Biên phòng xứ Lạng bám trụ trên biên giới
'Chiến đấu' với đại dịch COVID-19, trên 7 tỉnh biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, lực lượng biên phòng đã lập hơn 500 tổ, chốt chống dịch. Trong đó, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều tổ, chốt nhất trên đoạn biên giới quốc gia dài hơn 231km…
Lội suối, băng rừng
Thiếu tá Hoàng Văn Thuận, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Hình cho biết, đơn vị quản lý địa bàn 3 xã với hơn 20km đường biên với nhiều đường mòn, đường tắt. Ngay từ ngày cuối tháng 1, đơn vị cùng các lực lượng phối hợp (công an, dân quân, hải quan, kiểm dịch) triển khai 9 lán cố định cùng 3 tổ kiểm soát cơ động với tổng quân số hơn 70 người, trong đó có 51 cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
“Hàng ngày, chúng tôi huy động tối đa quân số của đồn, trong đó có có 10 học viên Học viện Biên phòng được cử lên tăng cường, tham gia chốt chặn, ứng trực 24/24. Tính đến cuối tháng 4, chúng tôi đã phát hiện, thu gom 39 trường hợp công dân Việt Nam đi từ Trung Quốc về qua đường mòn, đường tắt trên biên giới. May mắn là chưa có trường hợp nào nhiễm bệnh”, thiếu tá Thuận nói.
Theo thiếu tá Thuận, việc thu gom công dân về nước qua đường mòn, đường tắt gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu. Nhiều lần, nhận tin báo giữa đêm, cán bộ, chiến sĩ lại lội suối, băng rừng tìm đưa người dân về bàn giao cho cơ sở y tế tiến hành các biện pháp cách ly nhằm đảm bảo an toàn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cùng thái độ ân cần, thời gian sau, những người trở về từ Trung Quốc còn chủ động tìm tới Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nhờ giúp họ “được” đi cách ly.
“Nhiều người ở các tỉnh nội địa của ta sang Trung Quốc làm thuê sau đó bị lực lượng chức năng bên đó đẩy đuổi về nước, do hoảng sợ nên có người trốn cả vào rừng, chúng tôi đi tìm rất vất vả. Trong lần thu gom 16 công dân bị đẩy đuổi về nước thời gian sau tết vừa rồi, có một nam giới trốn vào rừng sâu, anh em chúng tôi đi tìm mất một đêm thì thấy người này đang co ro bên bờ suối trong mưa rét. Chúng tôi phải động viên tinh thần và cho người này ăn uống rồi sau đó bàn giao cho bên y tế”, thiếu tá Thuận chia sẻ.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn, những khó khăn nổi bật trong phòng chống dịch thời gian qua là địa bàn quản lý rộng, quân số ít, trên biên giới có nhiều đường mòn qua lại nên rất thuận tiện cho hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và buôn lậu, gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để trên biên giới.
Mặt khác, hiện nay phía Trung Quốc đang thiếu nhân công lao động, người dân Việt Nam thiếu việc làm, đang lúc nông nhàn, nhận thức về dịch bệnh còn đơn giản, chủ quan nên một số người dân tìm cách xuất cảnh trái phép qua biên giới lao động, làm thuê. Thời gian phòng, chống dịch kéo dài, địa hình, thời tiết khắc nghiệt (mưa rét, chuyển mùa, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn) tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, sức khỏe của bộ đội và các lực lượng tham gia…
Chủ động ngăn dịch
Như trên các tuyến biên giới khác, những người lính quân hàm xanh Na Hình cũng chưa một ngày ngơi nghỉ kể từ khi có lệnh cấm trại ngay sau tết Canh Tý 2020 để chống dịch. Để cán bộ, chiến sĩ đơn vị yên tâm thực hiện nhiệm vụ, công tác đảm bảo sức khỏe cho bộ đội được Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Na Hình triển khai chu đáo, từ quân tư trang cho tới thực phẩm, chế độ dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng.
Theo thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Hình, tâm thế của cả đơn vị là chủ động chống dịch ngay từ những ngày đầu, thế nên từ chỉ huy tới cán bộ, chiến sĩ đều xác định quyết tâm bám trụ trên tuyến đầu để hậu phương được an toàn. Ngay cả những người được xem xét ưu tiên do hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cũng “gác niềm riêng” ở lại cùng đồng đội ngăn đại dịch.
Nhà ở thành phố Lạng Sơn, trung tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Trọng Thịnh (nhân viên Đội Vận động quần chúng) có con gái thứ 2 bị bệnh về máu, thường xuyên phải về Hà Nội kiểm tra, điều trị định kỳ, nhưng vẫn tình nguyện ở lại đơn vị, mọi việc hậu phương lại trông cậy vào vợ và người thân gánh vác, dù vợ anh cũng chưa có việc làm ổn định. “Ban chỉ huy Đồn đã trao đổi với anh Thịnh để báo cáo lên Bộ Chỉ huy giải quyết cho về lo việc gia đình nhưng anh ấy nói đồng đội mình còn đang vất vả chống dịch thì tôi phải ở lại sát cánh với anh em”, thiếu tá Hiệu xúc động nói.
Không chỉ “khóa chặt” biên giới, những người lính biên phòng Lạng Sơn còn tích cực giúp cộng đồng ngăn đại dịch. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, các đơn vị đã phối hợp tuyên truyền tập trung cho nhân dân được 242 buổi/34.502 lượt người nghe; kết hợp với tuyên truyền bằng loa phát thanh di động trên các trục đường, khu phố, thôn, bản và trên loa phát thanh của các đồn biên phòng hàng trăm lần; phối hợp với chính quyền địa phương phát 5.620 tờ rơi, 47.780 khẩu trang y tế cho nhân dân các thôn bản; tham mưu cho các xã, thị trấn và các thôn bản kết nghĩa tặng 17.500 chiếc khẩu trang y tế và 20 lọ nước sát khuẩn cho các trấn, thôn (bản) kết nghĩa đối diện…
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn, công tác phối hợp giữa BĐBP và các lực lượng trong phòng chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới của tỉnh đã được triển khai rất hiệu quả từ sớm, từ xa.
Điển hình như phối hợp với chính quyền các huyện, xã (thị trấn) biên giới tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới nhận thức rõ về tình hình nguy hại của dịch bệnh; khuyến cáo mọi người không đến những nơi tụ tập đông người, không tổ chức các lễ hội, dừng các hoạt động vui chơi, giải trí; không hoang mang trước thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, không đến các vùng có dịch.
Phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn biên giới tổ chức khảo sát nắm số người dân trên địa bàn đi Trung Quốc và các nước có dịch COVID-19 trở về, số người Trung Quốc, người nước ngoài đang tạm trú, làm ăn trong địa bàn để theo dõi, giám sát; lực lượng dân quân, công an viên phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức ngăn chặn triệt để hoạt động xuất nhập cảnh, buôn lậu trái phép qua các đường mòn, lối mở trên biên giới…
Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới Lạng Sơn, lực lượng biên phòng tỉnh đã lập 149 lán, tổ chốt chặn (114 lán, chốt cố định; 5 lán dã chiến; 30 tổ cơ động) và 12 lán, nhà bạt để cách ly tạm thời đối với những trường hợp tiếp nhận do lực lượng chức năng Trung Quốc bàn giao, đẩy về hoặc tự về qua biên giới. Huy động 968 lượt người tham gia ngăn chặn trên biên giới (trong đó BĐBP 524; Hải quan 42; Công an viên 210; Dân quân 210).
Các đồn biên phòng đã phát hiện, thu dung 226 vụ/1.024 công dân Việt Nam và 5 công dân Campuchia bị Trung Quốc đẩy về hoặc tự về qua các đường mòn trên biên giới; bắt, xử lý 32 vụ xuất lậu 391.200 chiếc khẩu trang y tế, 14.250 đôi găng tay y tế và 20 lọ nước sát khuẩn. Bắt, xử lý 8 vụ/16 đối tượng, thu giữ 273kg ma túy tổng hợp, 12 bánh heroin…