Biến rác thải thành tài nguyên

Chương trình phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa được UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) phối hợp triển khai từ đầu tháng 8-2020 đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Đây là bước đi đầu tiên trong quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, từng bước biến rác thải thành tài nguyên.

Người dân đổi rác tái chế lấy quà tặng tại điểm thu đổi rác vào sáng thứ bảy hằng tuần ở số 8 Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hòa Phạm

Chung tay chống rác thải nhựa

Sáng 22-8, cùng với nhiều người dân trong phường, ông Hoàng Văn Sáng, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) mang 2 túi rác thải là vỏ lon bia, chai nhựa được gia đình giữ lại trong tuần, đến điểm thu số 8 Phan Huy Chú, cùng phường để đổi quà tặng. “Trước đây, rác thải tái chế thường được gia đình tôi vứt cùng rác sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, nhận thấy ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn đem lại, gia đình tôi đã để riêng”, ông Sáng cho biết.

Hoạt động thu đổi rác thải tái chế lấy quà tặng này nằm trong chương trình “Quản lý, phân loại rác, phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với URENCO triển khai. Theo ông Vũ Xuân Đán, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, trước mắt chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn (thành 2 nhóm rác tái chế và rác còn lại) tại 3 phường: Phan Chu Trinh, Cửa Đông, Lý Thái Tổ từ tháng 8-2020. Sau đó, quận sẽ sơ kết và nhân rộng đến các phường còn lại trước ngày 15-12-2020.

Phó Trưởng phòng Kinh doanh và Truyền thông (URENCO) Nguyễn Thị Thùy Ninh cho biết, sau 2 buổi thu đổi rác tái chế (vào sáng thứ bảy hằng tuần, từ ngày 15-8-2020), công ty đã thu được 1.306kg rác tái chế. Trong đó có 236kg là rác thải nhựa (chiếm 18%); 936kg là bìa, giấy (chiếm 71,6%)... “Lượng rác này sẽ được URENCO sơ chế và chuyển đến các đơn vị xử lý riêng biệt. Trong đó, nhựa chuyển về URENCO 10 để chế biến thành các hạt nhựa làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Các loại giấy và nhựa không tái chế được sẽ chuyển về URENCO 11 để sản xuất viên đốt RPF làm nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp. Việc triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm là bước đệm để thực hiện phân loại rác, tối ưu hóa lợi ích từ rác giai đoạn sau”, bà Ninh cho hay.

Trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, từ năm 2019, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp đã có những hoạt động giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần. Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Thị Hưởng cho biết, đến nay 100% các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã chuyển từ sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần sang thủy tinh. Nhiều doanh nghiệp cũng có những hành động góp sức ngăn chặn rác thải nhựa. Tiêu biểu như khách sạn Fortuna (quận Ba Đình) đã cắt giảm được hơn 238.000 chai nhựa/năm, 36.648kg túi nhựa/năm. Tập đoàn Unilever Việt Nam cắt giảm khoảng 100 tấn nhựa/năm thông qua việc giảm thành phần nhựa sản xuất bao bì, tiến tới không dùng nhựa trong sản xuất...

Đem lại giá trị mới cho rác thải

Công nhân Hợp tác xã Thành Công thu gom rác thải trên phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân). Ảnh: Phạm Hòa

Thực tế, mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.000-7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Do đơn vị thu gom không có đủ điều kiện để phân loại rác tái chế, nhất là rác thải nhựa, túi ni lông nên hầu hết được đưa đến các khu xử lý chôn lấp.

Việc phân loại tại nguồn thời gian qua còn hạn chế nên việc sử dụng nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất cũng thiếu bài bản. Đến nay chưa có đơn vị, tổ chức nào thống kê được số lượng rác thải nhựa cũng như rác tái chế khác là bao nhiêu, sử dụng như thế nào. Mặt khác, theo Tiến sĩ Hoàng Lê Anh, giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), phế thải nhựa nếu muốn thành nguyên liệu sản xuất cũng phải được phân loại, chế biến để phù hợp với từng mô hình sản xuất. Hiện, nguyên liệu nhựa tái chế thường lẫn tạp chất do không được phân loại tại nguồn.

Thực tế, nhiều nước phát triển đã áp dụng công nghệ tiên tiến, biến rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng thành nguồn nguyên liệu giá trị để sản xuất nhiên liệu, vật liệu làm đường… Tất nhiên quá trình này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đầu tư và chính sách, giải pháp đồng bộ ngay từ khâu phân loại rác tại nguồn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg (ngày 20-8-2020) về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng, thực hiện chỉ thị này, Bộ đang hoàn thiện chế tài quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý. Đi đôi với đó là đề xuất lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần...

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định thông tin, thành phố cũng đang triển khai khảo sát tại các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa khó phân hủy; tuyên truyền các cửa hàng, siêu thị, trường học hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuyển đổi sản phẩm khó phân hủy theo lộ trình cụ thể.

Dạ Khánh - Hoàng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/977037/bien-rac-thai-thanh-tai-nguyen