Biến số then chốt kích hoạt chu kỳ tăng trưởng chưa từng có của Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi có sự đột phá về khoa học công nghệ và thể chế, Việt Nam mới có thể thoát khỏi cái bóng của mô hình tăng trưởng cũ và tạo dựng được động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.

Mục tiêu tăng trưởng hai con số vô cùng thách thức nhưng không phải không có khả năng thực hiện thành công. Ảnh: Hoàng Anh

Mục tiêu tăng trưởng hai con số vô cùng thách thức nhưng không phải không có khả năng thực hiện thành công. Ảnh: Hoàng Anh

Thách thức và cơ hội của một nền kinh tế đang chuyển mình

Nhìn nhận về mục tiêu tăng trưởng hai con số của kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới, PGS. TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội thẳng thắn thừa nhận, đây là một mục tiêu "vô cùng thách thức."

Dẫn năm yếu tố tác động chính đến tăng trưởng gồm vốn, đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách kinh tế, môi trường kinh doanh, ông Lĩnh cho rằng, tăng trưởng kinh tế không phải là một "hiện tượng đơn giản" mà được hình thành từ nhiều yếu tố tương tác với nhau.

Việc tập trung vào các yếu tố như vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh sẽ là chìa khóa để đạt được sự phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, "nếu vẫn phát triển như cũ, với cách làm và các động lực cũ, mục tiêu tăng trưởng hai con số gần như không thể", ông Lĩnh nhìn nhận.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cùng quan điểm cho rằng, nếu không kịp thời đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Theo ông Thanh, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam vẫn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, tăng đầu tư công, trong khi dư địa lao động giá rẻ đang dần cạn kiệt.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng không còn đáp ứng kỳ vọng về một nền kinh tế phát triển năng động, sáng tạo và giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hôm nay, ông Lĩnh đánh giá, Việt Nam đang đứng trước một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên gắn với cuộc cách mạng 4.0 và khoa học công nghệ. Những chuyển biến về kinh tế, khoa học công nghệ trên thế giới đang chuyển biến rất nhanh, khác hẳn so với các cuộc cách mạng trước.

Những thách thức về hạ tầng, tài chính, kỹ năng là rất lớn và nguy cơ tụt hậu cũng rất cao.

Song đi cùng với các thách thức, mỗi một thời kỳ chuyển giao, mỗi một kỷ nguyên mới mở ra cũng đặt ra một cơ hội rất lớn để các nước đi sau có thể vượt lên trước, bắt kịp công nghệ tiên tiến của các nước đang phát triển.

Chính vì vậy, việc có thể tham gia sâu vào cuộc cách mạng công nghệ này hay không, cũng chính là vấn đề sẽ trả lời câu hỏi, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao, tạo ra những bước ngoặt để tăng trưởng hai con số hay không.

Nhìn vào năm yếu tố tác động đến tăng trưởng, ông Lĩnh cho rằng, công nghệ chính là một biến số rất lớn so với các động lực tăng trưởng truyền thống. Công nghệ có tác động mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố còn lại, thậm chí quyết định các yếu tố còn lại.

Trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng 4.0, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới.

Cuộc cách mạng số với sự tích hợp các công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, người máy, dữ liệu lớn... đã tạo ra phương thức sản xuất mới, dẫn đến sự xuất hiện các ngành mới, các mô hình kinh doanh mới và sự thâm nhập, làm thay đổi các cạnh truyền thống và mọi khía cạnh của nền kinh tế. Công nghệ cũng là yếu tố làm tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị cao cho nền kinh tế.

Dẫn kinh nghiệm phát triển của các nước Đông Bắc Á, ông Lĩnh cho rằng, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã tận dụng rất tốt cuộc cách mạng công nghệ số để bắt kịp, vươn lên trở thành nước có nền kinh tế tăng trưởng cao.

Đồng quan điểm, ông Thanh cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới không thể chỉ dựa vào việc tăng nguồn lao động, vốn đầu tư hay tăng khai thác tài nguyên mà cần phải gắn với đột phá về công nghệ. Việt Nam cần xây dựng một khuôn khổ thể chế hiện đại, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Trong khi không gian kinh tế truyền thống đang dần cạn kiệt, những không gian mới như kinh tế số, kinh tế xanh và không gian đổi mới sáng tạo đang mở ra mạnh mẽ và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Đây chính là thời cơ để Việt Nam nhận diện các không gian tăng trưởng mới, những lĩnh vực mà Việt Nam chưa khai thác hiệu quả tiềm năng để phục vụ tăng trưởng

Cần một chiến lược thực sự cho tăng trưởng hai con số

Nhìn lại những bài học từ quá khứ, theo ông Lĩnh, vai trò của khoa học công nghệ chưa bao giờ không quan trọng trong các văn kiện cao nhất qua các thời kỳ.

Hàng loạt các chính sách để phát triển công nghệ đã được đặt ra như Quyết định số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu kép là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đồng thời hình thành một số doanh nghiệp công nghệ số có năng lực cạnh tranh toàn cầu; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hội thảo khoa học quốc gia "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Ảnh: PL.

Hội thảo khoa học quốc gia "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Ảnh: PL.

Mặc dù vậy, lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thể phát triển mạnh mẽ do thể chế chưa phù hợp, nguồn lực hạn chế, thiếu chiến lược thực sự. Trong khi đó, khâu thực thi vẫn còn thiếu nhất quán và kiên quyết.

Mới đây, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố này trong việc củng cố nền tảng phát triển bền vững của đất nước.

Ông Lĩnh cho rằng, đây là một tín hiệu rất đáng mừng, đã đến lúc, Việt Nam cần một chiến lược thực sự mạnh mẽ để phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, cần tập trung vào những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong nhiều ngành công nghiệp dựa trên công nghệ chiến lược có khả năng mang lại lợi nhuận cao.

Ví dụ, Đài Loan tập trung vào ngành công nghiệp chip điện tử và hướng các khoản đầu tư vào một công ty duy nhất, Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Kim ngạch xuất khẩu chip điện tử của công ty này lên tới khoảng 184 tỷ USD. TSMC nắm giữ 55% thị trường gia công chip điện tử toàn cầu. Công ty này cũng sản xuất một số chip điện tử công nghệ cao mà không ai có thể cạnh tranh được.

Vị chuyên gia này đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho thời kỳ tăng trưởng nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở tích hợp, rà soát lại, tinh gọn và cập nhật tất cả các chiến lược thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2045 hiện có.

Đây cần là cương lĩnh hành động thực hiện Nghị quyết 57 và văn kiện Đại hộ XIV của Đảng trong kỷ nguyên vươn mình trước những thách thức của cuộc cách mạng số.

Đột phá về thể chế cần đi trước mở đường

Không chỉ những cơ chế chính sách về khoa học công nghệ, nhìn ra bức tranh rộng lớn hơn, theo ông Lĩnh, để thúc đẩy công nghệ phát triển, Việt Nam cần có những đột phá mạnh mẽ về thể chế.

Trong đó, khu vực tư nhân phải trở thành động lực chính trong phần lớn các lĩnh vực. Chính phủ cần xây dựng được hệ thống luật pháp thông thoáng và minh bạch, hội nhập quốc tế, tăng cường yếu tố quản trị phục vụ thay vì hành chính, kiểm soát, kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp.

Bổ sung cho các luận điểm về thể chế, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều kiện quan trọng để Việt Nam đạt tăng trưởng hai con số, là phải tháo gỡ được vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" đối với tăng trưởng.

Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò của Nhà nước trong điều tiết vĩ mô, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội, theo ông Cung, đây cần được coi là định hướng cốt lõi để đột phá thể chế, là tiêu chí để rà soát, bãi bỏ các quy định pháp luật không phù hợp.

Ông nhấn mạnh, việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “năng lực quản lý nhà nước đến đâu thì mở cho đầu tư đến đó”; bãi bỏ các thủ tục hành chính mang tính xin – cho, không rõ ràng, tùy tiện trong diễn giải và áp dụng.

Các quy định pháp luật phải tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp được tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật. Luật pháp phải phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu.

Ông Cung đề xuất Chính phủ cần hình thành các “điểm thể chế” đột phá vượt trội, thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao, nâng cấp, mở rộng các khu công nghệ cao hiện có và đầu tư thành lập thêm các khu mới. Nơi đây được ưu đãi vượt trội về thủ tục hành chính, thuế, đất đai, chế độ visa, lưu trú, các hoạt động R&D, thử nghiệm, sản xuất được tự do trong phạm vi quy định rõ ràng...

Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng các cơ chế hỗ trợ nghiên cứu thông qua các quỹ quốc gia và ngành, địa phương, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ phát triển, góp phần tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/bien-so-then-chot-kich-hoat-chu-ky-tang-truong-chua-tung-co-cua-viet-nam-d40043.html