Biến tấu những lời ru
Nghiệp viết vốn có một ma lực rất riêng. Ma lực ấy đủ sức xoay vòng, dẫn dắt những cuộc đời 'lỡ' một lần kết duyên với nó; dẫu tưởng đã xa đến muôn trùng vạn dặm thì vẫn có ngày quay trở lại viết đắm đuối, say mê. Nó giống như cái cách mà nhà thơ Lê Quang Sinh đã quyết liệt lao vào những ngã rẽ khác nhưng cuối cùng, bến đỗ vẫn là nghề viết và thơ.
Đọc tập thơ “Lồng lộng xứ Thanh” của nhà thơ Lê Quang Sinh:
Trước khi đảm nhận chức vụ Phó giám đốc Thường trực Bảo tàng Văn học Việt Nam, mấy ai biết được rằng, nhà thơ Lê Quang Sinh từng là sinh viên Khoa Luyện kim, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau tốt nghiệp, ông bén duyên với mảnh đất Sài Gòn khi nhận công tác tại Nhà máy cơ khí 276 thuộc Bộ Thủy lợi rồi chấp nhận rời cơ quan Nhà nước ra ngoài làm kinh tế. Trong muôn vàn lý do, ràng buộc cuộc đời Lê Quang Sinh với thơ, có một phần lớn lao xuất phát từ tình yêu thương sâu sắc mà anh dành cho quê hương và những người thân trong gia đình, bạn bè nơi chôn nhau cắt rốn. Vì nỗi niềm đau đáu khôn nguôi ấy, ngay từ lời mở đầu tập thơ “Lồng lộng xứ Thanh”, nhà thơ đã không thể kìm lòng mà viết nên những tâm sự chân thành, tha thiết: “Tôi có một xứ Thanh cô đọng với nhiều cảm xúc! Nơi đó đã sinh ra tôi, nuôi tôi lớn lên bằng tất cả phù sa của mình. Nơi đó con người, đất đai, sông núi, thiên nhiên, cỏ cây hoa lá... cho tôi bao nhiêu ám ảnh làm nên diện mạo thơ tôi...”. Men theo những nhịp cầu nho nhỏ được khéo léo dựng lên bởi cảm xúc của người sáng tác, bạn đọc lần giở từng trang thơ để cảm nhận một cách chân thực, rõ nét hơn về cội nguồn, gốc rễ đã sinh hạ, nuôi dưỡng hồn thơ Lê Quang Sinh.
“Lồng lộng quê Thanh” là tập thơ thứ 14 được xuất bản của nhà thơ Lê Quang Sinh, gồm 60 bài thơ được chọn lựa trong tất cả những sáng tác suốt gần 40 năm cầm bút với chủ đề xuyên suốt là “miền đất yêu dấu”, quê hương xứ Thanh. Không cầu kỳ, hoa mĩ hay lên gân, lên cốt; bằng ngôn ngữ, giọng điệu thơ ấm áp, chân thành, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị; vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh được khắc họa một cách chân thực, mộc mạc nhưng không kém phần danh giá.
Một “Thanh Kỳ khả ái”, “địa linh nhân kiệt” hiện diện trong tâm trí bạn đọc thông qua những trường liên tưởng, cảm xúc của tác giả gắn với từng địa danh cụ thể. Đó là Tây Đô – dấu tích một kinh thành: “Khuất dưới mùa màng là một vương triều tàn lụi!/ Tôi hỏi đá ngàn năm tuổi/ Vì sao? Vì sao?...”. “Thế triện Lam Kinh” với “những cung điện, đền đài, thành quách.../ Cỏ lên xanh chân cột đã im lìm” như đang thì thầm kể chuyện lịch sử lưu danh: “Lần theo từng viên gạch vỡ/ Khói còn om mặt kẻ đốt thành/ Lam Kinh cháy, đất Lam Kinh không rữa/ Đá hòa trầm ôm thị cùng xanh/ Tôi gặp con rắn nhỏ mào rồng/ Ngỡ hồn Vua Lê về trong sắc cỏ/ Thế đất triện, bốn bề âm âm gió/ Lòng Ức Trai tạc hồn đá Lam Kinh”. “Tứ tuyệt Sầm Sơn” dệt nên bức tranh biển đêm sâu lắng, quyện vào hồn người những rung động dịu êm. Ánh trăng dường như đã trở thành sợi dây kết nối giữa cái mênh mông của biển và sâu sắc của lòng người: “Thả hồn vào biển câu trăng/ Ai đem câu hát làm rằm sang nhau/ Trăng chìm đo biển thẳm sâu/ Tôi ngồi bên sóng vớt sầu hộ đêm” (Câu trăng). Mượn chút rượu nồng để lấy cớ “chơi ngông”, nhà thơ bạo dạn “đem trăng gá trả nợ đời” (Uống rượu đêm). Thế mới thấy, trong cái “bồng bềnh, đắm đuối, nghĩ ngợi” (chữ dùng của Đặng Huy Giang) thường trực, thơ Lê Quang Sinh có lúc cũng táo bạo đến đáng yêu như thế! “Giai điệu Bến En” vang lên trong chiều sâu văn hóa bản địa: “Qua Bến En gặp một nhành nguyệt quốc/ Chập chờn xanh tiếng diệc vỡ sang mùa/ Nấn ná chút câu xường ai bỏ ngỏ/ Mùi xôi còn dấm dứt gốc me chua!/ Em hoang dại cùng núi rừng sơn cước/ Bầy thú hoang in dấu dưới trăng mờ/ Chuyện An Đức, nàng Chiêu còn thổn thức/ Bên đảo chồng, đảo vợ như mơ!”. Và dĩ nhiên rồi, viết về quê Thanh sao có thể thiếu dòng sông Mã kiêu hùng mà lại rất nên thơ: “Sông Mã tạc giữa trời xanh/ Em xuống tắm thế mà lau trổ trắng”...
Với tâm thế của đứa con xa xứ luôn đau đáu ngóng trông về quê nhà nên hoài niệm và nhớ thương là cảm hứng chủ đạo của tập thơ “Lồng lộng quê Thanh”. Vì lẽ đó, vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh không chỉ được khắc họa qua những địa danh nổi tiếng xa gần. Nổi bật hơn tất thảy, những bài thơ viết về những điều tưởng hết sức giản đơn nơi quê nhà, như: “Nghĩa Kỳ”, “Tết quê” (2 bài thơ đoạt giải Nhất Cuộc thi thơ xuyên thế kỷ 1998 - 1999 do Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức), “Bên bến đò làng”, “Sông Bưởi”, “Trường huyện”, “Quê nội”, “Làng anh”, “Bên giàn thiên lý”, “Xin làng trồng lại cây đa” (bài thơ đoạt giải B Cuộc thi thơ báo Văn nghệ chào mừng thiên niên kỷ 1998 – 2000)... Ngần ấy thôi mà khắc khoải cả một đời. Những đứa trẻ sinh ra từ làng, có tuổi thơ đứa nào mà không khắc sâu kỷ niệm về bến đò làng, con sông tắm mát trưa hè oi ả, ngôi trường ngày hai buổi cắp sách tới lớp... Đối với đứa con xa quê như Lê Quang Sinh, sự hoài niệm ấy càng lắng sâu, đau đáu. Có lẽ bởi vậy, khi đọc tập thơ “Lồng lộng xứ Thanh”, bạn đọc sẽ thấy sự trở đi trở lại của cảm xúc nhớ nhung xen chút nuối tiếc. Có khi nỗi nhớ ấy được biểu lộ một cách trực tiếp: “Mấy bận hoa đào khoe thắm đỏ/ Trời Na ủ ấm sắc mai vàng/ Chao ôi, da diết màu nắng lạnh/ Xoan tím vườn bên ấp úng tàn/ Tôi lạc giữa phố người đông đúc/ Hồn lặng về nơi tiếng chân trần/ Tết nay, vắng mẹ ai đãi đỗ/ Bánh có dền không, rượu còn tăm?” (Nhớ). Nhưng nhiều khi, nỗi nhớ náu mình trong những hình ảnh, trường liên tưởng tinh tế: “Em như con chim vui về vườn ổi chín/ Sau bao nhiêu đập cánh rã rời/ Sau bao nhiêu cầu vồng mưa nắng/ Tuột thu rồi cước lạnh lại bầm môi/ Anh thương em như cây cói ngậm phèn/ Cứ đầm xuống để làm xanh, làm mộc!/ Để ổi chín chim về, mỗi khi buồn không khóc/ Tháng chạp tròn như cối lúa quay quay” (Em như con chim vui về vườn ổi chín).
Nhớ về quê hương, xứ sở, đâu có thể tách rời những con người đã làm nên dáng hình ký ức, kỷ niệm. Lê Quang Sinh đã trân trọng dành một phần dung lượng không nhỏ trong tập thơ “Lồng lộng quê Thanh” để gửi gắm tâm sự, trò chuyện, ghi lại kỷ niệm đẹp cùng những người bạn, các văn nghệ sĩ nơi quê nhà của tác giả. Ở đó, ta có thể gặp lại những tên tuổi các nhà thơ, nhà văn, nhà báo tiêu biểu của văn đàn xứ Thanh như: Kiều Vượng (Vẫn biết một ngày anh ra đi), Trịnh Anh Đạt (Rau má về giời), Viên Lan Anh (Người ấy, trở về...), Phạm Hoa (Uống nước chè xanh trên đất Thăng Long), Xuân Ba (Thơ viết bên gốc đào thế)... cùng nhiều bài thơ đề tặng T., T.N, N.,... nào đó, lấp lửng rất riêng tư.
Lê Quang Sinh sinh ra và lớn lên trên vùng đất kinh đô xưa – Vĩnh Lộc. Tuổi thơ được vỗ về trong lời ru ngọt ngào của cha, của mẹ, của các anh bên chiếc võng dây gai trong những trưa hè, những đêm tối trời ngột ngạt. Đường đời muôn nẻo đưa bước chân nhà thơ đến nhiều chân trời, vùng đất mới. Nhưng quê hương vẫn là nỗi niềm vời vợi nhớ thương, đúng như lời trần tình: “Tôi mang theo bên mình sự ủy thác của khúc ru ấy trong suốt cuộc hành trình với nỗi đau đáu và niềm tin của một đứa con xa xứ: “Chắp tay trước núi sông kề/ Trăm năm nhân kiệt lại về địa linh”.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bien-tau-nhung-loi-ru/122448.htm