Biến thể Omicron đe dọa, nhiều người dân Thủ đô vẫn thờ ơ
Tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội, mọi người lo ngại trước việc các nhóm thanh niên vẫn túm năm tụm ba ngồi quán nước vỉa hè tán ngẫu không đeo khẩu trang.
Số ca F0 ở Hà Nội liên tục tăng và ở mức 4 con số, tình trạng quá tải đã xảy ra tại “tầng 2” các khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, y tế cơ sở-lực lượng chủ công vừa quản lý, điều trị cho F0 tại nhà vừa làm công tác xét nghiệm, truy vết lại “quá mỏng” và đã làm việc liên tục trong thời gian dài là thực tế công tác phòng, chống COVID-19 hiện nay ở Hà Nội.
Không ít trường hợp F0, F1 ở Hà Nội đã phải “loay hoay” nhờ tư vấn online do chưa nhận được sự hỗ trợ của y tế địa phương. Nhiều gia đình bắt đầu nghĩ đến mua bình ôxy hay tích trữ test nhanh vì các ca F0 đã xuất hiện ngay bên cạnh gia đình.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trước thực tế dịch bệnh phức tạp như vậy vẫn còn nhiều người dân chủ quan.
Mấy ngày nay, Ban quản trị tòa nhà CT3C-X2 Khu đô thị Linh Đàm thông báo ghi nhận các ca F0; đồng thời khuyến cáo các hộ gia đình tự mua kít test nhanh hoặc ra cơ sở y tế test PCR để phòng trừ rủi ro cho gia đình mình và hàng xóm.
Theo anh Lê Đông Hải, thành viên Ban quản trị tòa nhà, trường hợp F0 mới ghi nhận tại CT3C là giúp việc của một gia đình trong tòa nhà, có triệu chứng sốt nhẹ từ 1-2 ngày, đến sáng 21/12 tự làm test nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính.
Ban quản trị tòa nhà đã hướng dẫn gia đình khai báo với Trạm Y tế phường và đã được Trạm Y tế xét nghiệm lại khẳng định dương tính. Trạm Y tế phường Hoàng Liệt đã hướng dẫn bệnh nhân tự cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà và hướng dẫn hộ gia đình khai báo với tổ dân phố để được hướng dẫn, cách ly, điều trị tại nhà theo quy định.
"Hiện nay có tình trạng một số người giúp việc trong tòa nhà đi ra ngoài nhặt rác, ve chai ở ngoài đem vào tòa nhà hoặc đưa ra khu vực đồng nát giáp ranh giữa 2 phường Hoàng Liệt và Đại Kim bán. Đây là nơi không có cơ quan chức năng quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây mắc COVID-19. Do đó, Ban quản trị tòa nhà đã đề nghị các gia đình nhắc nhở, yêu cầu người giúp việc để giữ an toàn cho cư dân chung cư,” anh Lê Đông Hải cho biết.
Thậm chí ở nhiều quán nước vỉa hè còn phổ biến tình trạng hút chung điếu cày như quán nước trước chung cư Eco Green City trên đường Nguyễn Xiển.
Các giai đoạn trước, số ca F0 ghi nhận hàng ngày ở Thủ đô còn ít thì việc đo nhiệt độ, nước sát khuẩn tay, khai báo y tế được các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu chung cư… thực hiện rất nghiêm ngặt.
Thế nhưng hiện nay số ca F0 ghi nhận hàng ngày lên đến hơn 1000 ca thì việc tuân thủ 5K và các biện pháp phòng dịch ở một số nơi lại bị lơi lỏng. Nhiều người vẫn thờ ơ cho rằng “quen rồi nên thấy bình thường,” thậm chí có người kéo khẩu trang xuống đứng nói chuyện trong khu vực đề rõ “khu vực cách ly y tế.”
Trước thực trạng số ca F0 tăng cao, các quận Tây Hồ, Hai Bà Trung, Đống Đa, Hoàn Kiếm đã điều chỉnh biện pháp hành chính để phòng, chống dịch; tạm dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người trên địa bàn các phường thuộc cấp độ 3.
Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về. Các quận yêu cầu các phường tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và nghiêm túc thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo bác sỹ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Đống Đa, mật độ dân cư đông, ngõ xóm nhỏ, có nơi đường chỉ rộng hơn 1 m, người dân đi lại, tiếp xúc nhiều nên nguy cơ mắc COVID-19 cao.
Trước đây 10.000 mẫu xét nghiệm chỉ phát hiện vài chục ca F0 nhưng nay tỷ lệ F0 được phát hiện lớn hơn nhiều. Mặt khác, nhiều người dân tự test nhanh khi phát hiện ca F0 báo ngay với Trạm y tế phường.
Trong tuần gần đây, mỗi ngày Trung tâm Y tế quận Đống Đa tiếp nhận 100 -200 ca F0. “Khi số ca F0 tăng cao, nhiều ca không rõ nguồn lây, việc truy vết, xét nghiệm không thể làm được như trước nữa, gánh nặng từ dự phòng lại dồn sang điều trị,” bác sỹ Nguyễn Chí Thành bày tỏ lo ngại.
Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng, thành phố Hà Nội đã kích hoạt các Trạm y tế lưu động tại cơ sở nhằm thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Đây là bước chuyển đổi nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay, giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị COVID-19. Tuy nhiên, do các ca F0 tăng nhanh trong khi nhân lực cho y tế cơ sở, bao gồm cả các trạm y tế lưu động vẫn đang là bài toán khó.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã triển khai Trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, với nhân lực y tế cơ sở còn hạn chế, ngành y tế cần khẩn trương áp dụng phần mềm quản lý, theo dõi, hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân tại nhà, đồng thời phổ biến rộng rãi, hướng dẫn thực hiện test nhanh COVID-19 để người dân có thể chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là biến thể Omicron được cảnh báo lây lan với tốc độ chưa từng thấy đang hoành hành khắp thế giới đe dọa xâm nhập vào Việt Nam./.