Biến thế mạnh, tiềm năng của tỉnh thành động lực tăng trưởng (*)

… Sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản nhất trí, thống nhất với những đánh giá, nhận định về kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2021; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu điều hành dự toán ngân sách địa phương 6 tháng cuối năm 2021 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của Tỉnh ủy.

Đồng thời, nhất trí thông qua các báo cáo và ban hành nghị quyết chuyên đề và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh:

Một là, Nghị quyết về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025.

Hai là, Nghị quyết về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ba là, Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bốn là, Nghị quyết về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực canh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Năm là, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

… 6 tháng đầu năm 2021, trong điều kiện cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống của nhân dân; song với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng đạt 3,65% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 5.059,5 tỷ đồng, đạt 51,44% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 6.153,69 tỷ đồng, đạt 42,38% so với kế hoạch và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm mới cho 4.475 lao động, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đến nay tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch được duy trì và tổ chức phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện kịp thời; an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền lãnh thổ giữ vững; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của UBND các cấp có chuyển biến tích cực; hoạt động của HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh được thực hiện theo đúng quy định; MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò, thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động; khối đoàn kết các dân tộc, sự đồng thuận trong xã hội tiếp tục được củng cố và phát huy rõ nét.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cả nước và các địa phương trong khu vực, có nguy cơ không đạt mục tiêu cả năm đã đề ra; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tiến độ một số dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh còn chậm; một số dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án thủy điện, bất động sản, dự án trồng mắc ca tiếp tục chậm tiến độ dù đã được đôn đốc; công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, khoáng sản tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh dù được quan tâm, cải thiện song chuyển biến chưa rõ nét; việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là diện tích đất rừng còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút, triển khai các dự án nông, lâm nghiệp; số lao động bị không có việc làm, hoặc tạm nghỉ việc tăng cao do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19; đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tội phạm về mua bán ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, tội phạm trật tự an toàn xã hội gia tăng; tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp vẫn xảy ra.

Vì vậy, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém, tồn đọng, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, khó khăn nảy sinh, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra; trọng tâm là thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội nhằm phục hồi và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị năm 2021.

Các nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo của Tỉnh ủy, báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã xác định rõ. Tuy nhiên, để thực hiện thành công trước hết phải có sự quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của từng đồng chí trong BCH, của cả hệ thống chính trị đúng như câu ngạn ngữ “có đi mới đến”. Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội để đảm bảo khả thi và phấn đấu ở mức tối thiểu bằng với chỉ tiêu năm 2021, kể cả trong trường hợp dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp; trong chỉ đạo thực hiện phải xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; giải ngân vốn đầu tư công gắn với tiến độ từng dự án cần được thúc đẩy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và đảm bảo chất lượng. Rà soát, loại bỏ, thu hẹp quy mô các dự án chưa thật sự cấp bách, chậm tiến độ; các sở, ban, ngành, cấp ủy chính quyền các cấp quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm sớm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Điện Biên, biến thế mạnh, tiềm năng của tỉnh thành động lực tăng trưởng và thu ngân sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương cần kiên định, kiên trì cùng nhà đầu tư phát triển các dự án trồng Mắc Ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân thông qua Hợp tác xã, trong đó “lấy người dân làm trung tâm”. Căn cứ vào nguồn lực hiện có, Đảng đoàn HĐND tỉnh phối hợp với BCS Đảng UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người dân phát triển vườn Mắc Ca, các dự án cây ăn quả, cây lâm nghiệp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các ngành, lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự đô thị, tài nguyên môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, sớm nâng cấp lối mở A Pa Chải thành cửa khẩu song phương Việt Nam - Trung Quốc; công tác phòng chống tội phạm ma túy cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng, tổ chức, đường dây buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng ma túy với số lượng lớn đang có dấu hiệu gia tăng qua địa bàn tỉnh Điện Biên, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cần được quan tâm thực chất hơn, bền vững hơn, gắn với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách của tỉnh, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ cơ bản người dân được sử dụng điện sinh hoạt theo chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra.

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 7/5/2021 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Chú trọng công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là các thôn bản có số lượng đảng viên mỏng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, trong chức sắc, tôn giáo; thành lập chi bộ tại các thôn, bản chưa có chi bộ.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu các ý kiến tham gia của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Giao Văn phòng tỉnh ủy hoàn thiện các dự thảo báo cáo, nghị quyết chuyên đề, Chương trình hành động để ban hành, tổ chức thực hiện.

Những tháng cuối năm 2021, dự báo với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 và sự quyết tâm, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; chúng ta tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 đã đề ra; tạo tiền đề, động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025.

------

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/188688/bien-the-manh-tiem-nang-cua-tinh-thanh-dong-luc-tang-truong-