Biển 'nuốt' đất rừng Cà Mau
Những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển tại Cà Mau ngày càng nghiêm trọng. Hàng nghìn ha đất rừng phòng hộ và đất sản xuất của người dân bị nước cuốn trôi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản và sinh kế của người dân.
Tốc độ sạt lở gia tăng
Cà Mau có chiều dài bờ biển hơn 254km, 3 mặt giáp biển. Những năm qua, sạt lở bờ biển làm nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển mất dần, nhiều đoạn đê xung yếu trở nên dễ vỡ. Một số nơi sóng biển khoét sâu vào các chân đê, gây ra hiện tượng xói lở đất nghiêm trọng.
Khu vực cửa biển Kênh Mới (xã Khánh Hải) và khu vực cửa Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) là những vị trí xung yếu. Vào mùa mưa bão, triều cường dâng cao hơn kè, sóng biển lùa vào trong, cuốn đi tài sản của rất nhiều hộ dân. Đặc biệt, nước mặn đã tràn qua đê, nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 26.000ha đất sản xuất lúa và đê biển cũng có nguy cơ bị vỡ.
“Nhiều năm qua, biển cuốn gần hết đai rừng phòng hộ nơi đây. Rừng đang dần mất đi theo từng năm. Mỗi năm, tốc độ mất rừng diễn ra nhanh hơn. Nhìn những cánh rừng bạt ngàn bị sóng nuốt trôi mà không khỏi chạnh lòng” - anh Trần Công Luận, người dân xã Khánh Hải nói.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn từ năm 2011-2021, sạt lở làm mất 5.251ha rừng ven biển và tiếp tục làm cho hơn 132km bờ biển Đông và biển Tây Cà Mau sạt lở. Có những đoạn sóng biển đã đánh tới chân đê. Tốc độ sạt lở ven biển bình quân của Cà Mau đạt hơn 45m/năm, trong đó có hơn 67km đang sạt lở ở mức độ nghiêm trọng. Riêng trong năm 2022, tình hình gió mạnh, mưa trái mùa, triều cường, sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 38 tỷ đồng.
Khẩn cấp xử lý, khắc phục sạt lở
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang tiến hành nâng cấp, sửa chữa khẩn cấp 3 đoạn kè biển, gồm bờ Nam cống Kênh Mới, bờ Nam cửa Đá Bạc và bờ Bắc vàm Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) từ cao độ 1.3 lên 2.0. Đây là những vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng không còn rừng phòng hộ che chắn bên ngoài.
Theo ông Bùi Văn Đông - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau, trước tác động của biến đổi khí hậu, cao độ triều cường đã cao hơn rất nhiều nên nhiều đoạn kè đã không còn phát huy được hiệu quả phá sóng như trước. Việc nâng cấp, sửa chữa kè không chỉ trực tiếp bảo vệ đê mà còn là bảo vệ tính mạng, tài sản của khoảng 26.000 hộ dân sống trong đê.
“Để chống sạt lở bên trong phía đê biển, hiện Hạt Quản lý đê điều phối hợp với đơn vị thi công. Hàng ngày, nếu điều kiện gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, sóng lớn mới tạm ngừng, tạm lắng thì luôn động viên anh em để đảm bảo đúng tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời trước mùa mưa bão diễn biến phức tạp” - ông Đông cho hay.
Kết quả thống kê từ ngành chức năng cho thấy, hiện nay tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km trong, đó có 35km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 65km sạt lở nguy hiểm. Riêng sạt lở bờ sông khoảng 365km gồm có114km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 251km sạt lở nguy hiểm.
Để bảo đảm tính mạng, tài sản người dân ở các vùng sạt lở và điểm nguy cơ sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó, xử lý, cắm biển báo; thông báo thường xuyên và liên tục tại các vị trí bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết, chủ động di dời, vận động di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi ở tạm an toàn. Bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Đồng thời cập nhật tình hình sạt lở để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Những năm qua được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nên đã xây dựng được hơn 58,4km kè bảo vệ bờ biển, với kinh phí đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Những công trình này đã cơ bản phát huy hiệu quả, chống được tình trạng sóng biển đánh trực tiếp vào chân đê cũng như đai rừng phòng hộ ở một số khu vực và đã có những nơi tạo được bãi bồi, trồng được rừng tái tạo lấn dần ra biển.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ vốn để Cà Mau thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, khoảng 100km, dự kiến kinh phí thực hiện 3.956 tỉ đồng. Các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông ưu tiên tại các khu dân cư tập trung, tổng chiều dài khoảng 60km, dự kiến kinh phí 4.791 tỉ đồng. Đồng thời bố trí 8 khu tái định cư, kinh phí thực hiện 438 tỉ đồng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bien-nuot-dat-rung-ca-mau-5722178.html