Biến rác thành tài nguyên: Vướng từ thu gom đến công nghệ

Công cuộc 'biến rác thành tài nguyên' theo Chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững tại nhiều địa phương vẫn đang gặp không ít trở ngại.

Vướng từ giá dịch vụ

Chia sẻ tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, diễn ra mới đây, ông Diệp Nguyễn Thế Quang - Công ty CP Môi trường Đà Nẵng - cho biết, địa phương gặp không ít khó khăn trong quá trình phân loại và xử lý rác sinh hoạt.

Còn nhiều khó khăn trong phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh minh họa

Còn nhiều khó khăn trong phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh minh họa

Nguyên nhân là do mức thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường được áp dụng theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND thực thi từ ngày 1/1/2018 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh tăng giá. Số tiền rác thu được hàng năm không đủ chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, công ty phải bù lỗ từ nguồn khác. Người lao động chưa được tăng tiền lương từ năm 2019 đến nay đã ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của công nhân.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh đơn giá thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt chậm và kéo dài qua nhiều năm nhưng đến nay mức giá vẫn chưa được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh. Lý do, trước năm 2022 (thời điểm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014), trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 18/11/2017 quy định “giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Mặt khác, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa ban hành hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dẫn đến các sở, ngành liên quan chưa có cơ sở xây dựng và thẩm định phương án giá theo quy định mới của Luật bảo vệ môi trường 2020…

Không chỉ ở Đà Nẵng, hầu hết các địa phương còn khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn, kể cả địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn. Các địa phương đang đợi hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thực hiện.

Hơn thế, do công tác tuyên truyền chỉ đa phần trên giấy nên nhiều hộ dân, chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom cũng chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại... Hệ quả của tình trạng này là phần lớn lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước và không khí.

Phải xây dựng được chính sách phù hợp

Nêu giải pháp cho vấn đề này, đại diện Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho hay, để thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn theo quy định của pháp luật, các đô thị cần xây dựng lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; phải đồng bộ với quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc các chế tài xử phạt những hộ gia đình và cá nhân không thực hiện phân loại rác tại nguồn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tại điều 26, khoản 1 của Nghị định này ghi rõ: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện giải pháp về công nghệ. Trên cơ sở tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các địa phương xây dựng, ban hành quy định về định hướng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng: Giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đồng thời rà soát điều chỉnh lại quy hoạch do những khó khăn về khách quan và chủ quan (tính khả thi của đồ án như vị trí xây dựng, nguồn vốn...); cần thiết bổ sung quỹ đất trong quy hoạch quản lý chất thải rắn để xây dựng điểm lưu giữ phương tiện, thiết bị thu gom chất thải rắn sinh hoạt và điểm tập kết, trung chuyển; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Cùng bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Liễu - Cục kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường – khuyến nghị, phải xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp và có được sự đồng thuận cao từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương phải xây dựng được định mức về chi phí để xử lý rác thải sinh hoạt từ thu gom, vận chuyển và xử lý phù hợp với quy mô và loại hình công nghệ. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt phải đủ năng lực về nhân lực tài chính, công nghệ và quản lý trong lĩnh vực này.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Diệp Nguyễn Thế Quang kiến nghị: “Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép áp dụng hình thức thu giá vệ sinh môi trường như trước đây, tạo điều kiện cho địa phương có cơ sở xây dựng, điều chỉnh đơn giá thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế, trong điều kiện giá cả đầu vào ngày càng tăng trong khi giá dịch vụ vệ sinh môi trường chưa được điều chỉnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, có chế tài với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Nhiều ý kiến bày tỏ, trong bối cảnh ô nhiễm rác thải rắn sinh hoạt như hiện nay không còn cách nào khác là các địa phương đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý theo hướng giảm chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Song với thực tế như hiện nay, nhiều người lo ngại quy định sẽ rất khó thực thi.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bien-rac-thanh-tai-nguyen-vuong-tu-thu-gom-den-cong-nghe-329411.html