Biển số 'đẹp' phải gắn với phương tiện và đăng ký mới có giá trị
Cần kiểm soát chặt quyền lợi gắn với biển, quyền lợi biển gắn với xe để tránh tình trạng một người tham gia đấu giá nhiều biển đẹp, rồi mua xe, gắn biển đẹp rồi bán cho người có nhu cầu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh yêu cầu trên tại cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, diễn ra ngày 30/8.
Tăng nguồn thu cho ngân sách
Tại phiên thẩm định, ông Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, thực tế nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích, thường được gọi là "biển số đẹp" tùy theo quan niệm. Việc cấp "biển số đẹp" bằng việc thu phí hoặc tổ chức bán đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân, tạo sự công bằng cho các chủ thể có nhu cầu và cũng là một kênh để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Từ năm 2017 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ chế Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu đề án, Bộ Công an và các bộ, ngành khác nhận thấy rằng, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe nếu thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ gặp nhiều khó khăn bởi sự xung đột về quy định của pháp luật hoặc chưa có quy định của pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là cần thiết.
Về biển số đưa ra đấu giá, Dự thảo Nghị quyết quy định người có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc để tham gia đấu giá trực tuyến.
Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình hoặc thậm chí được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá.
Tuy nhiên, người được nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
Về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá sẽ được xác định công thức chung, áp dụng thống nhất, minh bạch, cụ thể, vùng 1 gồm TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 40 triệu đồng/biển số, vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng/biển số.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định: “Trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó”.
Làm rõ căn cứ xác định mức giá khởi điểm
Góp ý tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho hay, đấu giá theo Luật Đấu giá tài sản là có 2 người trở lên tham gia và cùng trả giá. Khi chỉ có 1 người tham gia đấu giá, Điều 49 Luật này quy định sẽ bán cho người đấu giá duy nhất nhưng phải sau 2 lần đấu giá trở lên. Như vậy, quy định về việc 1 người tham gia đấu giá tại dự thảo Nghị quyết hơi vênh so với Luật Đấu giá tài sản.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai, giá khởi điểm chỉ là một trong các yếu tố quyết định giá trúng đấu giá, thậm chí một số nước còn không có giá khởi điểm. Vì vậy, Bộ Công an cần làm rõ căn cứ xác định mức giá khởi điểm 20 triệu đồng và 40 triệu đồng, hoặc có thể đề xuất Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn vấn đề này để đảm bảo đúng thẩm quyền và đúng với pháp luật về quản lý tài sản công.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chỉ ra một số tình huống thực tế như nếu người trúng đấu giá đã có ô tô và đã có biển số, họ muốn lắp “biển số đẹp” vào ô tô cũ thì biển số cũ xử lý thế nào? Thậm chí có trường hợp “lách luật”, người trúng đấu giá mua ô tô mới, gắn “biển đẹp” vào rồi lại chuyển nhượng, tặng, cho người khác cả xe kèm biển thì xử lý ra sao?
Liên quan tới nghĩa vụ của người trúng đấu giá, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.Hà Nội băn khoăn, nếu trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp đúng, nộp đủ tiền thì có thu hồi biển số trúng đấu giá của họ không, nếu thu hồi thì xử lý như thế nào?
Biển số không có giá trị khi tách rời với phương tiện
Giải trình tại cuộc họp, ông Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, biển số phải gắn với phương tiện và đăng ký mới có giá trị, biển số không có giá trị khi tách rời các yếu tố trên.
Để thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước, Bộ Công an xây dựng dự thảo với tinh thần người trúng đấu giá được hưởng đầy đủ các quyền nêu trên chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, còn người được chuyển giao sẽ bị hạn chế một phần.
“Về quan niệm biển số đẹp, mỗi vùng miền quan niệm về vấn đề này rất khác nhau. Chúng ta đã quá quen với khái niệm biển “tứ quý”, “ngũ quý”, “tiến đều”, “lộc phát”, “phát lộc”, tuy nhiên với nhiều người, “số đẹp là số tôi thích, là số của riêng tôi”, ông Đức nói thêm.
Do đó, Bộ Công an quy định người tham gia đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành để tham gia đấu giá trực tuyến.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị Bộ Công an cần làm rõ 3 kho số: kho số chưa được đăng ký, kho số đấu giá, kho số không đấu giá. Mục tiêu chính của Nghị quyết thí điểm là tăng cường quản lý nhà nước, tăng thu ngân sách nhà nước, nên cần quản lý chặt phương tiện trên từng địa bàn, không làm ảnh hưởng tới việc đăng ký biển số xe theo thủ tục thông thường.
Đồng thời, làm rõ căn cứ giá khởi điểm, vì Luật Đấu giá tài sản quy định giá cọc là giá khởi điểm, mà cọc thấp thì nguy cơ bỏ cọc là hiện hữu, rồi sau đó lại phải tổ chức đấu giá lại, tốn kém chi phí và gây dư luận không tốt.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng lưu ý cần kiểm soát chặt quyền lợi gắn với biển, quyền lợi biển gắn với xe, tránh tình trạng một người tham gia đấu giá nhiều biển đẹp, rồi mua xe, gắn biển đẹp rồi bán cho người có nhu cầu. Cần quy định chặt chẽ để phòng ngừa việc trốn thuế trong trường hợp này.