Biến rác thải nhựa thành tài nguyên

Mới đây, trong Hội thảo 'Không để nhựa thành rác' Ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cần thiết phải đưa nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên, thực hiện tuần hoàn tài nguyên, ưu tiên tái chế thay vì sản xuất thêm mới. Bởi đây chính là cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Y tế khuyến khích hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần, túi nilon trong các bệnh viện, cơ sở y tế. Ảnh: Giadinhmoi.vn

Bộ trưởng Y tế khuyến khích hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần, túi nilon trong các bệnh viện, cơ sở y tế. Ảnh: Giadinhmoi.vn

Thực trạng rác thải nhựa đáng báo động

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước gần 16 triệu tấn. Riêng lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ước tính khoảng gần 18 nghìn tấn và nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.

Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.

Với tốc độ sử dụng đồ nhựa, túi nilon như hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy, hải sản.

Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người. Đáng nói, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở nước ta chiếm khoảng từ 8 đến 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Cũng theo bộ này, tại các bãi chôn lấp chất thải ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh và Bắc Ninh) cho thấy, tỷ lệ rác thải nhựa dao động từ 12% đến 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ (từ 55% đến 68%) còn lại là các loại rác khác.

Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn như: Tận dụng khí từ bãi chôn lấp để phát điện, đốt bỏ thông thường trực tiếp, đốt tầng sôi… Nhưng đến nay, tại hầu hết các địa phương, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp, chiếm trên 70%, và đốt thủ công chiếm 28%. Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha, mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố luôn trong tình trạng quá tải, thường trực nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí.

Trong Hội thảo “Không để nhựa thành rác” do Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tổ chức ngày 22/10 vừa qua, ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, chất thải nhựa hiện nay nằm chủ yếu trong chất thải rắn. Đây là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường.

Và Việt Nam hiện đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng rác thải nhựa phát sinh hằng năm. Trong khi đó, hoạt động xử lý chất thải rác sinh hoạt ở nước ta hiện nay chủ yếu là đem đi chôn lấp. Việc tái chế, tái sử dụng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và phụ thuộc phần lớn vào việc nhặt phế liệu có thể tái chế của hệ thống thu gom phế liệu không chính thức.

Ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Vietnamnet

Ông Nguyễn Thi (Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Vietnamnet

Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, nhưng khi nhìn vào thực tế, tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Các sản phẩm từ nhựa vẫn hiện diện khắp mọi nơi và gắn liền vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Theo Ngân hàng Thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 35 túi nilon/tuần và cả nước con số này lên tới khoảng 938 triệu. Nếu lấy trung bình 100 túi nặng 5kg thì lượng túi nilon hằng tuần được sử dụng và phần lớn được thải loại lên đến 46.900 tấn.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, chai - hộp nhựa, túi nilon luôn được sử dụng rộng rãi tại các chợ bán lẻ truyền thống hay cửa hàng tạp hóa và trở thành một sản phẩm không thể thiếu để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, mua sắm. Mỗi lần đi chợ, người tiêu dùng đều nhận được rất nhiều túi nilon khi mua thịt, cá, thậm chí một củ cà rốt hay vài cọng hành. Bên cạnh đó, các quán cơm bình dân, quán ăn, hàng rong đều sử dụng ly nhựa để đựng đồ ăn mang về cho khách do tính tiện lợi và giá thành rẻ của sản phẩm này.

Trong sinh hoạt hàng ngày, bên cạnh túi nilon, thì ống hút nhựa vài cốc nhựa cũng được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Bất cứ nơi đâu, ngay cả tại những thương hiệu trà sữa, cafe nổi tiếng như DingTea, Highlands Coffee,… thì khách hàng đều dễ dàng thấy có sự hiện diện của ly nhựa, ống hút nhựa khi mua một ly đồ uống ngay tại cửa hàng.

Đặc biệt là, thương hiệu Highlands Coffee dù đã đưa ra rất nhiều thông điệp cũng như giải pháp để hưởng ứng xu hướng less plastic nhưng cái mà khách hàng nhìn thấy rõ nhất khi sử dụng dịch vụ ở đây đó chính là đồ nhựa vẫn được sử dụng tràn lan.

Bên cạnh những thương hiệu đồ uống nổi tiếng, tại các cửa hàng giải khát, quán vìa hè, việc gọi một ly trà đá, cốc chè, cốc tào phớ, khách hàng vẫn luôn nhận được ly, ống hút/ thìa bằng nhựa. Điều này cho thấy, đồ nhựa được sử dụng như một thứ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam.

Đẩy mạnh việc quản lý, sử dụng các sản phẩm từ nhựa, coi chất thải là tài nguyên

Ông Nguyễn Thi cho rằng, cần thiết phải đưa nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên, thực hiện tuần hoàn tài nguyên, ưu tiên tái chế thay vì sản xuất thêm mới. Bởi đây chính là cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn.

“Muốn vậy phải có các chế định như coi chất thải là tài nguyên. Các chất thải này bao gồm các chất thải nguy hại có thể tái chế, chất thải công nghiệp thông thường, rác thải sinh hoạt. Cần xây dựng 2 chế định riêng về rác thải hữu cơ và rác thải nhựa. Cùng đó là các chế định thu phí rác thải dựa trên khối lượng, chấm dứt việc thu phí theo đầu người hoặc theo hộ gia đình như hiện nay; chế định về phân loại, thu gom chất thải và rác thải sinh hoạt; chế định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải; quy định về quản lý chất thải nhựa,…”, ông Thi đề xuất.

Cũng tại Hội thảo, ông Bùi Đức Hiển (Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng việc tái chế chất thải nhựa hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn rất quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, quy định lỏng lẻo, cơ chế thu gom rác thải chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến các gia đình không có ý thức phân loại.

“Cũng có những gia đình rất ý thức và phân loại ra thành từng lại rác thải hữu cơ, vô cơ trước khi vứt đi nhưng bộ phận thu gom, vận chuyển những loại rác thải đó của chúng ta lại chưa đồng bộ” - ông Hiển nói. Theo ông Hiển, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế của phát triển bền vững và phải có giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật.

Nhìn vào thực tế, đến nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Đặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về biện pháp giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa.

Bộ Y tế thay thế dùng chai nhựa, túi nilon bằng chai thủy tinh

Bộ Y tế thay thế dùng chai nhựa, túi nilon bằng chai thủy tinh

Hiện nay, trong nhiều siêu thị thuộc các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế túi nilon. Tại các bệnh viện, văn phòng việc sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa, giảm thiểu tối đa và thay vào đó là cốc giấy.

Ở nhiều trường học trong cả nước, phong trào tẩy chay rác thải nhựa được tuyên truyền và triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội) việc mang chai nhựa, túi nilon vào trường bị cấm triệt để, sinh viên phải mang cốc/chai thủy tinh đến để lấy nước tại máy lọc nước của nhà trường để cho giảng viên giảng dạy sử dụng.

Trước đó, nhận thấy rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn trong đời sống hàng ngày mà trong ngành Y tế cũng là một hiện trạng, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị số 08 yêu cầu các cơ sở y tế hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc đẩy lùi rác thải nhựa, túi nilon đã có những chuyển biến tích cực. Điển hình, khi khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, phóng viên đã gặp rất nhiều người dân có ý thức mang theo túi vải để đựng đồ thay vì sử dụng túi nylon sẵn có tại các cửa hàng.

Hay trên các trang bán hàng điện tử, số lượng mặt hàng như đũa, thìa từ gỗ, ống hút, khay đựng thức ăn cá nhân và những bình đựng nước thủy tinh, inox được tiêu thụ mạnh mẽ, cho thấy người dân đã có những nhận thức cơ bản về tác hại của rác thải nhựa và túi nilon tới môi trường.

Tuấn Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/bien-rac-thai-nhua-thanh-tai-nguyen-476772.html