Biển số đấu giá - tài sản cá nhân

Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Nội dung dự thảo nghị quyết bao gồm: Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số. Sau đây xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chính trong dự thảo nghị quyết này.

BIỂN SỐ VÀ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA ĐẤU GIÁ

Theo dự thảo, biển số được lựa chọn đấu giá là biển số ôtô nền trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối tượng tham gia đấu giá, dự thảo nghị quyết nêu rõ, gồm: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở - đối với tổ chức, doanh nghiệp hoặc nơi đăng ký thường trú - đối với cá nhân. Về cơ quan tổ chức đấu giá, dự thảo đề xuất công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện.

Về hình thức đấu giá, công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện. Bộ Công an giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.

GIÁ VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI TRÚNG ĐẤU GIÁ

Để việc tổ chức thực hiện đấu giá có hiệu quả, đúng quy định, nội dung dự thảo cũng đã quy định rõ việc xác định giá khởi điểm cụ thể như sau: Đối với vùng 1, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thì giá khởi điểm (Gkđ) = giá lệ phí (Glp) x 2; vùng 2, gồm các địa phương còn lại, thì Gkđ = Glp x 10. Trong đó, giá khởi điểm là giá của 1 biển số đưa ra đấu giá, với đơn vị tính là Việt Nam đồng(VNĐ); Glp là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương.

Theo quy định của dự thảo nghị quyết, người trúng đấu giá biển số xe ôtô được ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người); khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.

QUẢN LÝ BIỂN SỐ TRÚNG ĐẤU GIÁ VÀ NGUỒN THU TỪ ĐẤU GIÁ

Mặc dù dự thảo nghị quyết đã quy định rõ quyền của người trúng đấu giá đối với biển số xe, tuy nhiên, để thuận lợi trong công tác quản lý của cơ quan chuyên môn, dự thảo nghị quyết cũng quy định cụ thể về quyền quản lý biển số trúng đấu giá của cơ quan chức năng. Theo đó, biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá được cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe. Trong trường hợp cá nhân trúng đấu giá chưa tiến hành làm thủ tục đăng ký thì người trúng đấu giá chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số trúng đấu giá. Đồng thời, cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là trong trường hợp xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu theo quy định.

Nội dung dự thảo nghị quyết cũng quy định cụ thể về số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Như vậy, nếu những nội dung nêu trên được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì biển số xe ôtô trúng đấu giá sẽ là tài sản của cá nhân, tổ chức và khi đó người trúng đấu giá sẽ có đầy đủ các quyền đối với tài sản của mình. Các quyền đó là: quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Và như vậy, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà từ thực tế cho thấy nó còn là cơ sở để tăng tính công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong khâu cấp biển số và cao hơn nữa là bảo vệ uy tín của lực lượng Công an nhân dân.

Mỹ Hạnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/132707/bien-so-dau-gia-tai-san-ca-nhan