Cơ hội và thử thách

Với trên 14,7 triệu ha, tỷ lệ che phủ 42,02%, rừng Việt Nam đang trở thành bể chứa carbon quan trọng, giúp cân bằng lượng phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn nhờ trữ lượng carbon rừng Việt Nam dao động từ khoảng 1-19 tấn/ha, cá biệt đến hơn 150 tấn/ha ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và thu về hàng trăm triệu USD. Chưa kể, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng tạo nguồn tín chỉ carbon từ các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, chất thải...

Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về những lợi ích giảm phát thải nhà kính mang lại, hướng tới sản xuất xanh để phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về những lợi ích giảm phát thải nhà kính mang lại, hướng tới sản xuất xanh để phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Điều này cho thấy Việt Nam đang có một nguồn tài nguyên mới rất giàu tiềm năng. Tuy nhiên, hành trình để thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam có thể hoạt động thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028 sẽ có không ít gian nan.

Tín chỉ Carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển. Mục tiêu của việc tạo ra tín chỉ carbon nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác, giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Hiện, trên thế giới có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn carbon tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Việt Nam đã bước đầu tham gia thị trường carbon bắt buộc thông qua một số chương trình, dự án, thỏa thuận giảm phát thải, trong đó có thể kể đến Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10/2020, với cam kết Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon cho WB, đơn giá 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị 51,5 triệu USD.

Tiếp đó là Thỏa thuận giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026 giữa Việt Nam với Emergent - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) vào tháng 10/2021, với cam kết Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon đơn giá 10 USD/1 tấn, tổng giá trị 51,5 triệu USD.

Đây được xem là dấu mốc đưa carbon rừng Việt Nam tiến vào thị trường bắt buộc, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ở thị trường tự nguyện, mặt hàng carbon rừng cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc dù mới ở giai đoạn thăm dò, nghiên cứu khả thi hoặc xây dựng đề án, dự án. Từ năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; đồng thời, kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hình thành và phát triển thị trường carbon, Việt Nam cần tập trung xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, lộ trình giảm phát thải cho từng ngành.

Chính phủ cần xây dựng các khung pháp lý nhằm giúp các địa phương cũng như các chủ rừng có thể chủ động và xây dựng các dự án đàm phán chuyển nhượng carbon. Đồng thời, xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở phát thải...

Trước áp lực 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã ban hành thuế carbon, với mức thuế từ 1 đến 137 USD/tấn carbon, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về những lợi ích giảm phát thải nhà kính mang lại, hướng tới sản xuất xanh để phát triển bền vững.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-hoi-va-thu-thach-post477854.html