Biến mùa hoa thành 'mùa vàng' du lịch
Theo các chuyên gia, du lịch mùa hoa có thể trở thành sản phẩm du lịch chiến lược nếu được đầu tư đúng cách. Kết hợp cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và bảo tồn giá trị bản địa là chìa khóa phát triển bền vững.
Tiềm năng lớn
Những năm gần đây, du lịch mùa hoa ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong việc thu hút du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Việt Nam, với hệ sinh thái đa dạng và khí hậu thuận lợi, sở hữu vô số loài hoa nở theo mùa, tạo nên những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch.
Không chỉ đơn thuần là sắc hoa, những mùa hoa này còn gắn liền với bản sắc văn hóa vùng miền, trở thành điểm nhấn hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Tây Bắc được xem là vùng đất tiên phong trong khai thác du lịch mùa hoa với những cái tên đã trở thành biểu tượng, như hoa mận Mộc Châu, hoa ban Điện Biên, hoa tam giác mạch Hà Giang, hoa sơn tra Sơn La, hay sắc trắng hoa lê Hồng Thái – Tuyên Quang.
Đặc biệt, theo thống kê, mùa hoa mận năm nay đã giúp Mộc Châu đón hơn 1,3 triệu lượt khách, mang về doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng – con số ấn tượng khẳng định sức hút mãnh liệt của du lịch mùa hoa.

Bạn Bích Lụa check-in tại vườn hoa lê Hồng Thái - Tuyên Quang.
Không chỉ là nét chấm phá của thiên nhiên, mỗi mùa hoa còn mang trong mình câu chuyện văn hóa và đời sống của người dân bản địa.
Từng ghé thăm Hồng Thái (Tuyên Quang) vào giữa tháng 3 vừa qua, bạn Bích Lụa (Lâm Bình-Tuyên Quang) chia sẻ với Người Đưa Tin: "Hoa lê Hồng Thái trắng tinh khôi, cánh hoa mỏng manh nhưng đầy sức sống. Khi bung nở, hoa phủ trắng cả sườn đồi, tựa như những bông tuyết lặng lẽ rơi giữa núi rừng.
Là người con của Tuyên Quang, tôi vô cùng tự hào khi tuyến đường hoa lê tại xã Hồng Thái được công nhận kỷ lục Guinness năm 2023 là 'Tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam'".
Cô cũng nhấn mạnh rằng, những cây lê trăm năm tuổi ở Tuyên Quang không chỉ là một loài cây theo mùa, mà còn gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân.
"Tôi nghĩ rằng Tuyên Quang có thể biến mùa hoa lê thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, như cách Nhật Bản phát triển mùa hoa anh đào hay Hàn Quốc làm du lịch từ mùa lá đỏ".
Không chỉ Tây Bắc, du lịch mùa hoa đang lan rộng ra nhiều vùng miền khác. Nghệ An gây ấn tượng với cánh đồng hoa hướng dương bạt ngàn, trở thành điểm nhấn của du lịch nông nghiệp.
Hà Nội có sắc trắng dịu dàng của hoa sưa tháng 3 và vẻ đẹp tinh khôi của cúc họa mi mỗi độ cuối thu. Ba Vì rực rỡ với sắc vàng hoa dã quỳ, thu hút du khách yêu thiên nhiên và nhiếp ảnh.
Chia sẻ về tiềm năng du lịch mùa hoa, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết Hà Nội có lợi thế với nhiều loài hoa, từ các làng trồng hoa truyền thống đến những con phố hoa đặc trưng.
Nhiều hoạt động đã trở thành thường niên như: Festival hoa Mê Linh, Lễ hội sen Tây Hồ, Lễ hội hoa đào, quất cảnh ở Nhật Tân, Tứ Liên… Riêng đối với hoa sen, Hà Nội đang nỗ lực khôi phục, mở rộng diện tích trồng sen bách diệp - giống sen quý của hồ Tây tại khu vực hồ Tây và vùng phụ cận. Đồng thời, phát triển hàng chục sản phẩm từ sen mà nổi bật nhất là trà sen, lụa tơ sen.
"Các địa phương như Mê Linh, Ba Vì, Tây Hồ đã và đang khai thác hiệu quả du lịch mùa hoa. Trong thời gian tới, ngành du lịch của Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị để kết hợp mùa hoa với những sản phẩm du lịch độc đáo, gia tăng trải nghiệm cho du khách và nâng cao hiệu quả phát triển du lịch", Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay.
Cần gì để phát triển bền vững?
Theo nhiều chuyên gia, các quốc gia đã biến mùa hoa, mùa thay lá thành thương hiệu du lịch nổi bật, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho hay, thành công của họ không chỉ đến từ vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn nhờ chiến lược quy hoạch bài bản, trong đó việc trồng cây theo khu vực, xây dựng dịch vụ trải nghiệm chuyên nghiệp đã tạo nên sức hút bền vững.
"Bài học từ các mô hình này cho thấy, du lịch mùa hoa không chỉ đơn thuần là một hiện tượng theo mùa, mà có thể trở thành sản phẩm du lịch chiến lược nếu được đầu tư đúng hướng. Việc kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và bảo tồn giá trị bản địa là chìa khóa quan trọng", ông Thắng nói.
Các chuyên gia về du lịch cộng đồng cho rằng, để du lịch mùa hoa phát triển bền vững, việc xây dựng đội ngũ người dân địa phương tham gia trực tiếp vào dịch vụ du lịch cũng là yếu tố then chốt.

Theo các chuyên gia, du lịch mùa hoa có thể trở thành sản phẩm du lịch chiến lược nếu được đầu tư đúng cách.
Các địa phương cần triển khai chương trình đào tạo bài bản, giúp cộng đồng không chỉ nâng cao kỹ năng phục vụ du khách mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa. Khi người dân hiểu rõ về du lịch và vẫn bảo tồn được phong tục truyền thống, họ sẽ trở thành những đại sứ du lịch đầy thuyết phục.
Một chiến lược đồng bộ giữa lữ hành, lưu trú, ẩm thực và trải nghiệm địa phương sẽ giúp nâng cao giá trị của du lịch mùa hoa, thay vì chỉ tập trung vào những khoảnh khắc ngắn ngủi trong năm.
"Du khách không chỉ muốn ngắm hoa mà còn mong muốn những trải nghiệm sâu hơn, như khoác lên mình trang phục dân tộc để chụp ảnh, tham gia thu hoạch nông sản hay hòa mình vào những lễ hội truyền thống.
Nếu các dịch vụ này được tổ chức bài bản, thời gian lưu trú của du khách sẽ kéo dài hơn, đồng nghĩa với việc gia tăng doanh thu cho địa phương", bạn Đỗ Anh - hướng dẫn viên chuyên các tour Tây Bắc cho hay.
Bên cạnh việc hoàn thiện sản phẩm du lịch, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Việc quảng bá trên các nền tảng số, kết hợp cùng KOLs (người có tầm ảnh hưởng) và travel bloggers có thể giúp lan tỏa hình ảnh mùa hoa rộng rãi hơn.
Những bức ảnh ấn tượng trên mạng xã hội không chỉ tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ mà còn trở thành công cụ quảng bá miễn phí nhưng hiệu quả.
Hợp tác với nhiếp ảnh gia, nhà sáng tạo nội dung sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của từng địa phương.
Xu hướng phát triển du lịch hoa tại Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực khi ngày càng có nhiều địa phương chú trọng quy hoạch và trồng các loài hoa phục vụ du lịch. Tuy nhiên, để loại hình này trở thành một sản phẩm du lịch chủ lực như mùa hoa anh đào ở Nhật Bản hay mùa lá đỏ ở Hàn Quốc vẫn còn nhiều việc cần làm.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, điều quan trọng là phải đảm bảo việc khai thác du lịch theo mùa hoa không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cảnh quan.
Đồng thời, cần phát triển thêm các tour trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa, giúp du khách không chỉ đến để ngắm hoa mà còn hiểu sâu hơn về đời sống, tập quán và nét đẹp vùng miền. Một chiến lược bài bản, lâu dài và có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần trong ngành du lịch sẽ giúp du lịch mùa hoa ở Việt Nam thực sự cất cánh.