Biên soạn, cung ứng sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp
Với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản… đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Giai đoạn 2018-2024, lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa; việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bài bản.
Theo Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến nay, có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn sách giáo khoa. Công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo với tổng số 2.656 người.
Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa góp phần phát huy được trí tuệ của thầy, cô giáo cũng như nâng tầm đội ngũ giáo viên phổ thông.
Trải qua những thách thức, đến thời điểm này, công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; từ đó khẳng định chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là hết sức đúng đắn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng
Đặc biệt, tác giả biên soạn sách giáo khoa công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ sách giáo khoa được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.
Việc biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa, môn học có ít nhất là 1 sách giáo khoa, môn học có nhiều nhất là 10 sách giáo khoa, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Khẳng định thẩm định sách giáo khoa được tổ chức theo quy trình chặt chẽ được quy định tại các thông tư, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: “Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động số lượng các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đông đảo, khoảng 1.404 thành viên, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện và các trường phổ thông từ các vùng miền khác nhau và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt”.
Bên cạnh đó, đã huy động thêm nhiều cá nhân, tổ chức tham gia phát hành sách giáo khoa. Sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng sách giáo khoa, tặng tủ sách dùng chung nhằm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên, lãnh đạo quản lý giáo dục thay đổi tư duy, cách nghĩ và hiểu đúng “chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy, chỉ có tính hướng dẫn” từ đó chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định
Ghi nhận những kết quả đáng ghi nhận của công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những hiệu quả cả về mặt chuyên môn, hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội, nhận được sự đồng tình rất cao; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về công tác biên soạn sách giáo khoa, không chỉ trong ngành giáo dục, mà còn cho toàn xã hội.
Để tiếp tục làm tốt hơn công tác này, các nhà xuất bản cần tiếp tục rà soát các khâu liên quan đến biên soạn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền, chức năng; tiết kiệm các khâu trung gian, đa dạng khâu phát hành để sách giáo khoa đến học sinh, giáo viên đúng, đủ, kịp thời, chất lượng, giá cả phù hợp; tăng cường trách nhiệm xã hội, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai…
Bên cạnh đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên đối với việc đổi mới giáo dục nói chung, công tác biên soạn sách giáo khoa nói riêng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với các nhà xuất bản, tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong phê duyệt danh mục sách giáo khoa, tổ chức tốt việc lựa chọn sách giáo khoa./.