Biến vùng đất cát bạc màu thành khu vườn trù phú

'Trong mỗi lần tuyên truyền, vận động hội viên ở địa phương khắc phục khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng, chúng tôi thường lấy tấm gương chị Nguyễn Thị Hồng, ở vùng sinh thái thôn Linh An để làm ví dụ điển hình. Từ đôi bàn tay trắng, hơn 20 năm trước chị đã vào vùng đất cát hoang lập nghiệp. Nhờ cần cù, chịu khó, sáng tạo trong sản xuất, gia đình chị đã thoát nghèo và xây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, thu nhập của gia đình chị đạt khoảng 300 triệu đồng. Chị còn là tấm gương tiêu biểu trong giữ gìn, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn', Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong Phan Thị Hoài My cho biết.

Chị Hồng giới thiệu một góc trong mô hình kinh tế tổng hợp của mình -Ảnh: K.S

Chị Hồng giới thiệu một góc trong mô hình kinh tế tổng hợp của mình -Ảnh: K.S

Theo chân chị My, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hồng. Mô hình nằm khá xa trung tâm xã. Nhìn cây trái tốt tươi được mọc trên đất cát trong một khu vườn rộng rãi, xen kẽ là chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, ao cá mênh mông khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi.

Khi gặp chủ nhân mô hình, một người phụ nữ có vóc dáng khá nhỏ bé, nhiều người khó tin chị có thể tự tay tạo nên cơ ngơi này từ một bãi cát hoang bạc màu. Chị Hồng nhớ lại: “Khi vợ chồng tôi mới cưới, khó khăn trăm bề. Suy nghĩ đủ cách để thoát nghèo chúng tôi quyết định vào đây dựng nhà, sản xuất.

Thời gian đầu đến đây, nhìn đâu cũng thấy cát, trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp là một vấn đề. Thế rồi, chúng tôi vay vốn qua kênh của hội phụ nữ xã để đầu tư chăn nuôi lợn; lấy phân lợn để cải tạo đất trồng chuối, cây ăn quả như mít, nhãn, ổi...

Quá trình sản xuất, tôi được hội phụ nữ xã quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Đất không phụ công người, ít năm sau xuất bán lợn, chúng tôi có tiền trả nợ, ra khỏi danh sách hộ nghèo, rồi dần dần và tiếp tục đầu tư, mở rộng vùng đất cát sản xuất”.

Đến nay, gia đình chị có tổng diện tích đất sản xuất khoảng 4 ha, gồm: hơn 1.000 m2 ao cá nuôi các loại cá truyền thống như: chép, rô phi, tràu, trắm...; chuồng trại chăn nuôi vịt 2.000 con/lứa, gà đá 100 con/lứa, 7 lợn nái, 30 lợn thịt; 5 con bò, rừng tràm hơn 2 ha; dưa hấu 3 sào; 1 mẫu ruộng 2 vụ, ngoài ra, còn có diện tích trồng các loại cây ăn quả...

Nhờ có ao cá rộng, chị dẫn nước về tưới cho vườn cây ăn quả; tận dụng nguồn phân ở khu trại chăn nuôi, ủ hoai mục bón cho cây trong vườn nên năng suất các loại cây đều cao. Từ thu nhập của mô hình, kinh tế gia đình chị ngày càng phát triển, chị có điều kiện đầu tư cho 2 con học đại học, hiện người con đầu đã ra trường có việc làm ổn định.

Không giấu bí quyết làm giàu, chị Hồng sẵn sàng truyền kinh nghiệm sản xuất cho chị em trong thôn, xã và những ai có nhu cầu. Mặc dù rất bận rộn với mô hình kinh tế của gia đình nhưng chị luôn sắp xếp thời gian, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của hội phụ nữ và địa phương.

Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bien-vung-dat-cat-bac-mau-thanh-khu-vuon-tru-phu-186938.htm