Biến thách thức từ COVID-19 thành cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế
Việt Nam 'không được để lỡ cuộc khủng hoảng do dịch', bên cạnh giải quyết mục tiêu tăng trưởng trước mắt cần tranh thủ tốt hơn việc đẩy nhanh tái cấu trúc, thúc đẩy những cải cách cơ bản của nền kinh tế.
Đây là một nội dung quan trọng được các chuyên gia trao đổi, thống nhất tại buổi Tọa đàm Công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội.
2 kịch bản tăng trưởng dựa trên diễn biến dịch
Báo cáo VEPR phân tích Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn có được tăng trưởng dương dù khiêm tốn, sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguy cơ đại dịch có thể bùng mạnh trở lại vào mùa thu đông sẽ gây nhiều bất lợi nặng nề cho sản xuất và kinh doanh toàn cầu, ảnh hưởng này có thể còn kéo sang năm 2021.
VEPR cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khả năng chống dịch trên thế giới và việc kiểm soát dịch bệnh trong nước. Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong môi trường kinh tế thế giới đầy bất trắc. Bên cạnh đó là những điểm yếu và rủi ro nội tại của nền kinh tế vẫn còn.
Với tình hình dịch bệnh và các biện pháp phục hồi kinh tế được đưa ra có thể Việt Nam phải chấp nhận bội chi ngân sách sẽ tăng, nợ công cũng sẽ tăng bao gồm cả tỷ lệ nợ công/GDP lẫn tỉ lệ nợ công/ thu ngân sách.
Theo ông Phạm Thế Anh – Trưởng nhóm nghiên cứu của VEPR, bên cạnh những tác động tiêu cực từ dịch bệnh thì là những hạn chế sẽ tiếp tục khiến cho nền kinh tế gặp khó như: thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; hiệu quả đầu tư công; chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh vẫn còn thấp, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa đủ nhanh…
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh lưu ý một số nguy cơ, trong đó rõ nhất là về thương mại. Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và chúng ta chắc chắn bị “vạ lây”.
VEPR đưa ra 2 kịch bản dự báo và có điểm chung là dựa trên lòng tin rằng dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2020.
Cụ thể, ở kịch bản tốt, nếu dịch bệnh được khống chế ổn định, hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường, bệnh dịch có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia và mức độ tác động của COVID–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với hiện tại, thì kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6-2,8% trong cả năm 2020.
“Khả năng cao là kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra theo kịch bản này”, chuyên gia Phạm Thế Anh dự báo.
Trong kịch bản bất lợi hơn, đó là dù dịch trong nước vẫn được khống chế, hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường nhưng dịch bệnh trên thế giới xấu đi, bùng phát mạnh ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa thì kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8-2,0%.
Ở kịch bản bất lợi này, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu. Khi đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng giảm động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.
Khó khăn là thời cơ đẩy mạnh tái cơ cấu
VEPR cho rằng cần kiên định với mục tiêu kép, tiếp tục có thêm chính sách và giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kéo dài các gói hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư công…
Về chính sách tiền tệ, ông Phạm Thế Anh đánh giá cao việc từ đầu năm tới hết tháng 9 năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần hạ các lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai.
“Tuy nhiên, do nguồn lực hạn hẹp, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỉ giá, Việt Nam khó có thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn”, ông Phạm Thế Anh nêu quan điểm.
Khi trả lời về vấn đề thao túng tiền tệ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, những cáo buộc của Hoa Kỳ về việc thao túng tiền tệ chưa đủ cơ sở.
“Chắc chắn Chính phủ Việt Nam, NHNN đã và đang chủ động tích cực làm việc, đối thoại với đối tác Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề, các chuyên gia kinh tế cũng sẽ tích cực tham gia thông qua các kênh đóng góp ý kiến”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.
Đại diện VEPR và các chuyên gia khuyến nghị ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm mọi gánh nặng có thể cho doanh nghiệp (DN) như miễn giảm lãi vay, tiền thuê đất, cắt giảm kinh phí công đoàn (từ 2% quỹ lương xuống còn 1% ). Bên cạnh đó là các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu, phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại khi phải đứng trước quá nhiều khó khăn phát sinh, các nhà hoạch định chính sách sẽ "bối rối" khi phải chịu nhiều sức ép từ các luồng dư luận khác nhau, bao gồm cả mạng xã hội, dẫn đến rủi ro về một số chính sách thiên theo hướng "dân túy".
Chuyên gia Phạm Thế Anh nhấn mạnh, dù đang rất khó khăn trong đại dịch, phải thực hiện nhiều biện pháp để phục hồi kinh tế nhưng lúc này không nên lãng quên cải cách, cần tiếp tục các cải cách cơ bản để tạo nên động năng cho thời gian tới.
Các chuyên gia có cùng quan điểm của Chính phủ là việc hỗ trợ không dàn trải mà cần có sự chọn lọc, hướng tới các DN có khả năng phát triển trong tương lai, phù hợp với các xu hướng phát triển mới, hướng sự hỗ trợ tới những ngành nghề, có công nghệ, phát triển chuyển đổi số một cách thực chất.
“Cần hạn chế tối đa các chính sách tài khóa như giảm thuế vì gây mất cân đối ngân sách rất lớn, đồng thời chưa chắc các toàn bộ các DN xứng đáng để hỗ trợ”, chuyên gia Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh, trong khó khăn có những cơ hội. Việt Nam “không được để lỡ cuộc khủng hoảng do dịch”, bên cạnh giải quyết những mục tiêu trước mắt cần tranh thủ đẩy nhanh tái cấu trúc kinh tế, thúc đẩy những cải cách cơ bản của nền kinh tế, như thúc đẩy cổ phần hóa, đầu tư tư nhân hiệu quả… Cuộc khủng hoảng khó khăn “cuốn trôi” nhanh hơn những mô hình cũ, không còn phù hợp, có những DN sớm hay muộn cũng phải thay đổi hoặc “ra đi”. Do đó, nếu vội vàng tung ra các “gói cứu trợ” không đúng địa chỉ, vô hình trung gây lãng phí trong việc phân bổ, lấy nguồn lực từ nơi hiệu quả sang nơi kém hơn.
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, các chuyên gia vẫn khuyến nghị phải duy trì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trước tiên, bảo đảm kiểm soát nợ công, cân đối ngân sách.