Hơn 2 tháng nay, ngay từ khi dịch COVID-19 mới 'tung hoành' bên Vũ Hán (Trung Quốc), cùng với các tuyến biên giới khác, lực lượng quân hàm xanh Quảng Ninh đã chủ động 'bày trận' ngăn đại dịch.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Ninh cho biết Bộ chỉ huy đã triển khai 77 trạm, chốt dã chiến lâm thời trên biên giới, cửa khẩu cùng 7 tổ cơ động với quân số hơn 490 người thuộc các lực lượng Biên phòng, Công an, Quân sự, Hải quan, Dân quân, Ban chỉ đạo 389 của địa phương, Kiểm dịch Y tế, Ban quản lý cửa khẩu, Lâm trường (trong đó có 395 cán bộ, chiến sĩ biên phòng); tiếp nhận 60 quân nhân, học viên do Bộ Tư lệnh BĐBP tăng cường triển khai trên tuyến biên giới đất liền Quảng Ninh.
Tại chốt U Bò thuộc Đồn Biên phòng Bắc Sơn, nằm đối diện với bản Sán Cáo (Đông Hưng, Trung Quốc) qua sông biên giới, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Văn Bách (nhân viên Đội vũ trang) cho biết chiếc lán mà tổ công tác chốt trực những ngày qua được dựng nhờ trên bãi đất trống đỉnh đồi canh tác của dân, đã nhiều lần phải gia cố lại vì mưa gió quật bung, có hôm cả tổ dầm mưa suốt đêm vì lán hỏng. Theo trung tá Bách, thời điểm chưa có dịch thì chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát người qua lại biên giới, đường mòn, lối mở. Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn - thượng tá Đỗ Thái Bình Vương cho biết: Bộ Tư lệnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lệnh cho tất cả các đồn, trạm trên tuyến biên giới, cửa khẩu Quảng Ninh tăng cường, ứng trực 100 phần trăm quân số, kết hợp với lực lượng tuyến sau lên chi viện để “khóa” biên giới. Chấp hành “nghiêm lệnh” trên, dù còn đó nhiều khó khăn xen lẫn trăn trở hậu phương, những người lính biên phòng đã giữ chắc trận địa.
Nằm phía dưới chốt của trung tá Bách là một lán dã chiến khác ở sát bờ sông để "bọc lót". Trung tá Bách chia sẻ: "Tất cả chúng tôi đều chia nhau đảm bảo trực 24/24, nếu có người lọt qua được vào trong nội địa bị bắt, khai ra hành trình thì người trực chốt phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi hỗ trợ nhau quan sát, thấy người xuất nhập cảnh trái phép thì báo cho chốt dưới để xử lý ngay. Dù vất vả nhưng lính chúng tôi quen rồi”.
Theo đại tá Nguyễn Thanh Hải, ngay từ cuối tháng 1, khi Vũ Hán (Trung Quốc) đang là tâm dịch, BĐBP đã triển khai quân để kiểm soát, chốt chặt biên giới. Từ lúc đầu chống dịch đến nay, BĐBP Quảng Ninh đã phối hợp hiệu quả cùng chính quyền và các cơ quan liên quan nên ngăn chặn được dịch qua biên giới đất liền. “Tuy nhiên vấn đề hiện nay là dịch lây lan qua đường hàng không vào nội địa. Tình hình còn diễn biến phức tạp, mức độ nâng lên nên BĐBP càng không mất cảnh giác và tăng cường lực lượng, biện pháp chốt chặt cửa khẩu. Đồng thời nắm chắc đăng ký khai báo của cư dân biên giới trong việc tiếp nhận công dân, người thân từ vùng dịch trở về địa bàn”, đại tá Hải nói.
Để ngăn dịch hiệu quả trên tuyến biên giới dài xấp xỉ 119km, BĐBP Quảng Ninh cho biết đã bố trí hiệu quả nhiều lớp kiểm soát, bởi nhiệm vụ chống Covid-19 cũng nằm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Theo đó, 4 lớp kiểm soát được chỉ huy vận hành nhịp nhàng, ăn ý, giúp ngăn ngừa dịch ngay từ các sông, bờ sông biên giới, đường mòn, lối mở, cửa khẩu cho đến các tổ công tác lâm thời chốt ở các vị trí quan trọng cùng cơ sở ngoại tuyến nhằm khép chặt địa bàn. Trong ảnh: Đội hình tuần tra trên sông biên giới Ka Long ở mốc 1352 (2) của Đồn Biên phòng Pò Hèn.
Phụ trách chốt 1322 của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Trọng Toàn (nhân viên Đội vận động quần chúng của đồn) cho biết chốt có 6 người nhưng hai dân quân tự vệ chỉ trực ban ngày. Chốt này chịu trách nhiệm quán xuyến khoảng 2km đường biên giới với 3 cột mốc, trong đó có 2 mốc phụ thuộc địa bàn huyện Bình Liêu, bên kia là trấn Động Trung của Phòng Thành (Trung Quốc), chỉ cần lội qua con suối nhỏ cách chốt vài chục bước chân là sang đất Trung Quốc…
Nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, mốc 1302 cách Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô 36km theo trục đường hành lang biên giới và cũng là chốt cơ động chống dịch Covid-19 xa nhất của đồn thuộc địa bàn thôn Khe Và, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, đối diện bản La, xã Đông Mân, huyện Linh Minh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Thiếu tá Nguyễn Đắc Đạt, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Hoành Mô được cử phụ trách chốt này. Anh cho biết chốt được triển khai từ ngày 1/2, ngay trong tuần đầu tiên, hai lần dựng lều bạt đều bị gió thổi bay xuống vực. Chủ tịch huyện Bình Liêu lên thăm biết sự việc đã quyết định tặng 30 triệu để xây nhà tạm, cán bộ, chiến sĩ của đồn tự tay chuyển nguyên vật liệu lên làm móng chắc chắn, đóng cọc giằng néo để gió không lật nhà.
Mưa táp, gió mạnh thổi tung lều bạt, cờ cũng bị đánh rách, cứ nửa tháng phải thay một lần. Đặc biệt thời tiết rất lạnh và thường xuyên có sương mù dày đặc ở chốt 1302
“Trên này sương mù nhiều, tầm nhìn chỉ khoảng 5-10m, chốt cách lối mở khoảng 50m nên anh em phải thay phiên nhau tiếp cận gần để gác. Trâu, bò, ngựa của dân Trung Quốc thường sang mình đi tìm cỏ ăn, người họ lại sang để tìm trâu bò, vì vậy chúng tôi phải làm một hàng rào tạm bằng cây rừng”, thiếu tá Nguyễn Đắc Đạt nói.
Nói về những khó khăn giai đoạn hiện nay của lực lượng, đại tá Hải cho biết các đơn vị trên biên giới nhiều nơi phải thực hiện nhiệm vụ trên độ cao 1.000m, khí hậu khắc nghiệt, xa khu dân cư, không điện, không nước. Đặc biệt là nhà bạt, giường ngủ dã chiến, quân trang thiếu thốn. Hiện ở tạm thì có thể khắc phục, nhưng về lâu dài sẽ không đảm bảo sức khỏe cho bộ đội.
Một quân nhân ở chốt 1302 đi giặt quần áo bằng nước chảy từ trên núi xuống cách đó 2km
Gác ngày, gác đêm ở khu vực mốc 1352 (2) thuộc Đồn Biên phòng Pò Hèn, chưa được về thăm nhà nhiều tháng qua, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Đức Thọ tranh thủ hỏi thăm vợ con qua điện thoại khi vừa hết ca gác. Anh nói: “Nghĩ dịch bệnh ngắn thôi nhưng không ngờ kéo dài quá. Chốt tôi có 4 người chia 2 ca luân phiên hàng ngày. Trong ca trực, một người chốt tại lán, một người đi tuần tra…”.
Thiếu tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết địa bàn đơn vị phụ trách có đặc thù khí hậu rãnh thấp nên thường xuyên mưa, có đợt tới 20-25 ngày/tháng: "Mưa dầm, gió bấc nên anh em chốt trực rất vất vả. Mọi người phải tự khắc phục, lợi dụng địa hình địa vật để tránh trú, một số người đã ốm, cảm cúm, quần áo không dám giặt vì swoj không kịp khô. Có chốt vì thiếu kinh phí, nguyên liệu nên anh em làm lán tự tạo để nghỉ tạm và tránh mưa gió". Trong ảnh: Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Ngô Thanh Minh tranh thủ chợp mắt sau nhiều giờ trực gác. Thiếu tá Minh là Trung đội phó thuộc Đại đội cơ động của BĐBP Quảng Ninh tăng cường ra biên giới từ ngày 2/2.
Một chiếc lán dã chiến được coi là khá "tươm tất" của Đồn Biên phòng Pò Hèn nằm sát bờ sông biên giới, nhưng dù mưa nhỏ cũng trở nên lầy lôi, trơn trượt
Quảng Ninh được Bộ Tư lệnh BĐBP xác định là một trong những cửa ngõ phía Bắc mà dịch COVID-19 dễ xâm nhập vào Việt Nam. Ngay sáng mùng 5 Tết Canh Tý, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP trực tiếp dẫn tổ công tác tiền phương ra biên giới Quảng Ninh thị sát và giao nhiệm vụ chặn dịch cho lực lượng biên phòng tỉnh… Trong ảnh: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái vắng vẻ nhiều ngày qua
Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết từ trong tết, khi Thủ tướng chưa ban hành công điện phòng chống dịch, đồn đã nắm tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, tham mưu thành phố báo cáo Bộ chỉ huy triển khai công tác phòng dịch ngay ở cửa khẩu, lên phương án đưa lực lượng y tế từ tuyến sau lên tuyến trước… Ngay sau công điện của Chính phủ về công tác phòng dịch, BĐBP đã tiến hành phân luồng cho hành khách nhập cảnh vào đi theo luồng kiểm tra thân nhiệt của Bộ Y tế; phối hợp với lực lượng kiểm dịch khử khuẩn cửa khẩu, nhà chờ, tổ chức hướng dẫn khai báo y tế đối với hành khách…
Một cặp vợ chồng người Trung Quốc và con nhỏ trở về nước qua cửa khẩu Móng Cái và chỉ được quay lại Việt Nam khi tình hình dịch yên ổn. Tính đến ngày 24/3, BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý trên biên giới 14 vụ vận chuyển trái phép hơn 240 nghìn khẩu trang y tế sang Trung Quốc. Phát hiện, xử lý 89 người Việt Nam và 6 người Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép, 88 người Việt Nam bị Trung Quốc đẩy về qua biên giới; tổ chức tiếp nhận 8 người Việt Nam bị Trung Quốc bàn giao qua cửa khẩu.
Đại úy Đào Văn Công, Trạm trưởng tại cửa khẩu Hoành Mô cho biết, dù được phép thông quan trở lại đối với hàng hóa nhưng đều phải thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát trong thời kỳ dịch bệnh. Đối với người khi vào khu vực này phải mặc trang phục chống dịch, được khử trùng, khi nào xong có khu cách ly riêng cho công nhân, thợ lái. Tất cả người vào cửa khẩu phải rửa tay chân, đo thân nhiệt, nếu có hiện sốt sẽ được đưa vào khu vực kiểm tra đặc biệt. Hiện tại người Trung Quốc và Việt Nam đều không qua lại khu vực cửa khẩu, chỉ có hàng hóa. Hàng hóa được trao đổi giữa cầu. Do tình dịch dịch phức tạp nên phía Trung Quốc chỉ cho nhập một số mặt hàng nhất định, trung bình mỗi ngày khoảng 20 xe, gồm các mặt hàng khô như hạt tiêu, cá, tôm đông lạnh…
Trung tá Đỗ Văn Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hoành Mô cho hay, đồn quản lý địa bàn 5 xã, một thị trấn và đoạn biên giới 43,168km. Từ khi có dịch, đơn vị lập mới 6 chốt dã chiến lâm thời. Ngoài ra còn có một tổ công tác thường xuyên của đồn và 2 tổ thuộc Ban chỉ đạo 389 của huyện Bình Liêu... Trong ảnh: Chỉ huy đồn khi vào khu vực cửa khẩu Hoành Mô cũng phải kiểm tra thân nhiệt.
Số ít người lao động là cư dân địa phương vào cửa khẩu Hoành Mô đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về phòng chống dịch, nếu không đeo khẩu trang thì không được vào.
Số lao động này khi bốc xếp hàng hóa đều phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch. Đồn Biên phòng Hoành Mô cũng thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn phòng ngừa dịch, phát trên 1.600 tờ rơi cho nhân dân, treo 16 băng rôn tại trục đường chính và nơi tập trung đông người, kêu gọi người dân tích cực tham gia phòng chống dịch. Đồng thời bắt giữ một số vụ xuất nhập cảnh, qua lại biên giới trái phép và bàn giao đưa đi cách ly.