Biến thách thức thành cơ hội

Theo ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh: Biến động thị trường bởi ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) khiến nhiều loại nông sản tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể thì đây cũng là cơ hội để sản xuất nông nghiệp nhìn lại và có những bước chuyển dịch hợp lý, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Người dân thành phố Lào Cai lựa chọn các loại nông sản của tỉnh tại các cửa hàng thực phẩm.

Người dân thành phố Lào Cai lựa chọn các loại nông sản của tỉnh tại các cửa hàng thực phẩm.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, mà hệ lụy kéo theo là những tác động tiêu cực đến các hoạt động giao dịch hàng hóa, nhất là nông sản. Với đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu và lối mở, Lào Cai là địa phương có nhiều hoạt động thương mại với phía Trung Quốc. Nhiều loại nông sản của Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc và ngược lại. Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều nguy cơ lan rộng, hoạt động giao thương đình trệ, một số nhà máy phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động khiến một số mặt hàng của Việt Nam không thể xuất khẩu.

Những ngày này, người trồng dứa và chuối của huyện biên giới Mường Khương như ngồi trên đống lửa. Những quả dứa trên nương đã to bằng nắm tay và bắt đầu mở mắt. Hằng năm, cứ độ này là thương lái Trung Quốc sẽ đến đặt hàng, chọn mua từng nương dứa và người dân nhận tiền đặt cọc, rồi cứ thế chăm sóc, đợi ngày quả chín, nhưng năm nay vẫn “bặt vô âm tín”. Hầu hết sản phẩm từ chuối, dứa của Mường Khương được người dân bán cho tiểu thương Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Anh Vương Văn Cương (thôn Na Nhung, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) ngao ngán: Tình hình chung như thế nên chẳng biết phải làm gì ngoài thở dài chờ đợi. Cũng sắp vào vụ dứa rồi, mọi năm bán cả nương, còn năm nay nếu cứ thế này chắc phải bán lẻ để gỡ vốn. Bây giờ tôi chỉ mong có công ty trong nước tiêu thụ quả dứa cho bà con.

Ngoài chuối và dứa, Lào Cai còn một số nông sản chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc như quế, thảo quả, sa nhân. Ở chiều ngược lại, Lào Cai cũng là cửa ngõ, mỗi ngày có hàng trăm tấn nông sản từ Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai để phục vụ thị trường trong nước. Theo ông Vương Tiến Sỹ, việc giao thương ngừng trệ nên dự báo thời gian tới, các tỉnh miền xuôi sẽ thiếu hụt lượng lớn rau, củ, quả. Sự hạn chế trong giao thương với Trung Quốc cũng khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm đối tác là các nước khác, các khu vực khác trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nội tiêu để giải quyết nông sản dư thừa.

Dù nhiều loại nông sản bị ảnh hưởng, ngành nông nghiệp bị “tổn thương” nhưng đây cũng là cơ hội cho nông dân. Nông dân buộc phải sản xuất theo chuỗi, liên kết với các doanh nghiệp, sản xuất theo các tiêu chuẩn nhất định để tìm kiếm thị trường và tự cứu lấy mình. “Việc giảm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ phía Trung Quốc đồng nghĩa với việc giảm sức cạnh tranh đối với các mặt hàng trong nước, thị trường rộng mở hơn, người dân Lào Cai có thể dựa vào đó để sản xuất các sản phẩm mà thị trường cần. Hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, các siêu thị lớn như BigC, Co.opmart cũng đã đặt hàng các loại rau, củ, quả và chúng tôi sẽ tận dụng và khai thác để tạo mối liên kết sản xuất về lâu dài trong tương lai” - ông Sỹ cho biết.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, dịch Covid-19 tại Trung Quốc có thể còn kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của hai bên. Trong bối cảnh đó sẽ có những sản phẩm nông nghiệp dư thừa và có những sản phẩm trở nên khan hiếm, thiếu hụt. Ngành nông nghiệp đã có phương án mở rộng diện tích sản xuất rau xanh và tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng. Cụ thể, nhu cầu sử dụng rau xanh trên địa bàn tỉnh là khoảng 7 nghìn tấn/tháng, diện tích sản xuất chuyên canh khoảng 600 ha. Do vậy, các huyện tăng cường chỉ đạo mở rộng diện tích rau xanh tập trung tại các vùng chuyên canh rau, ruộng 1 vụ vùng cao. Khuyến khích người dân tận dụng các diện tích đất gần nhà để sản xuất, phục vụ nhu cầu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên sử dụng các giống rau ngắn ngày, rau bản địa; tiếp tục phát triển chăn nuôi đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Đồng thời, các địa phương chủ động mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như chuối, dứa, chè... và đẩy mạnh, mở rộng thị trường nội tiêu nhằm hạn chế các sản phẩm dư thừa.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-z3n20200218145824028.htm