Biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Luật hóa các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là một trong những yêu cầu được đặt ra trong xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam; nhằm bảo đảm thể chế hóa quan điểm lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; tính hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng nói chung và nhiệm vụ của lực lượng BĐBP nói riêng. Trong đó, Luật Biên phòng Việt Nam lần đầu tiên quy định đầy đủ 7 biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như sau:

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Anh Dũng

“Điều 20. Biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

1. Các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bao gồm:

a) Vận động quần chúng;

b) Pháp luật;

c) Ngoại giao;

d) Kinh tế;

đ) Khoa học - kỹ thuật;

e) Nghiệp vụ;

g) Vũ trang.

2. Nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1, Điều này do pháp luật quy định”.

Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa chính trị, pháp lý và thực tiễn quan trọng. Cụ thể:

Thứ nhất, quy định biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong Luật Biên phòng Việt Nam đã góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Việc chính thức xác định các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ và vũ trang trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao đã trực tiếp khẳng định tầm quan trọng, tính chất toàn diện của công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; nhiệm vụ của Nhà nước, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; vị trí, vai trò của lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; sự cần thiết phải quy định và sử dụng đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Điều này thể hiện sự quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia như: Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, được xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc cả thời bình và thời chiến; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp, thông lệ quốc tế; xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt vai trò “nòng cốt, chuyên trách” quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trong tình hình mới.

Thứ hai, quy định biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong Luật Biên phòng Việt Nam góp phần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Trước khi có Luật Biên phòng Việt Nam, các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia chưa được chính thức ghi nhận một cách tập trung, thống nhất trong văn bản luật; vì thế, với quy định này, Luật Biên phòng Việt Nam đã khẳng định bước phát triển mới về thể chế pháp lý quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam không trùng lặp với quy định của Luật Biên giới quốc gia năm 2003; không mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác có liên quan và bảo đảm sự thống nhất về nội dung và hiệu lực pháp lý với các luật khác. Trong đó, Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định: Các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia gồm vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang (khoản 1, Điều 15); “BĐBP, Cảnh sát Biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển” (điểm c, khoản 1, Điều 22); được quyền “sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật” (điểm a, khoản 1, Điều 24). Luật Cảnh sát Biển Việt Nam năm 2018 quy định: “Cảnh sát Biển Việt Nam thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật” (khoản 1, Điều 12).

Bên cạnh đó, quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có mối quan hệ mật thiết với các quy định khác của Luật Biên phòng Việt Nam, đặc biệt là các quy định chung về chính sách Nhà nước về biên phòng (Điều 3), nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 4), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 7). Đồng thời, quy định này củng cố bảo đảm pháp lý đồng bộ để BĐBP thực hiện nhiệm vụ của BĐBP nói riêng (Điều 14) và phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng nói chung (Điều 5). Đây cũng là một phần tất yếu trong quyền hạn của BĐBP quy định tại khoản 1, Điều 15.

Thứ ba, quy định biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong Luật Biên phòng Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP, bảo đảm tính hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng và nhiệm vụ của lực lượng BĐBP.

Với vị trí là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; quy định tại Điều 20, Luật Biên phòng Việt Nam là căn cứ pháp lý quan trọng thống nhất nhận thức, chỉ đạo, điều hành lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ trên thực tế. Việc luật hóa quy định này còn là biểu hiện của sự đúc kết kinh nghiệm công tác biên phòng qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian tới, để bảo đảm phát huy hiệu lực đồng bộ của các quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam, các cơ quan chức năng cần xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Biên phòng Việt Nam, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tế tổ chức, tính chất, hoạt động của BĐBP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; chú trọng công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, tạo sự đồng thuận cao và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Năm, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-phap-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-post438068.html