Biến tướng từ việc cúng cô hồn bằng… tiền thật
Tháng 7 Âm lịch, tại nhiều vùng Nam Bộ, cúng cô hồn được xem như một nét văn hóa, một tục lệ đã được lưu truyền và gìn giữ hàng trăm năm nay. Tại TP Hồ Chí Minh, nét văn hóa này phổ biến nhất tại khu vực Chợ Lớn sau đó lan truyền ra ngoài cộng đồng.
Với quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch, trùng với mùa Vu Lan báo hiếu, những ngày này Diêm Vương mở Quỷ Môn Quan để người chết được trở về dương thế. Những vong hồn có gia đình thì được gia đình thờ cúng, riêng những cô hồn không có gia đình, không nơi nương tựa khi trở về dương thế lang thang vất vưởng.
Người dân sẽ lập mâm cúng để những cô hồn vất vưởng này nhận thức ăn, tiền bạc và không quấy nhiễu để họ yên ổn làm ăn. Vì quan niệm này, cúng mà càng có nhiều "cô hồn" tranh giành thức ăn thì gia chủ sẽ gặp phúc lớn, tài lộc dồi dào. Để càng nhiều "cô hồn" giành giật, cúng cô hồn không còn thuần khiết là cơm, cháo, trái cây, giấy tiền, nhiều người còn cúng cả tiền thật. Và từ đó, cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch, "cô hồn sống" bắt đầu quấy nhiễu…
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người buôn bán ở khu vực Chợ Lớn đã thu gom mâm cúng cô hồn của mình lại, không phô trương nhiều, bớt tụ tập đông người phòng chống dịch bệnh.
Bởi vậy không còn thấy đoàn quân hàng trăm "cô hồn sống" rảo xe, cầm vợt chạy lòng vòng khắp các tuyến đường ở khu Chợ Lớn để tìm gia chủ cúng bái rải tiền. Nhiều cơ sở kinh doanh cũng rút kinh nghiệm bị hư hỏng, mất mát tài sản từ những đợt cúng cô hồn trước, chỉ bày biện mâm cúng ngoài đường.
Việc rải tiền thì cứ nép trong nhà quăng ra. Đội quân "cô hồn sống" thất thu, chẳng thiết lấy bánh, trái cây, thậm chí bực dọc hất tung cả mâm cúng khi gia chủ chưa kịp cắm cây nhang vào bát hương tạo ra hình ảnh dở khóc dở cười.
Ngày 3/9 (tức ngày 16 âm lịch) được coi là ngày cúng cô hồn chính, rầm rộ nhất. Nhà nào có làm ăn, kinh doanh, buôn bán đều bày mâm tra cúng. Tại khu vực quận 6, một nhóm hơn 20 "cô hồn sống" từ 7 đến 15-16 tuổi chen chúc trên chiếc một xe máy cà tàng và cả xe đạp đua nhau đi tìm nhà cúng cô hồn. Nếu thấy mâm cúng không có tiền, nhóm này chỉ nhăm nhăm giật gà luộc, heo quay rồi bỏ đi.
Tại một quán bar trên đường Chợ Lớn, nhóm hơn 30 "cô hồn sống" đứng phục sẵn, chẳng thèm để ý đến mâm cúng bày la liệt dưới đất mà nhăm nhăm chờ chủ lễ rải tiền. Sau khi giành giựt sứt đầu mẻ trán, mỗi "cô hồn sống" này chỉ được 5-10 ngàn, nhiều nhất chỉ vài chục ngàn đồng nên cả đám chửi đổng rồi lên xe tìm điểm khác.
Nhiều đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy sự bất lực của gia chủ. Một gia đình vừa bày mâm cúng trước cửa nhà thì một nhóm "cô hồn sống" tìm đến. Mâm cúng chưa bày ra hoàn chỉnh, chờ mãi không thấy gia chủ đem tiền ra cúng, chúng chửi thề rồi hất tung mâm cúng khiến gia chủ cũng phải sửng sốt. Nhiều người xem xong đoạn clip này đã chỉ trích hành vi của nhóm người này là phản cảm, vô văn hóa.
Anh Nguyễn Thanh Tâm, nhà quận 6 nhận xét: "Đành rằng gia chủ nào cũng mong có người đến giật, càng nhiều càng tốt vì họ nghĩ như vậy làm ăn mới thuận lợi, nhưng cái kiểu người ta chưa kịp cúng mà xông vào giật rồi còn chửi, đe dọa thì rõ ràng cúng cô hồn đã mất đi cái nét riêng của nó. Kiểu này chẳng khác nào cướp cạn".
Tại đường Tô Hiến Thành, quận 10, chủ một tiệm buôn bán chỉ biết cười trừ khi vừa bê con heo quay ra chưa kịp đặt lên mâm cúng thì bị nhóm "cô hồn sống" nhào vào xô ngã rồi giật con heo quay trên tay chạy mất.
Một đoạn clip khác ghi lại hình ảnh cúng cô hồn của một gia chủ trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận). Khi gia chủ thắp nhang cúng xong, một nhóm "cô hồn sống" nhào vào tranh nhau giật con gà cúng, tiền bạc. Nhóm này vừa chuyên nghiệp vừa... "có tâm" khi giật cô hồn xong còn quay ra giúp gia chủ… rải muối, gạo.
Cúng cô hồn là một nét văn hóa nhưng nó đang ngày một bị biến tướng. Tệ nhất là việc cúng bằng tiền thật. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay ít thấy hình ảnh những cơ sở kinh doanh lớn, cúng cô hồn đứng từ trên lầu cao rải tiền xuống đất để hàng trăm con người chầu chực giành giật, thậm chí đánh nhau để giành những tờ tiền lẻ khiến người u đầu, kẻ sứt trán, gây mất an ninh trật tự cả một góc phố.
Cảnh tranh giành xô bồ trên, ngoài việc tạo ra hình ảnh phản cảm còn là cơ hội cho các đối tượng trộm cắp, cướp giật lợi dụng ra tay hoạt động. Để không xảy ra tình trạng tranh cướp, gây mất an ninh trật tự, để không bị thiệt hại đến chính tài sản của mình, mong rằng gia chủ trong những ngày "âm binh" này tránh bớt việc cúng và rải tiền thật.
Đã đành phong tục là "phải giật mới vui", nhưng ít nhất không câu nhử bằng tiền thật, gia chủ cũng sẽ tránh được vấn nạn chưa kịp thắp nhang mà mâm cúng đã bị dọn sạch, bị đạp đổ.