Biên lợi nhuận đáng nể và 'ngọt - đắng' thương trường của Kim Oanh Group
Khởi nghiệp từ quán nước ven đường đến văn phòng giao dịch bất động sản, nữ doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970) đã xây dựng Kim Oanh Group trở thành một đế chế bất động sản ở khu vực phía Nam.
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Kim Oanh Group
Sinh ra trong một gia đình đông anh em tại Huế, gia cảnh nghèo khó khiến bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Kim Oanh Group, phải bươn chải từ nhỏ để kiếm sống.
Năm 2004, bà chuyển tới Bình Dương, mở quán nước ven đường tại Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát. Khi thị trường địa ốc Bình Dương trở nên sôi động, quán nước cũng trở thành nơi nhiều nhà đầu tư nghỉ chân, trao đổi thông tin. Mối lương duyên của bà Oanh với nghề môi giới bất động sản cũng bắt đầu từ đó.
Năm 2009, CTCP Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh (Địa ốc Kim Oanh) ra đời, tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà giá rẻ với nhóm khách hàng tiềm năng là người lao động có thu nhập thấp.
Tới năm 2015, trong nỗ lực tái cấu trúc theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị, Địa ốc Kim Oanh góp vốn thành lập Kim Oanh Group với các đơn vị thành viên gồm Kim Oanh Investment và Kim Oanh Construction. Trong đó, Kim Oanh Investment đảm nhiệm vai trò đầu tư, phát triển và kinh doanh các dự án bất động sản.
Giới thiệu trên website, Kim Oanh Group cho biết tập đoàn này đang sở hữu quỹ đất lên đến 650 ha, tập trung ở các thị trường trọng điểm phía Nam.
Tầm vóc của Kim Oanh Group được phản ánh phần nào thông qua đà tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô tổng tài sản, cũng như biên lợi nhuận đáng nể của Địa ốc Kim Oanh.
Mức sinh lời đáng nể của Địa ốc Kim Oanh
Trong giai đoạn 2016 – 2019, quy mô tổng tài sản của Địa ốc Kim Oanh tăng gấp 2,4 lần, từ 592 tỉ đồng (cuối năm 2016) lên mức 1.445 tỉ đồng (cuối năm 2019). Tương tự, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty này cũng tăng nhanh, từ mức 76 tỉ đồng vào cuối năm 2016 lên mức 539 tỉ đồng vào cuối năm 2019.
Trái ngược với sự gia tăng về tổng tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu, kết quả kinh doanh của Địa ốc Kim Oanh đạt đỉnh vào năm 2016 và có phần hụt hơi vào năm 2019, song vẫn giữ được biên lợi nhuận ở mức cao.
Cụ thể, năm 2016, Địa ốc Kim Oanh ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 657,35 tỉ đồng, báo lãi thuần 269 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuần thuần ở mức 41% - tức cứ 10 đồng doanh thu thì doanh nghiệp này ghi nhận tới 4 đồng lãi.
Tuy nhiên, trong năm 2019, Đại ốc Kim Oanh chỉ ghi nhận doanh thu thuần chỉ còn 328,9 tỉ đồng, giảm một nửa so với năm trước. Đồng thời, doanh nghiệp này báo lãi vỏn vẹn 68 tỉ đồng, biên lợi nhuận giảm xuống còn 21%.
Kim Oanh Group - Thuận Lợi - Tân Mai Group
CTCP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Thuận Lợi) được thành lập vào tháng 12/2012, trụ sở chính đặt tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Tính đến tháng 10/2019, Thuận Lợi có 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, bà Đặng Thị Kim Oanh góp 120 tỉ đồng, sở hữu 40% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại do bà Nguyễn Thị Nhung và ông Nguyễn Thuận nắm giữ, vơi tỷ lệ sở hữu lần lượt là 20% và 40% vốn điều lệ.
Cũng vào tháng 10/2019, Thuận Lợi đã chi 1.270 tỉ đồng đấu giá thành công lô đất 50 ha tại xã Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai. Đây là lô đất có vị trí đắc địa, được xem là “đất vàng” với mặt tiền giáp tỉnh lộ 769, gần dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Trước đó, như VietTimes từng đề cập, ngày 6/10/2016, Thuận Lợi cũng ký kết 2 hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) để khai thác một số quỹ đất tại Đồng Nai và Bình Dương.
Trong đó, Tân Mai Group góp 30% vốn bằng quỹ đất, với giá trị được 2 bên xác nhận là 351,567 tỉ đồng (quỹ đất tại Đồng Nai là 286 tỉ đồng, quỹ đất tại Bình Dương là 65,567 tỉ đồng). Thuận Lợi góp vốn bằng tiền ở giai đoạn thành lập công ty cổ phần và bổ sung vốn điều lệ để thực hiện dự án.
Trong 4 năm gần nhất, Thuận Lợi liên tục tăng trưởng mạnh về cả quy mô tài sản và nguồn vốn. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thuận Lợi đạt 5.491 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 780 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 27% và 25% so với thời điểm đầu năm.
Về kết quả kinh doanh, năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của Thuận Lợi lần lượt đạt 1.009 tỉ đồng và 1.585 tỉ đồng, lãi thuần tương ứng ở mức 120 tỉ đồng và 203 tỉ đồng.
Bước sang năm 2019, dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu thuần của Thuận Lợi bất ngờ đạt mức âm 80 tỉ đồng. Đối với doanh nghiệp bất động sản, tình trạng này thường xảy ra khi các khoản giảm trừ doanh thu quá lớn. Mà nguyên nhân chủ yếu là do các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện một số hồ sơ, thủ tục nên các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu.
Cập nhật đến ngày 31/8/2020, Thuận Lợi đã nâng vốn điều lệ lên mức 1.050 tỉ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thuận (SN 1967). Ông Thuận hiện còn đang đứng tên tại Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội – đơn vị phát triển dự án Khu đô thị Phú Hội, có quy mô 84 ha tại trung tâm thành phố Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Những nốt trầm của Kim Oanh Group
Kim Oanh Group không ít lần vướng lùm xùm pháp lý trong quá trình thâu tóm quỹ đất.
Đầu năm 2019, Kim Oanh Group xảy ra tranh chấp với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú tại dự án Khu dân cư Hòa Lân. Dù tập đoàn này đã thanh toán đủ số tiền mua tài sản đấu giá là 1.353 tỉ đồng cho Agribank Chợ Lớn, tuy nhiên cho đến nay dự án này vẫn chưa chuyển đổi được chủ đầu tư.
Đáng chú ý, Kim Oanh Group cũng đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong vụ bán rẻ 43 ha “đất vàng” tại Bình Dương thuộc dự án Khu đô thị Tân Phú do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Tân Phú) làm chủ đầu tư.
Theo đó, vào các ngày 2/10/2017 và 6/2/2018, Kim Oanh Group đã ký 2 hợp đồng với nội dung nhận chuyển nhượng 100% vốn góp tại Tân Phú thời điểm đó đang được sở hữu bởi CTCP Bất động sản Âu Lạc (Âu Lạc).
Tuy nhiên, liên quan đến các thương vụ chuyển nhượng vốn góp tại Tân Phú trước đó, 43 ha đất kể trên đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi. Kim Oanh Group bỗng dưng rơi vào thế khó khi đã đầu tư phát triển dự án, đồng thời cũng đã thế chấp dự án này cho ngân hàng.
Ngày 17/2/2020, Kim Oanh Group có văn bản gửi các cơ quan truyền thông khẳng định chủ quyền tại dự án Khu đô thị Tân Phú, tuy nhiên về mặt pháp lý, tập đoàn này lại chưa được cơ quan nhà nước chấp thuận là chủ sở hữu./.