Biến sâm Ngọc Linh thành 'đòn bẩy' phát triển du lịch
Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum mời các chuyên gia bàn giải pháp, phát triển du lịch, phát huy lợi thế sâm Ngọc Linh.
Để phát huy lợi thế, tiềm năng của “thánh địa quốc bảo” sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã mời các chuyên gia, đơn vị đầu ngành du lịch cả nước tham gia hội thảo bàn giải pháp, phát triển du lịch tại địa phương hôm 6-2.
Lợi thế nhiều nhưng du lịch chưa khai thác
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, địa phương này có nhiều tiềm năng du lịch tự nhiên như thác nước Đa tầng tại xã Tê Xăng, thác Siu Puông xã Đắk Na, thác Y Hai xã Măng Ri, hồ Ba Khen xã Văn Xuôi; hồ thủy điện Đắk Psi, ruộng bậc thang xã Măng Ri, xã Đắk Na, điểm săn mây đỉnh đèo Văn Rơi…
Bên cạnh đó, ẩm thực nơi đây hết sức hấp dẫn với nhiều món ăn độc lạ như thịt trâu gác bếp, cơm nấu ống, gà nấu sâm dây, cá bống đuôi đỏ…
Đặc biệt, Tu Mơ Rông được biết đến là vùng đất của “thánh địa” sâm Ngọc Linh, loại dược liệu đặc hữu chỉ có trên núi Ngọc Linh. Huyện đã từng bước xây dựng các tour về miền quốc bảo, chinh phục núi Ngọc Linh, du lịch dược liệu…
“Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn nhưng du lịch của địa phương vẫn còn như “một nàng tiên đang ngủ” chưa được đánh thức. Do vậy, chúng tôi mong muốn những chuyên gia, những doanh nghiệp, doanh nhân có những giải pháp, định hướng phát triển du lịch hỗ trợ cho địa phương”- ông Mạnh nói.
Trên cơ sở đó, xây dựng hình thành các sản phẩm, tuyến du lịch nội địa độc đáo; tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch mang dấu ấn địa phương.
Để sâm Ngọc Linh là kích thích phát triển du lịch
Bà Lại Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam, nhìn nhận bên cạnh các thế mạnh, việc phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông chưa xứng tầm. Cơ sở vật chất, kinh doanh vẫn còn thiếu. Năm 2022, có khoảng 2.000 lượt khách du lịch tới huyện Tu Mơ Rông nhưng chủ yếu là khách tham quan, đến phiên chợ sâm.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch của huyện thiếu; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch rất khó khăn. Công tác quy hoạch hầu như chưa có; việc xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch cũng mới chỉ ở mức phát triển ban đầu; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng.
"Hiểu biết về phát triển du lịch và chiến lược truyền thông về du lịch của địa phương còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong các hoạt động kinh doanh, công tác truyền thông, cũng như quản lý nhà nước về du lịch"- bà Hà nói.
Theo bà Hà, địa phương cần tạo cơ chế thuận tiện và đề xuất các chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, hoàn thiện hạ tầng du lịch. Chia sẻ lợi ích giữa chính quyền, nhà đầu tư. Đồng thời, huy động sự tham gia của người dân phát triển du lịch, trao quyền cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, gợi ý sâm Ngọc Linh là một “từ khóa” để Tu Mơ Rông nói riêng và tỉnh Kon Tum chú trọng để xây dựng, phát triển du lịch gắn liền với các tour, sản phẩm độc đáo về sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng lợi thế du lịch cộng đồng, du lịch homestay… Và để làm được thì cần phải học hỏi từ các địa phương khác, ứng dụng cho phù hợp chứ không nên bê y nguyên vào.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Việt Nam, cho rằng Tu Mơ Rông có nét văn hóa độc nhất vô nhị với 95% người đồng bào dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Cùng với rừng, đặc biệt là quốc bảo sâm Ngọc Linh sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển.
“Tôi nghĩ rằng, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông phải có chương trình rất đặc biệt nhằm tạo ra cơ đồ, tầm vóc, đẳng cấp mang đến sự khác biệt để du lịch Tu Mơ Rông không chỉ ở Việt Nam và vươn ra thế giới”- TS Thiên nói.
Tối 6-2, phiên chợ sâm Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rông lần thứ 2- 2023 sẽ chính thức khai mạc. Hiện Tu Mơ Rông có khoảng 1.700 ha sâm Ngọc Linh, trong đó có 7/11 xã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bien-sam-ngoc-linh-thanh-don-bay-phat-trien-du-lich-post718743.html