Biến thách thức an ninh mạng thành cơ hội, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước

Ngày 16/7, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm 2024. Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Sau gần 1 năm được thành lập, bước đầu Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã thu được những kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tuân thủ của người dân đối với pháp luật về an ninh mạng, về bảo vệ dữ liệu cá nhân (DLCN); nâng cao cảnh giác, năng lực tự bảo vệ của người dân trước phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Đến nay, các vấn đề về tổ chức, nhân sự, nơi làm việc của văn phòng Hiệp hội, chương trình, quy chế, quy định của Hiệp hội cơ bản đã hình thành, ổn định; hoàn thiện phần mềm phòng, chống lừa đảo cho người dân; tổ chức thành công chuỗi sự kiện, hội thảo “Ứng phó trước làn sóng tấn công mạng", "Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng" tạo lan tỏa tốt; tích cực ứng cứu các sự cố tấn công mạng.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Lương Tam Quang đánh giá cao và chúc mừng những kết quả bước đầu đạt được của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực của toàn thể các thành viên ban chấp hành hiệp hội, đưa Hiệp hội hoạt động ngày càng nề nếp, hiệu quả.

Về phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cần thống nhất nhận thức về thực trạng an ninh mạng, sứ mệnh của Hiệp hội an ninh mạng, hun đúc ý chí, quyết tâm biến thách thức an ninh mạng thành cơ hội phát triển của mỗi tổ chức, cá nhân, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh quyết tâm biến thách thức an ninh mạng thành cơ hội phát triển của mỗi tổ chức, cá nhân, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh quyết tâm biến thách thức an ninh mạng thành cơ hội phát triển của mỗi tổ chức, cá nhân, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, an ninh mạng đang đứng trước nhiều thách thức, trong khi tại Việt Nam, thị trường an ninh mạng mới hình thành, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường còn hạn chế, chưa làm chủ, tự chủ được sản phẩm, dịch vụ, công nghệ an ninh mạng lõi, nguồn. Thực trạng an ninh mạng, thực trạng thị trường an ninh mạng Việt Nam vừa đặt ra thách thức, đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới. Sứ mệnh của Hiệp hội an ninh mạng quốc gia là phải tận dụng tối đa cơ hội, kiến tạo thành công nền công nghiệp an ninh mạng Việt Nam; hình thành thị trường an ninh mạng có giá trị cao trên bản đồ quốc tế; tạo ra những tập đoàn, công ty có năng lực mạnh về an ninh mạng được thế giới công nhận; tự chủ, tự cường về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; không chỉ tạo ra lợi nhuận kinh tế, bảo vệ lợi ích các thành viên, mà trở thành động lực chính cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Lương Tam Quang tặng quà lưu niệm các tổ chức doanh nghiệp đồng hành cùngHiệp hội.

Bộ trưởng Lương Tam Quang tặng quà lưu niệm các tổ chức doanh nghiệp đồng hành cùngHiệp hội.

“Hiệp hội phải thực sự trở thành nơi tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ và những doanh nghiệp hàng đầu về an ninh mạng quốc gia. Sứ mệnh lớn sẽ tạo ra cơ hội lớn, không chỉ dẫn dắt doanh nghiệp của Hiệp hội đi xa hơn, cao hơn, mà còn góp phần thực hiện ước vọng đưa quốc gia phát triển hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu”- Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cần có lộ trình khẩn trương bắt tay thực hiện ngay những vấn đề thuộc về sứ mệnh của Hiệp hội. Trong đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể với tinh thần đoàn kết, chung tay giải quyết hiệu quả thách thức từ không gian mạng. Trọng tâm là 2 chiến lược của Hiệp hội về phát triển công nghiệp an ninh mạng, tự chủ, tự cường về sản phẩm, dịch vụ, công nghệ an ninh mạng thiết yếu; về cung cấp sản phẩm, dịch vụ, thiết bị, nhân lực bảo vệ hệ thống mạng thông tin quốc gia; sớm hình thành cơ chế trong Hiệp hội để huy động trí tuệ tập thể, những chuyên gia giỏi tham gia bảo đảm an ninh mạng quốc gia; cơ chế phối hợp, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động sử dụng không gian mạng gây mất an ninh, trật tự và thực hiện hành vi phạm tội; có định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, trước mắt đáp ứng yêu cầu trong nước, hướng tới sớm xuất khẩu ra nước ngoài; tổ chức xúc tiến sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng Việt Nam ra nước ngoài.

Bộ trưởng Lương Tam Quang đồng thời lưu ý các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của Hiệp hội chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng luật, chính sách, công nghệ, lan tỏa kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh mạng; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ đã cho hoạt động của các doanh nghiệp an ninh mạng và phát triển công nghiệp an ninh mạng quốc gia. Tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số, hình thành công dân số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính phủ điện tử mà Bộ Công an cũng đang đi đầu đóng góp, trước mắt là kịp thời tư vấn, cố vấn cho Ban chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia, cho Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng…

Cùng ngày tại Hà Nội, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Hội thảo An ninh dữ liệu trên không gian mạng. Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chủ trì hội thảo.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tại hội thảo.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, tình trạng lộ DLCN đang diễn ra rất phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ DLCN, đăng tải công khai hoặc bị lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh, hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt, đăng tải công khai.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, nhiều hành vi mua bán DLCN chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật. Hiện có nhiều doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ thu thập DLCN của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin DLCN nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để cho đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Nhiều doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán...

Thời gian gần đây, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán DLCN. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn đã bị phát hiện, xử lý. Số lượng DLCN bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn gigabyte dữ liệu, trong đó có nhiều DLCN nội bộ, nhạy cảm.

"Năm 2023, Bộ Công an đã chủ động phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng", Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về chính sách bảo đảm an ninh dữ liệu, bảo vệ DLCN dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, các cơ quan quản lý nhà nước trong và ngoài nước, kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp và kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật đối với công tác bảo vệ DLCN của Việt Nam.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/lanh-dao-bo-cong-an/bien-thach-thuc-an-ninh-mang-thanh-co-hoi-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-i737576/