Biên tập viên thời nay không thể chỉ ngồi đút chân gầm bàn

Các chuyên gia làm sách và đào tạo xuất bản cho rằng biên tập viên phải có sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực xuất bản, cũng như khả năng sử dụng công nghệ để phục vụ công việc.

 TS Trần Chí Đạt (Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội thảo Đào tạo ngành Xuất bản, Phát hành ngày 22/8.

TS Trần Chí Đạt (Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội thảo Đào tạo ngành Xuất bản, Phát hành ngày 22/8.

Trong bối cảnh công nghệ đạt được những phát triển vượt bậc, các đơn vị xuất bản buộc phải thích nghi với xu hướng “không thể đảo ngược” này. Cùng đó, những cơ sở đào tạo cũng từng bước đổi mới nhằm cung cấp nguồn nhân lực sở hữu khả năng am hiểu công nghệ tốt.

Tuy nhiên, cả nhà tuyển dụng (nhà xuất bản, công ty sách, công ty phát hành) hay nơi đào tạo hiện nay đều có câu hỏi chung rằng, điều gì làm nên những biên tập viên thời đại số.

Các chuyên gia, nhà đào tạo cùng nêu những đòi hỏi với nhân sự ngành sách tại hội thảo "Đào tạo ngành Xuất bản, Phát hành - Triển vọng và thách thức". Hội thảo diễn ra ngày 22/8 tại Hà Nội.

Biên tập viên sách không thể ngồi một chỗ

Trong thời đại chuyển đổi số, yêu cầu đối với biên tập viên sách trở nên phức tạp và đa dạng hơn bao giờ hết. Họ phải có kỹ năng lựa chọn và khai thác bản thảo một cách chủ động.

Theo TS Trần Thị Mai Dung (giảng viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), biên tập viên không phải là “người chỉ ngồi đút chân dưới gầm bàn, không biết đến các công đoạn khác trong quy trình xuất bản”. Thay vào đó, biên tập viên phải có sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực xuất bản, cũng như khả năng sử dụng các công nghệ và thông tin hiện đại để phục vụ cho công việc của mình, trong đó có cả trí tuệ nhân tạo.

“Công việc của biên tập viên sẽ không giới hạn ở việc biên tập văn bản. Họ phải sáng tạo nên những nội dung số và các sản phẩm đa phương tiện, có khả năng truyền tải trên các nền tảng kỹ thuật số khác nhau”, TS Trần Thị Mai Dung cho biết.

 TS Trần Thị Mai Dung (giảng viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trình bày tại hội thảo sáng ngày 22/8.

TS Trần Thị Mai Dung (giảng viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trình bày tại hội thảo sáng ngày 22/8.

Bên cạnh đó, TS Trần Thị Mai Dung cũng nhấn mạnh rằng các biên tập viên nên am hiểu về những công cụ bảo vệ bản quyền để có thể tránh các rủi ro vi phạm trên không gian mạng, hay từ trí tuệ nhân tạo.

Theo bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam, biên tập viên trong thời đại số cần nắm vững nền tảng cơ bản trong biên tập xuất bản. Giám đốc Omega+ chỉ ra rằng xuất bản điện tử không tách rời khỏi xuất bản truyền thống, mà là bước phát triển. Do đó, các cơ sở đào tạo nên xem xét cả hai hình thức xuất bản này như một thể thống nhất, liên kết chặt chẽ với nhau.

“Công nghệ thì luôn thay đổi, chúng ta cần phải hiểu cốt lõi từ xuất bản truyền thống để ứng dụng chúng”, bà Trần Hoài Phương chia sẻ.

Trong khi đó, TS Trần Chí Đạt (Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) nói các nhà xuất bản đã nhanh chóng thích ứng với những thay đổi do đại dịch Covid-19 gây ra, tận dụng cơ hội để ứng dụng công nghệ vào hoạt động xuất bản.

“Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý các nội dung mà trước đây chỉ dành cho lao động trí tuệ cao như khâu biên tập, cũng đã được một số nhà xuất bản thực hiện”, ông Trần Chí Đạt chia sẻ. Điều này đã mở ra nhiều hướng phát triển mới cho ngành, nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với công tác đào tạo biên tập viên.

Công tác đào tạo cần được đổi mới

Từ ghi nhận thực tiễn, Ths Phạm Văn Phê (Phó trưởng Khoa Xuất Bản, Phát hành tại Đại học Văn hóa) nhận thấy dù sinh viên ngành xuất bản có kiến thức tốt về biên tập, họ vẫn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng lý thuyết vào thực tế. Phần lớn sinh viên ra trường thiếu các kỹ năng cần thiết để bắt tay ngay vào công việc biên tập.

Thực trạng trên cho thấy sự cần thiết của việc đổi mới chương trình đào tạo. Các nhà khoa học và đơn vị làm sách đã thảo luận về việc tái thiết kế môn học, tích hợp các môn để tinh gọn chương trình đào tạo, giúp sinh viên có được cái nhìn toàn diện hơn về quy trình xuất bản.

 Toàn cảnh hội thảo Đào tạo ngành Xuất bản, Phát hành ngày 22/8 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo Đào tạo ngành Xuất bản, Phát hành ngày 22/8 tại Hà Nội.

Một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất là việc thiết kế lại học liệu và các môn học theo mô hình dạy học hỗn hợp, kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Các học liệu này cần được biên soạn nhằm đáp ứng được yêu cầu của xuất bản điện tử, phát huy giá trị của xuất bản truyền thống. Từ đó, sinh viên vừa nắm vững kiến thức cơ bản, vừa có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại vào công việc biên tập.

Ngoài ra, công tác đào tạo cũng cần chú trọng đến việc khai thác bản thảo mở rộng sang các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa, đảm bảo rằng biên tập viên vừa giỏi về kỹ năng biên tập vừa hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực liên quan.

“Mặc dù xuất bản điện tử đang trở thành xu hướng, nhưng việc giữ vững cốt lõi của xuất bản truyền thống vẫn rất quan trọng”, PGS.TS Phạm Thị Thanh Tâm (Viện trưởng Viện Phát triển nhân lực doanh nghiệp; Nguyên Trưởng khoa Xuất bản, Phát hành) nhận định.

Việc đổi mới công tác đào tạo biên tập viên xuất bản điện tử giúp sinh viên nắm bắt được những xu hướng mới và trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để thích ứng với sự thay đổi liên tục của ngành. Nhờ vậy, các cơ sở giảng dạy sẽ góp phần thúc đẩy việc phát triển xuất bản phẩm điện tử chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của độc giả trong kỷ nguyên số.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/lan-song-cong-nghe-dang-dien-ra-cac-bien-tap-vien-se-doi-mat-ra-sao-post1493486.html