'Biến' thân chuối thành sản phẩm xuất khẩu

Trước đây, thân cây chuối sau khi thu hoạch buồng thường chỉ dùng số lượng ít làm thức ăn chăn nuôi, còn lại là bỏ đi nhưng từ đầu năm 2024, Tổ nghề nghiệp trồng chuối tiêu hồng xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên) đã thí điểm thành công sơ chế thành sợi tơ xuất khẩu.

Năm 2023, gia đình đưa cây chuối tiêu hồng vào trồng trên 1 ha đất nương đồi trồng sắn. Tháng 5/2024, chuối bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài nguồn thu chính từ bán quả chuối được gần 100 triệu đồng, gia đình tôi còn bán được 7,5 tấn thân cây chuối, thu về hơn 2 triệu đồng.

Anh Hoàng Văn Hiền ở thôn 2 Nhai Thổ, xã Kim Sơn.

Với các máy chuyên dụng, thân cây chuối được tách bẹ và đưa vào máy ép xé sợi, sau đó phơi khô tạo sợi thô phục vụ ngành dệt may, làm giấy...

Việc sản xuất sợi từ thân cây chuối được Tổ nghề nghiệp trồng chuối tiêu hồng xã Kim Sơn thí điểm thực hiện từ tháng 5/2024. Qua đánh giá bước đầu với 9 tấn thân chuối, cơ sở đã chế biến thu được 74 kg sợi khô, giá bán 90.000 đồng/kg, thu về hơn 6,5 triệu đồng. Từ kết quả trên, vụ này cơ sở sẽ mở rộng vùng thu mua nguyên liệu, chế biến đạt công suất máy. Đây là hướng đi mới giúp gia tăng giá trị từ cây chuối, mang lại thu nhập cho các thành viên và người trồng chuối.

Sau khi thân chuối được thu gom về sẽ đem bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại thành bó để bán cho đơn vị liên kết.

Anh Lương Văn Ngọc, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng chuối tiêu hồng xã Kim Sơn.

Thực hiện Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 2022 - 2025, huyện Bảo Yên quy hoạch vùng nguyên liệu chuối tại 3 xã Kim Sơn, Xuân Hòa, Tân Dương. Tham gia dự án, hộ dân được hỗ trợ 100% cây giống, 50% chi phí túi bao buồng và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông (tỉnh Phú Thọ) liên kết bao tiêu với giá ổn định (5.000 đồng/kg chuối loại A, 3.000 đồng/kg chuối loại B).

Ngoài tiêu thụ 100% sản phẩm quả chuối cho các hộ, đơn vị liên kết còn tập huấn kỹ thuật cho Tổ nghề nghiệp trồng chuối tiêu hồng xã Kim Sơn, đồng thời cho mượn máy tuốt sợi, máy chẻ thân, chuyển giao kỹ thuật tuốt sợi, tập huấn kỹ thuật bện sợi và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sợi chuối cho bà con. Trong tháng 7 này, đơn vị tiếp tục hỗ trợ máy tuốt sợi cho xã Xuân Hòa.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trung bình 1 ha chuối sau thu hoạch buồng cho 30 - 40 tấn thân, giá bán khoảng 300.000 đồng/tấn, như vậy người trồng chuối có thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng/ha. Trung bình 1 tấn thân cây chuối tươi sơ chế được khoảng 10 - 12 kg sợi tơ chuối thô (giá bán hiện tại là 90.000 đồng/kg), khoảng 100 - 120 kg bã, 300 lít dịch chuối, phụ phẩm bã chuối ủ làm phân hữu cơ hoặc bán cho cơ sở trồng nấm (giá bã khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kg). Người dân cũng có thể tham gia bện sợi để tăng thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: Trước đây, người trồng chuối mất chi phí thuê nhân công đốn hạ, tiêu hủy thân chuối sau thu hoạch. Nhưng nay, việc chế biến sợi tơ từ thân cây chuối đã mang lại lợi ích kép cho người dân: Vừa giải quyết được việc thu dọn nương ruộng để canh tác vụ mới, vừa nâng cao thu nhập. Sợi chuối thô khi nhập về sẽ được hợp tác xã đưa vào máy quay sợi, tiếp đó được tết lại thành những sợi thừng lớn, nhỏ và nhuộm màu để xuất khẩu.

Sợi chuối nhẹ hơn sợi từ tre, nứa và có tính chịu nước tốt, tuổi thọ cao nên được sử dụng để sản xuất từ đồ thủ công mỹ nghệ, làm giấy in tiền, giấy gói hàng cho đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền…

Kim Thoa - Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bien-than-chuoi-thanh-san-pham-xuat-khau-post387936.html