Biết đỗ ĐH nhờ xét tuyển sớm, có học sinh trượt tốt nghiệp vì chểnh mảng ôn tập
Công bằng trong giáo dục là nguyên tắc quan trọng để tất cả học sinh đều có thể tiếp cận giáo dục đại học, bất kể hoàn cảnh địa lý hay kinh tế.
Xét tuyển sớm vào đại học đã trở thành xu hướng trong các năm gần đây, khi nhiều trường đại học dành chỉ tiêu lớn cho xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ và các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nhờ vậy, học sinh lớp 12 biết kết quả xét tuyển sớm trước khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức, điều này đã và đang ảnh hưởng đến mục tiêu học tập của học sinh và chất lượng giáo dục của các trường trung học phổ thông.
Trước những tác động của việc công bố kết quả xét tuyển sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các trường đại học không công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5 – thời điểm kết thúc năm học.
Tạo ra môi trường học đồng đều và bình đẳng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho rằng, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn hợp lý bởi những lý do sau:
Thứ nhất, việc công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31/5 khiến một số em thuộc diện trúng tuyển có thể mất động lực học tập. Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cuối năm lớp 12 và gây lo ngại cho các trường phổ thông vì chất lượng giáo dục giảm.
Thứ hai, khi biết mình đã trúng tuyển đại học, một số học sinh có thể trở nên chủ quan, ít đầu tư trong việc ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông dẫn đến chất lượng điểm thi không cao, cá biệt có em đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp.
Thứ ba, những học sinh khác có thể cảm thấy áp lực hoặc căng thẳng hơn khi so sánh với các bạn đã nhận được thông báo trúng tuyển. Điều này tạo ra môi trường học tập không đồng đều, ảnh hưởng đến tâm lý chung và nề nếp học tập của cả lớp học.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Giai đoạn ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất quan trọng đối với học sinh và nhà trường. Việc công bố kết quả xét tuyển sớm trước 31/5 có thể dẫn đến hiện tượng một số học sinh đã đỗ đại học có tâm lý chủ quan, chểnh mảng, thiếu sự tập trung vào việc ôn thi. Đồng thời, những học sinh không đạt yêu cầu có thể bị ảnh hưởng tâm lý, cảm thấy lo lắng và thiếu tự tin, làm giảm hiệu quả trong quá trình ôn tập. Những yếu tố tâm lý này có thể khiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không phản ánh đúng năng lực thực sự của học sinh, làm mất đi tính khách quan và công bằng của kỳ thi”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất các trường đại học nên giảm chỉ tiêu của các hình thức xét tuyển sớm, tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tạo sự công bằng cho thí sinh.
Đánh giá về đề xuất này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Tôi đồng tình với đề xuất nên hạn chế các hình thức xét tuyển sớm để giảm áp lực cho thí sinh và phụ huynh, đồng thời tạo cơ hội công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh khi xét tuyển vào đại học.
Khi kỳ thi tốt nghiệp chỉ còn là điều kiện đối với nhóm học sinh đã đỗ đại học thông qua xét tuyển sớm, sẽ dẫn đến tinh thần học tập cả lớp ở giai đoạn nước rút giảm xuống rõ rệt, giáo viên cũng mất động lực trong khi vẫn còn nhóm học sinh muốn tập trung ôn thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học.
Đối với các trường đại học, xét tuyển sớm cũng làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo được tỷ lệ nhập học, gây nhiễu trong xét tuyển. Cụ thể, các hình thức xét tuyển sớm của các trường đại học luôn thu hút được số lượng lớn học sinh nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, các trường đại học không thể chắc chắn được thí sinh có chọn trường mình hay không, vì một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường khác nhau. Chỉ khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học mới biết chính xác lựa chọn của thí sinh”.
Mặt khác, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy thường tổ chức ở các tỉnh, thành phố lớn, thí sinh khi tham gia các kỳ thi này thường tốn kém chi phí di chuyển và lưu trú, nhất là đối với học sinh ở vùng xa trung tâm. Nhiều ý kiến cho rằng điều đó vô tình gây bất bình đẳng với các thí sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham gia.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên (xã An Tường, Thành phố Tuyên Quang) chia sẻ: “Đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, các em vẫn có thể tham gia ôn tập qua các lớp học trực tuyến, điều này giúp các em tiếp cận kiến thức và ôn luyện một cách thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, một khó khăn lớn đối với các em là việc phải di chuyển đến các trung tâm, địa phương tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy, bởi không phải học sinh nào cũng có đủ điều kiện về tài chính và phương tiện di chuyển.
Chi phí đăng ký, ôn thi và tham gia kỳ thi không hề nhỏ, trong khi việc di chuyển từ vùng sâu, vùng xa đến các địa điểm thi lại rất tốn kém và vất vả. Điều này tạo ra một thiệt thòi đáng kể cho học sinh ở những khu vực khó khăn, làm giảm cơ hội tiếp cận thi cử công bằng như các bạn học sinh ở khu vực thuận lợi”.
Cùng bàn về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự bày tỏ: “Kỳ thi đánh giá năng lực nên được xem xét tổ chức theo hình thức trực tuyến để tạo điều kiện cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia.
Nhiều học sinh có năng lực, nhưng vì không đủ điều kiện tài chính đi thi sẽ bị thiệt thòi và mất đi cơ hội thể hiện khả năng của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học có thể bỏ sót những học sinh có năng lực xuất sắc”.
Để tất cả học sinh đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục đại học, ông Nguyễn Văn Hiền đề xuất: “Tôi cho rằng việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực cần phải tính đến sự đa dạng về khoảng cách địa lý và hoàn cảnh kinh tế của gia đình học sinh.
Để đảm bảo tính công bằng và không để học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thiệt thòi, các đơn vị tổ chức kỳ thi cần có những giải pháp cụ thể như có nhiều địa điểm tổ chức kỳ thi, triển khai hình thức thi trực tuyến, tạo điều kiện ôn luyện trực tuyến miễn phí,... Nếu các giải pháp trên được áp dụng, kỳ thi sẽ không chỉ mang lại cơ hội đánh giá toàn diện cho học sinh mà còn giúp thúc đẩy một nền giáo dục công bằng, nơi mọi học sinh đều có quyền tiếp cận và phát triển khả năng cá nhân của mình”.
Cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả ôn tập
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, để công tác ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới đạt hiệu quả, từ thực tế triển khai nhiều năm của các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, ông Hiền cho rằng cần xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau.
“Trước hết, cần phân loại trình độ học sinh để phân chia lớp. Điều này giúp giáo viên thiết kế các nội dung ôn tập phù hợp, tránh việc học sinh giỏi phải lặp lại kiến thức cơ bản, và học sinh yếu không bị “ngợp” trước kiến thức nâng cao.
Nội dung ôn tập dựa theo cấu trúc đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và cấu trúc đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng. Khuyến khích học sinh sử dụng các nền tảng học trực tuyến để tự bổ sung kiến thức.
Tổ chức các buổi thi thử với đề thi sát với cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học sinh quen dần với thời gian, áp lực thi cử. Thông qua các buổi thi thử, giáo viên cũng có thể đánh giá và điều chỉnh lại chương trình ôn tập.
Nhà trường thường xuyên cập nhật tình hình học tập của học sinh cho gia đình và cùng phối hợp với gia đình giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong ôn thi, tạo môi trường học tập yên tĩnh, khuyến khích và động viên con cái trong quá trình ôn tập”, ông Hiền nêu quan điểm.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Quốc Huy chia sẻ kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12 tại Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông rằng: “Là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa số các môn thi đòi hỏi kiến thức cả 3 năm học.
Trước tình hình đó, nhà trường chỉ đạo cho các em đăng ký 2 môn thi tự chọn từ cuối năm lớp 11. Nhà trường bắt đầu tổ chức ôn tập ngay sau khai giảng, phân loại nhỏ đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập, phụ đạo thêm, tổ chức nhiều lần thi thử để học sinh làm quen với dạng đề mới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để đồng hành cùng các em”.
Sự đa dạng trong lựa chọn tổ hợp môn thi cho kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cũng khiến các trường phổ thông gặp không ít khó khăn trong việc sắp xếp nguyện vọng cho học sinh.
Chia sẻ về cách làm từ nhà trường, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên cho biết: “Ngay khi kết thúc lớp 11, nhà trường đã triển khai phương án 2+2 cho các em. Vào đầu năm học lớp 12, học sinh chỉ cần chốt lại nguyện vọng và đăng ký thêm hai môn tự chọn. Từ tháng 8, nhà trường đã tham gia các buổi tập huấn cho giáo viên dạy lớp 12 trên toàn tỉnh, nhằm định hướng và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đến tháng 9, nhà trường đã tổ chức ôn tập theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang. Nội dung ôn tập và hệ thống câu hỏi cũng được xây dựng phù hợp với phương án thi mới”.
Để tránh tạo áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: “Cần quy định rõ tỷ lệ xét tuyển vào đại học lấy điểm từ các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, không để các hình thức xét tuyển sớm chiếm ưu thế. Đồng thời, duy trì việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thật nghiêm túc, khách quan, chất lượng từ khâu ra đề, coi thi đến chấm thi. Không công bố kết quả trúng tuyển sớm trước thời gian kết thúc năm học”.