Biển xanh và những điều bình dị

Giữa trùng khơi xa ấy, có lẽ không nơi nào thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam lại thường xuyên đón những cơn gió mạnh, dông, bão lớn đi qua như Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trường Sa, nhà giàn, cảm xúc thiêng liêng xen lẫn tự hào của bất cứ ai khi đặt chân đến - nơi biển trời xanh ngát, nơi có những con người đang ngày đêm canh giữ biển, đảo quê hương. Những câu chuyện, những kỷ niệm về Trường Sa, về nhà giàn thật bình dị mà lắng đọng tình người.

Trồng rau ở đảo Sơn Ca.

Trồng rau ở đảo Sơn Ca.

Mỗi đảo hay nhà giàn mà chúng tôi đến, dù chưa kịp biết tên nhau, dù chỉ là những cái bắt tay, lời thăm hỏi động viên vội vàng hay buổi giao lưu văn nghệ; nhưng chủ và khách như đã quen thân tự lúc nào. Tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau như anh em một nhà, đó là điều mà tôi được chứng kiến và cảm nhận được trong những ngày đến thăm các đảo, Tiểu đoàn DK1- Nhà giàn.

Chuyện về các “nhà nông” ở đảo, nhà giàn thì chẳng bao giờ hết. Nhiều người lính khi ở đất liền chưa quen với việc trồng cấy, chăn nuôi, nấu ăn, thậm trí cả xây dựng; thì ở đây, vì những điều kiện đặc biệt, những người lính Trường Sa và các Nhà giàn DK1 không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo mà họ còn là những cây văn nghệ, nhà nội trợ, dân thể thao cừ khôi,... họ vẫn đùa vui: Lính Hải quân là thế đó.

Gặp gỡ bên cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca.

Gặp gỡ bên cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca.

Điều kỳ diệu của đảo hay Nhà giàn DK1 là màu xanh mướt của những chậu, thùng hay khoảnh rau xung quanh nhà. Kiên nhẫn, khéo léo và kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ từ đất liền; rau của Trường Sa, nhà giàn ngày càng phong phú. Ngoài dự trữ nước tưới rau, việc bảo vệ rau cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt; bởi hơi mặn của biển dễ làm táp lá, thậm chí rau chết. Vậy là lính đảo, lính nhà giàn phải che chắn rất cẩn thận. Tại các đảo nổi, vườn rau phải che chắn xung quanh, rồi lợp mái. Với các nhà giàn, đảo chìm; rau được trồng trong khay, trong chậu để dễ vận chuyển tránh bão. Anh Lê Duy Sửu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 kể: Những ngày biển động, sóng lớn; ở các nhà giàn, cán bộ, chiến sỹ phải đưa các chậu rau vào nhà để tránh.

Trẻ em ở đảo Song Tử Tây.

Trẻ em ở đảo Song Tử Tây.

Không chỉ bộ đội tăng gia chăn nuôi tốt, hôm ở Đảo Song Tử Tây, khi đi thăm các gia đình trên đảo, chúng tôi được chiêm ngưỡng những “công trình tăng gia”; đó là những vườn rau xanh tốt, giàn mướp trĩu quả, có những quả mướp dài gần 1 m. Học kinh nghiệm từ bộ đội, bên cạnh rau xanh, các hộ dân còn tận dụng đất trống để nuôi gia súc, gia cầm...

Nếu như ở đất liền, nơi biên giới, với mỗi người lính biên phòng: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt”, thì ở Trường Sa, nhà giàn; với mỗi cán bộ, chiến sĩ “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, bộ đội hải quân là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển”. Giữa trùng khơi, mỗi khi bất ngờ gặp bão tố, hay lúc bị tai nạn, các tàu cá của ngư dân đều được bộ đội cứu chữa; hết dầu, hết lương thực, bộ đội luôn sẵn lòng giúp gạo, mớ rau, thực phẩm. Biết bao câu chuyện cứu người của những người lính ở các đảo, nhà giàn đầy xúc động. Trong điều kiện khó khăn, phương tiện thiếu thốn; nhưng bằng tinh thần, trách nhiệm và hơn hết là tấm lòng cao cả của người lính quân y, họ đã chữa lành những vết thương về thể xác, đồng thời tiếp thêm sức mạnh, lòng can đảm cho ngư dân. Cũng chính từ đó mà các đảo, nhà giàn luôn là chỗ dựa tin cậy của ngư dân. Gần như ngày nào cũng có ngư dân ghé thăm đảo, nhà giàn trong quá trình đi biển của họ.

Ở đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn, cuộc sống của những người dân trên đảo thật bình yên. Mỗi sáng khi những đứa trẻ đi học là các bà, các mẹ cùng nhau giặt giũ, lau dọn nhà cửa, lo cơm nước. Các ông chồng – những ngư dân đồng thời cũng là những dân quân của đảo, ngoài tham gia các hoạt động của dân quân theo quy định; các anh lại cùng vợ chăm lo công việc gia đình. Rảnh rỗi, các gia đình cùng tụ tập hàn huyên hoặc đi thăm bộ đội; ngày nghỉ bộ đội cũng đến thăm, giúp đỡ các gia đình; tình quân dân ngày thêm gắn bó.

Với bọn trẻ, không được sống ở những nơi phố phường nhộn nhịp, nơi có nhiều đồ dùng học tập hay vui chơi nơi công viên,… nhưng điều thú vị của những đứa trẻ ở Trường Sa, đó là được gần gũi, được học và trải nghiệm từ thiên nhiên, từ biển cả.

Ở đảo Song Tử Tây, trường học sát nhà các gia đình; vậy là hàng sáng, bọn trẻ cùng nhau đến lớp, về nhà lại chơi cùng nhau, cùng được thầy giáo và các chú bộ đội hướng dẫn múa, hát, tham gia các trò chơi, thi nhau chạy chân trần trên cát.

Những đứa trẻ hồn nhiên, rạng rỡ nụ cười, tíu tít chuyện trò với khách ra thăm đảo, hồn nhiên khoe “Quê em ở Trường Sa”, khoe những con ốc biển, hát, đọc những bài thơ về biển đảo, rồi lại cùng nhau dẫn chúng tôi đi tham quan lớp học, từng ngôi nhà, xem đảo.

Giữa trùng khơi, biển xanh, cát trắng; Trường Sa, Nhà giàn DK1,… ở nơi đó, những con người đã và đang ngày đêm vượt mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đầu sóng, họ thật cao cả mà bình dị biết bao.

Bài, ảnh: ĐẶNG PHƯƠNG HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202009/bien-xanh-va-nhung-dieu-binh-di-764817/