Biến lớn sáng mùng 2 Tết: Vợ buột miệng tiết lộ 1 điều với anh chị chồng và câu chuyện tiền bạc trong năm mới để phụ nữ không bị thiệt thòi

Những lời thật lòng của vị khách lại là chất xúc tác để vợ chồng Kim có 1 cuộc khẩu chiến đầu năm mới...

Câu chuyện "tức nước vỡ bờ" ngày mùng 2 Tết

Đầu xuân năm mới người ta đi chúc Tết nhau, quây quần với đủ câu chuyện. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những cô vợ đã phải nín nhịn suốt cả năm qua, như đốm lửa tưởng gần lụi nhưng chỉ 1 que diêm nhỏ cũng đủ cháy cả căn nhà.

3 ngày Tết Kim thường phải dậy từ sớm để làm cơm cúng cùng mẹ chồng còn chồng cô thì đến giờ ăn cơm mới xuống. Trước nay bà vẫn bênh con trai nên gần như Kim không thể tâm sự được chuyện gì chứ đừng nói mách tội chồng hay kể khổ.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Sáng mùng 2 có anh chị họ của chồng từ trong Nam đến chơi nên Kim phải làm thêm 1 mâm cơm tiếp đãi. Chẳng hiểu câu chuyện qua lại thế nào mà khi chị chồng hỏi về tình hình kinh tế năm qua, Kim buột miệng: "Lương thưởng Tết của chồng em to bé hình dáng như thế nào em cũng chưa được nhìn thấy chị ạ".

Vị khách bất ngờ hỏi tiếp: "Ô thế Tết nhất thế này mình em lo hết à? Sao lại không đưa lương cho vợ thì nó chi tiêu kiểu gì, bao nhiêu khoản?".

Mẹ chồng Kim có vẻ không vui, cười gượng chuyển sang chuyện khác. Bấy giờ chồng Kim bước vào bị anh rể vỗ vai khuyên bảo: "Năm mới anh nói thật, tiền nong là cứ phải đưa đàn bà giữ nó mới bền em ạ. Đàn ông mình tập trung làm việc chính thôi. Như chị chú đây, tháng nào mà anh chậm lương 1 ngày là bà ấy sưng mặt lên ngay. Nhưng may vợ nó nghiêm khắc mình mới dành dụm được nhiều".

Những lời thật lòng của vị khách lại là chất xúc tác để vợ chồng Kim có 1 cuộc khẩu chiến đầu năm mới:

- Cô giỏi thật, mới đầu năm cô đã nói xấu chồng với họ hàng nhà chồng.

- Tôi chỉ nói sự thật. Anh làm lương lậu thế nào có bao giờ anh công khai không hay mỗi tháng anh đưa cho tôi được vài triệu như bố thí. Rồi anh đóng được khoản nào thì anh kêu ca làm như gánh nặng lắm.

- Tôi đã nói bao lần rồi, tôi còn nhiều việc lớn phải làm, cô suy nghĩ thiển cận thế nhỉ. Đúng là đồ đàn bà mở mồm ra chỉ tiền tiền.

Kim uất ức trào nước mắt, vì tất cả những cuộc cãi nhau trước giờ của vợ chồng cô đều chung 1 vấn đề: Tiền.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Những điều cần thiết để 1 cuộc hôn nhân ở trạng thái cân bằng dù mức thu nhập của vợ chồng có thể chênh nhau

Trong số các cặp vợ chồng đã kết hôn mà trong đó 1 người là trụ cột kinh tế (vợ ở nhà nội trợ hoặc thu nhập thấp) thường có sự sai lệch phương trình tài chính. Nếu người chồng đảm đương mọi việc, từ thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, thì người vợ không có thu nhập sẽ có xu hướng bị áp đặt các điều khoản. Có trường hợp hàng tháng vợ phải hỏi han, nhắc nhở thậm chí là nài nỉ để chồng lo chi tiêu cá nhân, gia đình. Trong nhiều cuộc hôn nhân, người chồng chia sẻ tiền bạc, nhưng không chia sẻ thông tin về tiền lương, chi tiêu hoặc các khoản đầu tư của anh ấy.

Nếu bạn đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này như cô Kim trong câu chuyện trên hãy tham khảo vài cách dưới đây:

Xây dựng tiền đề ngay từ khi tính tới chuyện hôn nhân

1 người vợ hợp pháp có quyền được biết mức thu nhập của chồng mình. Ngay từ khi yêu và chuẩn bị cưới hãy thẳng thắn chia sẻ những phương án tài chính sau này. Và bạn cũng không nên quá phụ thuộc vào chồng mình. Điều quan trọng là nếu chấp nhận ở nhà nội trợ cũng phải để cho anh ta thấy bạn vẫn đang làm việc trong 1 vai trò còn quan trọng và thiệt thòi hơn người đi làm. Bạn xứng đáng được đối xử công bằng và trân trọng.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Ngay từ khi yêu hãy hỏi anh ấy về các vấn đề tài chính. Đừng e ngại vì đó chỉ là sự quan tâm và hoạch định tương lai của bạn. Đồng thời bạn cũng nên chủ động chia sẻ với anh ấy khoản thu nhập của mình, cách chi tiêu sau này khi làm chủ gia đình để anh ấy thấy bạn là người biết tính toán hợp lý.

Chia làm nhiều quỹ với mục tiêu rõ ràng

Bước đầu tiên trong việc tạo ngân sách là xem xét các khoản chi tiêu hàng tháng của bạn. In sao kê thẻ tín dụng, thu thập hóa đơn hàng tháng và theo dõi các khoản đóng góp bảo hiểm của cả gia đình.

Khi bạn đã thống kê tất cả các khoản chi tiêu của mình, đã đến lúc phân loại chúng thành nhu cầu cho gia đình và sở thích cá nhân. Mỗi người có thái độ khác nhau đối với các tài khoản chung và tổng thu nhập. Bất kể bạn và vợ/ chồng của bạn giữ tài khoản ngân hàng riêng hay chung, điều quan trọng là phải biết tổng số tiền đáp ứng nhu cầu của cả gia đình mỗi tháng.

Cụ thể, 1 số chuyên gia tài chính tư vấn, mỗi gia đình cần có 4 loại quỹ: Quỹ chi tiêu chung cho những khoản cố định hàng tháng, quỹ khẩn cấp cho các trường hợp phát sinh ngoài, 2 quỹ riêng của 2 vợ chồng thì sẽ không xuất hiện khoản quỹ đen nào nữa. Và điều cần đặt lên hàng đầu đó là sự trung thực.

Mẹo chuyên nghiệp: Hãy cân nhắc tăng ngân sách hàng tháng của bạn thêm 5% - 15% cho những điều không nằm trong kế hoạch. Mặc dù nghe có vẻ cao, nhưng nó sẽ bao gồm các chi phí cho những việc bạn không thể tưởng tượng ra nhưng vẫn bắt buộc phải tiêu.

Tranh minh họa

Tranh minh họa

Ưu tiên tạo quỹ khẩn cấp hộ gia đình

Khi bạn đã chia các khoản chi tiêu của mình thành "nhu cầu gia đình" và các khoản khác, bạn nên có một ý tưởng rõ ràng về những gì hộ gia đình bạn yêu cầu hàng tháng chỉ để tồn tại.

Lập quỹ khẩn cấp hộ gia đình sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về tiền bạc. Nếu bạn biết rằng bạn có thể trang trải chi phí hoạt động của gia đình trong vài tháng, bạn sẽ ít có khả năng càu nhàu, trách móc đối phương vì sự vung tiền của họ tại trung tâm mua sắm.

Quyết định cách quản lý tài khoản chung và tài khoản cá nhân

Phần khó nhất trong việc lập ngân sách với vợ/ chồng là thực tế là có hai người cùng quyết định nhưng mức thu nhập lại khác nhau. Nó đặt ra rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn như:

- Nếu một người kiếm được nhiều hơn người kia, bạn nên đóng góp tương ứng hay bằng nhau vào các chi phí trong gia đình?

- Nếu vợ/ chồng của bạn có nợ từ trước hôn nhân, bạn có trả hết nợ cho họ không?

- Nếu anh/ cô ấy có nhiều khoản phát sinh cần dùng vượt quá mức thu nhập của họ thì chẳng phải bạn đang "làm công ích" sao?

Đây đều là những câu hỏi rất cá nhân mà câu trả lời của chúng rất khác nhau tùy thuộc vào từng cặp đôi. Mặc dù bạn và đối tác của bạn có thể có các câu trả lời khác nhau nhưng điều quan trọng là phải thảo luận mọi tình huống để bạn có thể thống nhất một số vấn đề cơ bản và tránh bị lừa dối.

Nếu bạn có nhiều ý kiến khác nhau về việc gộp tiền, hãy cố gắng tập trung vào nhu cầu gia đình thay vì mong muốn. Đối với một số người, việc giữ các tài khoản riêng biệt là rất quan trọng và mang lại cho họ cảm giác an toàn về tài chính.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bien-lon-sang-mung-2-tet-vo-buot-mieng-tiet-lo-1-dieu-voi-anh-chi-chong-va-cau-chuyen-tien-bac-trong-nam-moi-de-phu-nu-khong-bi-thiet-thoi-172220202175312412.htm