Biến thể Delta đang đe dọa đảo ngược thành quả chống Covid-19 của thế giới

Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 đang có dấu hiệu chậm lại khi số ca nhiễm mới trên toàn cầu ở mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.

 Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP

Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo biến thể Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh đang gây ra các làn sóng lây nhiễm mới ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vaccine Covid-19 ở mức cao. Giới chuyên gia cũng khuyến cáo các nước cần tăng tốc chiến dịch tiêm chủng để kiềm chế dịch bệnh.

Biến thể Delta đang lây lan chóng mặt

Ngày 25/6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nhiều nước trên thế giới đang lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay.

Biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và lây lan nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á này trong tháng 4/2021. Theo báo cáo của WHO, biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Hiện số ca mắc Covid-19 mới đang gia tăng trở lại ở Nga, Australia, Israel và ở nhiều khu vực tại châu Phi, và một phần là do biến thể Delta. Nhiều nước khác cũng đang lo ngại dịch Covid-19 sẽ tái bùng phát trở lại.

Biến thể Delta được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn 40-60% so với biến thể Alpha, biến thể mà cũng được cho là có thể lây nhiễm nhanh hơn so với chủng ban đầu gây ra làn sóng dịch Covid-19.

Tại Mỹ, số liệu công bố tuần trước cho thấy 35% số ca bệnh mới là nhiễm biến thể Delta, tăng từ khoảng 10% ghi nhận vào ngày 5/6. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Israel. Ở châu Âu, tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể Delta đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và hiện chiếm đến 95% tổng số ca mắc mới.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính số ca mắc biến thể Delta có thể chiếm đến 70% số ca bệnh mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 8 tới, và lên đến 90% vào cuối tháng đó.

Các nhà nghiên cứu tại Pháp ước tính tỷ lệ nhiễm biến thể Delta tại nước này sẽ cao hơn từ 50 - 80% so với các biến thể virus khác.

“Chìa khóa” để ngăn chặn biến thể Delta

Cho rằng biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với những nỗ lực kiểm chế dịch bệnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci hôm thứ Ba kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.

 Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci vừa kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Ảnh: AFP

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci vừa kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Ảnh: AFP

Theo số liệu nghiên cứu của chính phủ Anh, nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%.

Thông báo y tế công cộng từ ECDC cho biết: “Một liều vaccine là không đủ, chúng ta cần phải tiêm đủ liều để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất”.

Do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, các chuyên gia nói rằng các nước cần phải tiêm chủng cho hơn 80% dân số mới có thể ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19. Điều này sẽ là thách thức ngay cả đối với các quốc gia đang có tốc độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, WHO ngày 25/6 kêu gọi những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và thực hành các biện pháp an toàn chống dịch Covid-19 trong bối cảnh biến thể Delta đang “thống trị” trên toàn cầu.

“Mọi người không được cảm thấy an toàn chỉ bởi đã tiêm 2 liều vaccine. Họ vẫn cần tự bảo vệ mình" - Tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý Tổng giám đốc WHO về quyền tiếp cận dược phẩm và các sản phẩm y tế, cho biết tại cuộc họp báo hôm 25/6 ở Geneva, Thụy Sĩ.

Tại châu Âu, ECDC cảnh báo rằng, nếu các nước tiếp tục nới lỏng biện pháp hạn chế sẽ dẫn đến việc tăng đột biến số ca nhiễm mới ở mọi nhóm tuổi. “Quyết định nới lỏng biện pháp ngăn dịch có nguy cơ làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong, có thể nghiêm trọng như đợt bùng phát dịch vào mùa thu năm 2020” - ECDC cho hay.

Trước nguy cơ tái bùng phát làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta, một số nước như Israel và Australia, đã thông báo tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Tờ Wall Street Journal ngày 25/6 đưa tin, khoảng một nửa số người lớn bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát biến thể Delta ở Israel đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine Pfizer-BioNTech.

Chính phủ Israel đã phải ra quy định lại bắt buộc đeo khẩu trang trong các không gian công cộng kín cùng các biện pháp khác. Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett khẳng định: "Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là ngăn chặn đại dịch Covid-19".

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bien-the-delta-dang-de-doa-dao-nguoc-thanh-qua-chong-covid-19-cua-the-gioi-425055.html