Biến nỗ lực thành động lực

Các quốc gia, chính phủ và doanh nghiệp đang tích cực hợp tác, hiện thực hóa tầm nhìn cũng như các mục tiêu chiến lược mới. Trong bối cảnh bất ổn khu vực và các thách thức kinh tế gia tăng, những nỗ lực lớn nêu trên sẽ tạo thành động lực thúc đẩy hợp tác và phát triển.

Các quốc gia, chính phủ và doanh nghiệp đang tích cực hợp tác, hiện thực hóa tầm nhìn cũng như các mục tiêu chiến lược mới. Trong bối cảnh bất ổn khu vực và các thách thức kinh tế gia tăng, những nỗ lực lớn nêu trên sẽ tạo thành động lực thúc đẩy hợp tác và phát triển.

1 Bộ trưởng Ngoại giao bốn nước nhóm “Bộ Tứ Kim cương” gồm Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a (Australia) và Ấn Độ đã cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do dựa trên pháp trị, đồng thời tăng cường liên kết với nhiều nước khác.

Trong cuộc họp trực tiếp tại Thủ đô Tô-ki-ô (Tokyo), Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tô-si-mi-xu Mô-tê-ghi (Toshimitsu Motegi) nhận định: Trật tự thế giới hiện hành trong những năm gần đây đang phải đối mặt các thách thức trong nhiều lĩnh vực, trong khi đại dịch Covid-19 càng gia tăng xu hướng này. Theo ông, bốn nước nhóm Bộ Tứ Kim cương có chung mục đích tăng cường trật tự thế giới. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là tầm nhìn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu này. Tô-ki-ô mong muốn có thêm nhiều nước cùng tham gia để tầm nhìn này ngày càng được hiện thực hóa. Ngoài ra, các bên cũng xác nhận thúc đẩy hợp tác thực chất trong các vấn đề khác như an ninh mạng, xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao.

2 Bộ trưởng Tài chính Đức Ô.Sôn (O.Scholz) cho biết: Thực trạng số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh trên khắp châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện quỹ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ ơ-rô (hơn 882 tỷ USD) đã được lãnh đạo các nước Liên hiệp châu Âu (EU) nhất trí để hỗ trợ các quốc gia thành viên khắc phục hậu quả dịch bệnh. Hồi tháng 7 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận lịch sử về khoản hỗ trợ dành cho những nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân cũng như cách thức hoàn trả số tiền vay mượn này không được đề cập.

Bộ trưởng Tài chính Đức nhấn mạnh: Sự gia tăng nhanh chóng của các ca mắc bệnh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện kịp thời chương trình phục hồi đầy tham vọng của châu Âu và để đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai của châu Âu. Theo đó, khoản hỗ trợ phục hồi này sẽ giúp châu Âu vươn lên sau khủng hoảng một cách mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn, thân thiện với khí hậu hơn, số hóa nhiều hơn và đoàn kết hơn.

3 Tuần qua, Anh và Đan Mạch công bố các kế hoạch đầy tham vọng về khí hậu. Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (B.Johnson) cho biết: Anh sẽ đưa hạ tầng năng lượng tái tạo vào trọng tâm các kế hoạch phục hồi hậu khủng hoảng dịch Covid-19. Chính phủ Anh cam kết đầu tư vào năng lượng gió để đẩy nhanh tiến độ hướng tới lượng khí thải trung hòa vào năm 2050. Khoản đầu tư trị giá 160 triệu bảng (207 triệu USD) vào các cảng, nhà máy là một phần trong kế hoạch nhằm tăng công suất năng lượng gió gấp bốn lần vào năm 2030.

Chính phủ Anh cam kết tăng đầu tư vào năng lượng gió.

Chính phủ Anh cam kết tăng đầu tư vào năng lượng gió.

Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch cam kết chi 1,58 tỷ USD cho các sáng kiến khí hậu mới nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chính phủ Đan Mạch bày tỏ lạc quan rằng mục tiêu tham vọng về cắt giảm 70% lượng khí thải trong 10 năm là khả thi, song sẽ đối mặt nhiều rào cản do phụ thuộc nhiều vào những công nghệ có thể mất nhiều năm mới có thể thương mại hóa. Chính phủ Đan Mạch đã đề xuất trích 1,58 tỷ USD từ Quỹ Phục hồi của EU và gói hỗ trợ liên quan đến dịch để đầu tư vào công nghệ mới cho đến năm 2025.

4 Người sáng lập Hãng hàng không Lion Air Group của In-đô-nê-xi-a (Indonesia) cho biết, sẽ thành lập một hãng hàng không mới nhằm hồi sinh sau vụ tai nạn thảm khốc năm 2018 khiến 189 người thiệt mạng và ứng phó các tác động của đại dịch. Hiện Lion Air đang bị Hãng hàng không Goshawk Aviation của Anh kiện đòi bồi thường 2,8 triệu USD với cáo buộc nợ tiền thuê bảy chiếc Boeing 737.

Lion Air được thành lập vào tháng 10-1999 và hãng đã liên tiếp thành lập ba hãng hàng không mới gồm Malindo Air tại Ma-lai-xi-a (Malaysia) vào năm 2012, Thai Lion Air tại Thái-lan và Batik Air tại In-đô-nê-xi-a (Indonesia) vào năm 2013. Lion Air đã nhiều lần phá kỷ lục về các đơn đặt hàng mua máy bay, trong đó có đơn hàng mua 234 máy bay Airbus A320 trị giá 24 tỷ USD, đơn đặt hàng mua 230 máy bay Boeing với tổng trị giá 22,4 tỷ USD. Trước đại dịch, hãng hàng không này cùng các công ty con vận hành trung bình 1.400-1.600 chuyến bay mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện số lượng các chuyến bay này đã giảm xuống còn 10-15% so với giai đoạn trước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/the-gioi-tuan-qua/bien-no-luc-thanh-dong-luc-619874/