi nấu nướng theo kiểu của mình. Tôi quan niệm nấu ăn chẳng có cân lạng nghiêm chỉnh được vì dù có theo lượng đong đếm chuẩn thì dưới tay mỗi người vẫn ra những vị không thể giống hệt nhau.

Những hình ảnh tôi hay chia sẻ thường là những món ăn ngày giỗ chạp, lễ Tết. Với tôi, đây là dịp mình được bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên trong khuôn khổ trách nhiệm, khả năng của mình. Tất cả những dịp này, tôi đều chuẩn bị kế hoạch trước, mua gom dần các đồ lễ, làm món ăn, đặt những loại bánh, xôi đẹp nhất. Có thể nói, mỗi mùa làm cỗ với tôi như một sự trải nghiệm mới, giúp mình chín chắn, chững chạc hơn nên tôi thấy rất thú vị.

- Nói như thế nghĩa là hồi chưa lấy chồng, chị không nấu ăn sao?

- Nói như thế nghĩa là hồi chưa lấy chồng, chị không nấu ăn sao?

+ Tôi vẫn luôn tự hào vì được sinh ra trong một gia đình mà ai cũng nấu ăn ngon, từ bà nội, bố, cô ruột và chị gái đều là những đầu bếp xuất sắc.

Nhiều người khen tôi nấu ngon, khéo bày biện nhưng thật ra bố mẹ tôi cũng không hề có niềm tin là tôi biết nấu nướng vì ở nhà không tới lượt tôi vào bếp. Việc của tôi chỉ là rửa bát và dọn vệ sinh. Tôi làm rất nhanh, sạch vô địch nên đảm trách phần việc đó. Còn việc nấu nướng là bố và chị gái "xử" hết. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa khi nào nấu món ăn nghiêm chỉnh cho bố. Vì bố tôi nấu ngon hơn, chỉ cần đề xuất món gì là có luôn. Thế nên tôi chưa từng phải nấu nướng khi ở nhà ngoại.

- Bây giờ chị là cô dâu khéo léo rồi nhưng có khi nào chị gặp "tai nạn" bếp núc không?

+ Có chứ! Tôi có thể nấu rất nhiều món nhưng đến giờ chồng tôi vẫn không đánh giá món kem caramen của tôi do tôi luôn chế thành … tào phớ. Dù sau này tôi tự thấy khá khẩm lên nhiều nhưng list món tủ được ghi nhận của tôi luôn ghi dấu đây là món tôi hoàn toàn thất bại. Và tôi cũng chán, không bao giờ thử nghiệm lại món này.

- Nhân nhắc đến ông xã, có câu nói: Con đường ngắn nhất đến trái tim đàn ông là đi qua... dạ dày. Đặt vào trường hợp của chị, câu này đúng - sai thế nào?

+ Tôi nghĩ câu này cũng đúng, nhưng chỉ đúng với những người đàn ông tử tế, muốn ăn ngon nhưng biết trân trọng công sức người nấu ăn cho mình.

Tôi không trở nên giỏi bếp núc nhờ quan điểm này. Với tôi rất đơn giản, cái gì làm được thì đương nhiên mình không để ai đánh giá mình là kém. Nói cách khác, tôi biết nấu nhiều món là tự tôi thích hoành tráng đấy (cười).

- Vậy trong gia đình chị, chuyện bếp núc là "chuyên môn hóa" hay được phân công cho từng người?

+ Nhà tôi ai thích nấu ăn sẽ được dành cho cơ hội vào bếp. Và không có sự chuyên môn hóa bất cứ việc gì trong nhà, trừ việc bố mẹ nói thì con cái không được quyền cãi lại. Nhiều hôm tôi ở nhà, chuẩn bị xong món ngon nhưng các con tôi thích đãi mẹ món gì đó thì con sẽ nấu và món mẹ nấu để dành ăn sau. Thực sự những lần như thế cũng khá thú vị!

- Vậy ông xã có thường xuyên vào bếp cùng chị không? Nhiều người nói đàn ông đeo tạp dề nhìn rất quyến rũ?

+ Ồ! Tôi thấy hình ảnh đấy rất là bình thường vì quá quen thuộc. Chồng tôi không chỉ nấu ăn mà còn rửa bát, lau dọn nhà cửa, làm vườn, quét sân… tất cả những việc gì có thể thì anh đều làm. Còn tôi, ngoài nấu ăn thì chỉ việc ngồi ngắm thành quả lao động của cả nhà thôi.

Dành hai ngày để chuẩn bị một mâm cơm Tết

- Là phụ nữ Việt làm dâu xứ Hàn, mâm cơm ngày Tết của gia đình chị có gì đặc biệt hơn các gia đình khác?

- Là phụ nữ Việt làm dâu xứ Hàn, mâm cơm ngày Tết của gia đình chị có gì đặc biệt hơn các gia đình khác?

+ Tại Hàn Quốc, những gia đình ở nông thôn cũng đón Tết âm lịch, còn đa số ở thành phố lớn hay thế hệ trẻ họ chỉ quan niệm ngày Trung thu mới là dịp đoàn viên. Ở nhà tôi mỗi năm có 7 lần cúng lễ kiểu Hàn, với những bữa cơm linh đình các món Hàn do tôi chuẩn bị. Ngoài ra, cũng tầm 7 - 8 lần trong năm tôi sẽ cúng lễ theo truyền thống Việt Nam.

Món ăn hai nước, đặc biệt là món để cúng lễ có những sự khác biệt nhưng với tôi, cứ cái gì mình thấy đẹp, thấy thích, thấy ngon thì mình sẽ làm chu đáo để dâng lên Ông bà chứ không quan trọng món Việt, món Hàn.

Các ngày giỗ hay lễ tiết riêng từng nước, tôi nấu món đặc trưng. Còn những ngày chung như Tết, trên mâm cơm có đủ thịt gà, bánh chưng, giò nhưng vẫn có cả kimchi, bosam… là những món đặc trưng của Hàn Quốc.

- Như thế thì cầu kỳ quá! Vậy thời gian mỗi lần vào bếp để có một mâm cơm Tết hoàn chỉnh của chị khoảng bao lâu?

+ Tôi thường dành khoảng hai ngày để chuẩn bị một mâm cơm ngày Tết. Vì tôi luôn có sự đầu tư kỹ nguyên liệu, rượu chè, bánh… Có khi chuẩn bị cả tháng mua nguyên liệu từ nước ngoài về. Thế nên gần như tôi không bị động, lúng túng gì trong quá trình thực hiện.

Nhưng cũng có lần "tai nạn", do mua nhiều, mua sớm, tuyển chọn kỹ lưỡng để tích trữ dành cho Tết đến khi mang ra dùng thì đã quá hạn sử dụng rồi và tôi lại phải tìm mua lại món khác. Tất nhiên, vội vã thì không thể như ý được.

- Hiện nay nhiều người quan niệm cả năm vất vả những ngày Tết qua loa rồi đưa nhau đi du lịch. Là phụ nữ hiện đại, chị quan niệm thế nào về điều này?

+ Nhà tôi năm nào cũng cúng lễ rất chu đáo vào ngày Tết Dương lịch và đặc biệt là mâm cơm chiều 30 Tết Nguyên đán. Sau lễ cúng Giao thừa, với gia đình tôi phần lễ đã xong, chúng tôi bắt đầu phần hội. Chúng tôi luôn du xuân cùng gia đình bên ngoại ngay từ ngày mùng 1 Tết.

Vì gia đình tôi không phải kiểu chờ ngày Tết mới có dịp trở về nhà mà hàng tuần vẫn luôn tụ tập ăn uống thoải mái bên nhau nên tôi cũng quan điểm giống nhiều bạn trẻ. Đó là cả năm có dịp Tết cùng nghỉ ngơi, đi chơi cùng nhau, đi khám phá những miền cảnh đẹp. Đón Xuân là quây quần bên người thân, gia đình của mình nên việc đi chơi du xuân cũng rất ý nghĩa.

- Như đã chia sẻ, tư tưởng của nhiều người Việt trẻ hiện nay không quan tâm nhiều chuyện ẩm thực trong những ngày Tết cổ truyền. Chị có ý định viết một kịch bản về vấn đề này không?

+ Tôi nghĩ, mỗi đề tài đều có sự hấp dẫn riêng. Việc nhiều bạn trẻ ngày nay không còn quá coi trọng bữa cơm ngày Tết, theo tôi cũng là một đề tài hấp dẫn. Tuy nhiên, để có thể viết thành một kịch bản hay, đại diện cho nhiều hoàn cảnh, tình huống trong xã hội thì cần nhiều sự quan sát, cần xúc cảm để sáng tác và hiện thì tôi đang hào hứng với những chủ đề khác hơn.

Cảm ơn độc giả Báo Gia đình & Xã hội đã cho tôi cơ hội chia sẻ đầu xuân. Chúc các bạn năm mới An khang, Hạnh phúc, luôn đầm ấm cùng gia đình bên những bữa cơm ngon.

- Cảm ơn chia sẻ của chị! Chúc chị năm mới an khang!

Nhiều người nghĩ tôi đảm đang nên hỏi liệu tôi có tham gia Gameshow ẩm thực? Nhưng thực ra tôi khá bận nên chưa có dịp tham gia show nào. Hơn nữa, tôi nấu khá nhưng việc sơ chế thực phẩm lại khá vụng về. Kiểu như nhìn tôi cầm dao ai cũng bảo thấy “ghê quá” nên chắc thể hiện trước đám đông là tôi hơi ngại. Tất nhiên, nếu được mời mà có kèm một phụ tá xử việc dao thớt giúp thì tôi rất sẵn sàng tham gia”, biên kịch Đặng Thiếu Ngân chia sẻ.

Ngọc Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/bien-kich-dang-thieu-ngan-mam-com-tet-co-thit-ga-banh-chung-nhung-van-co-kim-chi-bosam-han-quoc-20200114134521602.htm