Biến thể Omicron lây lan nhanh, WHO cảnh báo sóng thần Covid-19 trước Giáng sinh
Toàn thế giới có thêm khoảng 580.000 ca nhiễm mới và hơn 6.800 ca tử vong trong 24 giờ qua. Số người nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh ở nhiều nước.
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 15/12, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 271,7 triệu người nhiễm virus corona chủng mới và trên 5,33 triệu người thiệt mạng.
Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm mới (95.500) và số ca tử vong mới (1.419).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong các ngày 4-11/12, số người nhiễm Omicron chiếm gần 3% số ca nhiễm tại nước này, cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 này đang lây lan nhanh. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm, bà Rochelle Walensky, khẳng định Mỹ vẫn có đủ các công cụ cần thiết để ngăn chặn làn sóng dịch mới, trong đó có việc tăng cường tiêm chủng.
WHO cảnh báo sóng thần Covid-19 trước Giáng sinh
Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với một "trận sóng thần Covid-19" do hai biến thể Delta và Omicron cùng lây lan.
Trong một bài viết được nhật báo El Pais của Tây Ban Nha đăng tải ngày 14/12, bà Van Kerkhove bày tỏ quan ngại rằng chỉ tiêm vắc xin sẽ không đủ để kiểm soát sự lây lan của hai biến thể có mức độ lây lan cao. "Tôi nghĩ chúng ta đang đối mặt với trận sóng thần các ca lây nhiễm trên thế giới, cả Delta và Omicron", nữ quan chức bình luận.
Đề cập tình hình ở châu Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, Van Kerkhove cảnh báo "Omicron được cho là sẽ tránh được phản ứng miễn dịch" ở một mức độ nào đó. Bà thúc giục các chính phủ hãy chuẩn bị ứng phó với nguy cơ do các biến thể virus mới gây ra chứ không nên chờ đợi số ca nhập viện tăng rồi mới hành động.
Cùng ngày, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng tình trạng Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng có và có thể đã có mặt ở hầu hết các quốc gia.
Indonesia tiêm ngừa cho trẻ 6-11 tuổi
Chương trình chủng ngừa Covid-19 cho trẻ ở độ tuổi này được các nhà chức trách Indonesia triển khai từ 14/12. Trước khi tiêm, các em sẽ được kiểm tra sức khỏe và đảm bảo khoảng thời gian tiêm giữa 2 mũi là 28 ngày.
Vắc xin được sử dụng là Sinovac, đã được Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia (BPOM) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Các loại vắc xin khác cũng sẽ được sử dụng khi được BPOM phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono, chương trình được thực hiện theo từng giai đoạn và mục tiêu chung là tiêm vắc xin cho khoảng 26,5 triệu trẻ trên cả nước.
Anh bỏ 'danh sách đỏ' nhập cảnh
Anh thông báo sẽ đưa toàn bộ 11 quốc gia khỏi "danh sách đỏ" có nguy cơ cao về Covid-19 kể từ ngày 15/12.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid nói rằng biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại nước này cũng như trên toàn cầu, và danh sách đỏ không hiệu quả trong việc ngăn chặn virus xâm nhập từ bên ngoài.
Cũng theo ông Javid, Anh sẽ tạm thời duy trì các biện pháp xét nghiệm đối với du khách quốc tế và dự kiến sẽ loại bỏ tất cả 11 nước khỏi danh sách đỏ từ 4h ngày 15/12 (giờ địa phương). Danh sách này bao gồm Angola, Botswana, Eswantini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nigeria, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe.
Vị bộ trưởng cho biết thêm, cứ khoảng 2 ngày thì số ca nhiễm Omicron tại Anh lại tăng gấp đôi.