Biển Tây Phi kiệt quệ sau khi đội tàu cá Trung Quốc đến

Việc đánh bắt quá mức và trái phép của đội tàu cá Trung Quốc làm kiệt quệ nguồn thủy sản ở Sierra Leone, đẩy nhiều ngư dân rơi vào cảnh tuyệt vọng bên mẻ lưới gần như trống rỗng.

Dưới ánh nắng chói chang ban trưa bên bờ biển dài ở Tombo, Sierra Leone, hàng chục chiếc thuyền gỗ sơn thủ công đang cập bến sau một ngày đánh bắt.

Dưới bóng râm ở bến tàu nhộn nhịp, Joseph Fofana - một ngư dân 36 tuổi - đang sửa lại tấm lưới bị rách. Fofana cho biết anh chỉ kiếm được khoảng 4,38 USD sau 14 tiếng lênh đênh giữa biển trên một con tàu “nhồi nhét” với 20 người đàn ông.

“Đây là công việc duy nhất chúng tôi có thể làm”, anh nói. “Đó không phải là lựa chọn của tôi. Chúa đã cưu mang tôi đến đây. Nhưng chúng tôi đang đau khổ”.

Mỗi ngày, khoảng 13.000 chiếc thuyền nhỏ như thuyền của Fofana sẽ xuất phát từ đường bờ biển dài 506 km của Sierra Leone ra khơi đánh cá.

500.000 người trong tổng số gần 8 triệu dân của quốc gia Tây Phi phụ thuộc vào nghề này để kiếm sống. Nghề đánh bắt thủy sản cũng chiếm 12% nền kinh tế Sierra Leone và là nguồn cung cho 80% lượng protein tiêu thụ của người dân nước này.

Nhưng hàng chục ngư dân được Guardian phỏng vấn nói rằng sản lượng khai thác của họ đang sụt giảm nhanh chóng do nạn đánh bắt cá quá mức trên quy mô lớn trong nhiều năm nay.

“Nhiều năm trước, chỉ đứng từ đây, bạn cũng có thể nhìn thấy cá bơi dưới nước, thậm chí có cả những con lớn”, anh Fofana nói. “Thế nhưng, giờ đây không còn nữa. (Chúng tôi) đang thấy ít cá hơn bao giờ hết".

 Những người bán cá tại chợ Tombo, Sierra Leone. Ảnh: Peter Yeung.

Những người bán cá tại chợ Tombo, Sierra Leone. Ảnh: Peter Yeung.

Vơ vét vùng biển Tây Phi

Nhiều ngư dân tại Tombo đổ lỗi cho các đội tàu nước ngoài. Khoảng 40% giấy phép khai thác thủy sản được cấp cho các tàu cá Trung Quốc. Mặc dù chúng hợp pháp, người dân địa phương chỉ ra rằng đội tàu Trung Quốc chỉ phải trả một khoản phí ít ỏi để được cấp phép, trong khi liên tục khai ít hơn mức sản lượng thực mà họ đánh bắt được.

Bên cạnh đó, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng là một vấn đề lớn, gây thiệt hại cho Sierra Leone 50 triệu USD mỗi năm, Tổng thống Julius Maada Bio cho biết vào năm 2018.

Năm 2021, trong một hoạt động chung giữa hải quân Sierra Leone và tổ chức bảo tồn biển Shepherd Global, 5 tàu cá thuộc sở hữu nước ngoài đã bị bắt giữ chỉ trong hai ngày. Trong số đó, hai tàu đánh cá mang cờ Trung Quốc bị phát hiện không có giấy phép.

Theo chỉ số về đánh bắt IUU, Trung Quốc liên tục xếp hạng chót trong 152 quốc gia có bờ biển do vi phạm đánh bắt và để xảy ra nhiều sự cố nhất.

Tệ hơn nữa, những người ở Tombo phản đối việc đánh bắt bất hợp pháp nói rằng họ phải đối mặt với bạo lực từ các thủy thủ đoàn.

Alusine Kargbo, 34 tuổi, cho biết các thuyền viên trên tàu đánh bắt bằng lưới trái phép đã tạt nước sôi vào anh khi anh đối chất với họ về việc đánh bắt cá ở những khu vực cấm.

“Trước đây, những tàu đánh cá bằng lười rà không hoạt động ở trong khu vực của chúng tôi, nhưng giờ thì có”, anh Kargbo nói. “Điều này đã dẫn đến sự khác biệt quá lớn (về sản lượng đánh bắt) so với trước đây. Tôi đang phải vật lộn để nuôi gia đình mình”.

 Alusine Kargbo nói anh bị tạt nước sôi vào người khi đối mặt với một tàu đánh bắt cá trái phép. Ảnh: Peter Yeung.

Alusine Kargbo nói anh bị tạt nước sôi vào người khi đối mặt với một tàu đánh bắt cá trái phép. Ảnh: Peter Yeung.

Nhiều ngư dân đang bị buộc phải đi xa hơn để tìm kiếm cá. Ibrahim Bangura, 47 tuổi, thường ra khơi đến ba ngày để đánh bắt cá ở Đại Tây Dương - một công việc nguy hiểm chết người vào mùa mưa.

Mặc dù có thể mang về nhiều “chiến lợi phẩm" hơn, ông nói rằng khả năng xảy ra xung đột với những đội tàu cá Trung Quốc rất cao.

“Họ phá rối tôi, cố ý làm rác mắc vào luới của tôi. Và nếu bạn cố gắng ngăn cản họ, họ sẽ đánh bạn”, Bangura nói.

Trên khắp Tây Phi, đánh bắt trái phép đang tàn phá các hệ sinh thái biển và phá hoại nghề cá địa phương, vốn là nguồn cung cấp việc làm và an ninh lương thực quan trọng tại nhiều quốc gia.

Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy Sierra Leone, Senegal, Mauritania, Gambia, Guinea-Bissau và Guinea thiệt hại 2,3 tỷ USD mỗi năm bởi các vụ đánh bắt IUU. Số lượng đánh bắt trái phép thậm chí còn gần bằng 65% sản lượng khai thác được báo cáo hợp pháp.

Người dân Sierra Leone đang chết đói

Một số chuyên gia cảnh báo rằng các cộng đồng ven biển của Sierra Leone đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc từ việc khai thác thủy sản quá mức và bất hợp pháp.

“Các đội tàu Trung Quốc đã thu lợi từ nghề cá trong suốt 30 năm và tác động lên nguồn thủy sản là rất khủng khiếp”, Stephen Akester, cố vấn của Bộ Thủy sản và Tài nguyên biển Sierra Leone, cho biết. “Nguồn thủy sản đang cạn kiệt, ngư dân khốn khổ, các gia đình chết đói. Nhiều người chỉ có thể ăn một bữa mỗi ngày".

Theo Liên Hợp Quốc, sự sụp đổ của ngành thủy sản trên toàn thế giới sẽ phá hủy sinh kế của khoảng 10% dân số và ảnh hưởng xấu đến khoảng 3 tỷ người vì họ dựa vào thủy hải sản để làm nguồn đạm chính.

“Hãy tưởng tượng họ làm việc trong nhiều tuần và không thể kiếm được thức ăn. Họ ngập trong nợ nần. Họ đi ngủ với cơn đói khát”, Woody Backie Koroma thuộc Hiệp hội ngư dân Sierra Leone nói.

 Một ngư dân đang sửa chữa thuyền gỗ tại bến tàu Tombo. Ảnh: Peter Yeung.

Một ngư dân đang sửa chữa thuyền gỗ tại bến tàu Tombo. Ảnh: Peter Yeung.

Koroma cho biết vào năm ngoái, một ngư dân mắc nợ ở Tombo đã tự sát sau khi thuyền của anh bị chính quyền địa phương tịch thu.

Một số hoạt động để quản lý lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản đã được triển khai, bao gồm thiết lập khu vực cấm khai thác công nghiệp trong phạm vi 6 hải lý gần bờ, lắp đặt thiết bị theo dõi trên các tàu đánh cá công nghiệp và thành lập hiệp hội đánh cá cộng đồng để thúc đẩy tính bền vững. Nhưng cho đến nay, ảnh hưởng của biện pháp này còn hạn chế do những thách thức về chính sách và kinh phí, theo các quan chức.

“Chúng tôi nhận được rất nhiều báo cáo và thông tin tình báo về việc đánh bắt bất hợp pháp. Nhưng rất khó để chứng thực. Các tàu đánh cá trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm”, Abbas Kamara, một quan chức tại Bộ Thủy sản của Tombo cho biết.

“Cá rất quan trọng đối với Tombo. Đó là nguồn sống của người dân. Nhưng giờ đây, cá đang ‘chảy về' phía người Trung Quốc”, Kamara nói thêm.

Amara Kalone tại Tổ chức Công lý Môi trường, một tổ chức chuyên theo dõi các tàu nước ngoài ở Sierra Leone, cho biết nhiều đội tàu đang điều chỉnh chiến thuật để tránh các lệnh hạn chế đánh bắt công nghiệp.

“Các tàu đang sử dụng lưới đánh cá sợi monofilament rất khó theo dõi”, ông nói.

Theo Salieu Sankoh, điều phối viên Chương trình Nghề cá Khu vực Tây Phi ở Sierra Leone, mối lo ngại lớn khác là sự gia tăng của các đội tàu nước ngoài, như Guinea và Liberia, ở bãi đẻ của cá. Việc đánh bắt cá con làm suy yếu và dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng các quần thể cá.

Ở Tombo, khi bầu trời chuyển sang màu cam trên bán đảo phía tây Sierra Leone và đại dương trở nên tĩnh lặng một cách bất thường, cảm giác tuyệt vọng ngày càng dâng lên đối với nhiều ngư dân đánh bắt cá truyền thống.

"Tôi cảm thấy như mình đang chết đuối", Ali Mamy Koroma, một ngư dân 40 tuổi có hai vợ và 6 con, đã phải vay hơn 87 USD để trả các hóa đơn. “Nhưng tôi không biết bơi. Không có cách nào để thoát ra khỏi nỗi khốn khổ này".

Minh An

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-tay-phi-kiet-que-sau-khi-doi-tau-ca-trung-quoc-den-post1294376.html