'Biệt đội' chăm sóc cầu ở Đà Nẵng
Nhắc đến Đà Nẵng ai cũng ấn tượng về những cây cầu kiến trúc độc đáo nối đôi bờ sông Hàn và để chăm sóc những cây cầu 'có một không hai' này là một biệt đội đặc biệt.
Nhắc đến Đà Nẵng ai cũng trầm trồ, ấn tượng về những công trình cầu có kiến trúc độc đáo, "có 1 không 2", từ cầu quay Sông Hàn, cầu dây văng Thuận Phước, Trần Thị Lý đến cầu Rồng... Những cây cầu không chỉ có ý nghĩa về kết nối giao thông mà còn là biểu tượng, trở thành tên gọi riêng biệt: "Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu". Tuy nhiên, ít ai biết về những con người thầm lặng ngày đêm vận hành, bảo trì, bảo dưỡng để những kiệt tác này ngày đêm lung linh, tỏa sáng…
Khi nữ kỹ sư cầu đường trở thành… "người nhện"
Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Kiều Hạnh - cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp Cầu Đà Nẵng (Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng) cùng 5 cán bộ khác tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hàng tháng đối với cầu Thuận Phước. Dù chỉ là đi kiểm tra nhưng đó không phải là việc dễ dàng, cả đội phải đối mặt với những rủi ro, tình huống nguy hiểm khó lường.
Để lên đến đỉnh tháp cầu Thuận Phước, thành viên đội sẽ phải leo cao với quãng đường 1.856 m, trong đó phần cầu treo dây võng dài 655 m và phần cầu dẫn phía hai đầu Thuận Phước và Sơn Trà mỗi bên dài 600 m.
"Cầu Thuận Phước rộng 18 m với 4 làn xe (ô tô, xe máy), 2 lối đi dành cho xe đạp, xe thô sơ và 2 lối đi bộ. Chiều cao từ mực nước sông lên đến đỉnh tháp là hơn 80 m, còn từ mặt đường lên đến đỉnh tháp là 47 m. Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, thế nên mùa nào cũng là nơi đón gió mạnh. Trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, chúng tôi cũng phải leo lên đến đỉnh tháp để kiểm tra", chị Hạnh nói vanh vách từng thông số cầu, rồi nhanh chóng mang thiết bị bảo hộ leo lên đỉnh tháp.
Sau đợt mưa bão từ giữa tháng 10 gây nhiều thiệt hại cho TP. Đà Nẵng, nhiệm vụ của đội chị trong đợt này là kiểm tra, đánh giá các bộ phận trên cao như: cáp treo, đỉnh tháp, trong dầm hộp, gói cầu. Trời những ngày tháng cuối năm ở Đà Nẵng âm u, se lạnh, cầu Thuận Phước ngày biển động gió thổi phần phật. Càng leo lên cao sức gió thổi càng mạnh. Bám chặt vào dây văng, chị Hạnh bước từng bước chắc chắn.
Phần nhịp chính dây võng của cầu Thuận Phước gồm 3 nhịp dầm hộp thép liên tục dài 655 m với tổng cộng 69 đốt dầm được nối với nhau bằng liên kết hàn. Cáp chủ gồm 2 bó cáp có đường kính 360 mm và cáp treo gồm 114 bó bố trí cách nhau trung bình 9,9 m, gồm loại dây treo thông thường đường kính 65 mm và dây treo đặc biệt đường kính 101 mm. Ba nhịp dầm này được nối qua hai trụ tháp cao 80 m (tính từ bệ cọc) với kết cấu dạng khung bằng bê tông cốt thép. Tất cả đều được chị Hạnh và đồng nghiệp kiểm tra từng chi tiết một.
"Mới đầu được phân công leo lên đỉnh tháp kiểm tra, mình cũng sợ lắm, sợ có đủ sức bám chặt dây trước những cơn gió giật, sợ ngợp độ cao từ đỉnh tháp. Nhưng nhờ đồng nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, động viên tinh thần, mang bảo hộ đầy đủ nên cũng an tâm, từng bước vượt qua rồi quen dần với công việc", chị Hạnh chia sẻ.
Biệt đội luyện "rồng sắt" phun nước, phun lửa
Cách đó không xa, tại cầu Rồng - cây cầu quen thuộc với người dân Đà Nẵng và du khách thập phương khi đến đây, cán bộ vận hành Tán Thịnh (Xí nghiệp Cầu Đà Nẵng) cũng tất bật kiểm tra thiết bị, máy móc để vào buổi tối có thể thực hiện màn phun nước, phụt lửa.
Anh Thịnh cho hay, những buổi trình diễn cầu Rồng phun nước, phun lửa được thực hiện vào các tối từ thứ sáu đến chủ nhật. Phun lửa sẽ diễn ra 2 lượt, mỗi lượt sẽ gồm 9 lần; phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 1 lần. Một đợt trình diện như vậy cần 30 lít dầu DO, 5m3 nước, vì vậy đòi hỏi hệ thống cần vận hành trơn tru, chính xác.
Để có được màn trình diễn hoàn hảo, từ chiều, nhóm anh Thịnh đã cho hệ thống chạy thử để kiểm tra, đánh giá. "Cẩn thận là vậy nhưng nhiều lúc nó cũng ẩm ương lắm. Lúc chạy thử thì êm ru nhưng lúc trình diễn thì gặp trục trặc. Vì vậy, mình phải ứng trực, kịp thời thay thế thiết bị", anh Thịnh nói.
Với kinh nghiệm qua hàng trăm lần trình diễn, anh Thịnh cho biết, hai bộ phận dễ gặp trục trắc nhất là hệ thống dây curoa và hệ thống đánh lửa. Vì thế, nhóm anh luôn đặt sẵn bộ phận thay thế ngay bên cạnh hoặc nhanh chóng sử dụng hệ thống đánh lửa bằng tay.
"Suốt 9 năm vận hành thì chỉ có hai lần "Rồng sắt" không thực hiện phun nước, phun lửa được vì gặp tình huống bất khả kháng, còn lại tất cả các buổi trình diễn đều diễn ra thuận lợi, không có trường hợp nào bị ngưng đột ngột vì thiết bị hư hỏng", anh Thịnh kể.
Nhìn hàng ngàn khán giả chăm chú theo dõi, reo hò, trầm trồ trước "Rồng sắt" phun nước, phun lửa vào mỗi đêm diễn, anh Thịnh và nhóm vận hành biết công việc của mình đã hoàn thành trọn vẹn. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì tất cả đều đang cố gắng góp sức làm cho Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè, du khách gần xa", anh Thịnh cười hiền.
Chuyện bảo trì cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam
Ông Tống Ngọc Quang - Giám đốc Xí nghiệp Cầu Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có gần 60 cây cầu lớn nhỏ, đơn vị đang được giao theo dõi, bảo trì, sửa chữa tất cả các cây cầu này. Trong số các cây cầu mang biểu trưng đặc biệt như: cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý... thì cầu Sông Hàn có tuổi đời lớn nhất và là cây cầu quay đầu tiên ở nước ta, được khánh thành năm 2000.
Những tháng vừa qua, ngoài việc kiểm tra các cây cầu theo định kỳ, đội công nhân Xí nghiệp Cầu Đà Nẵng cũng tập trung lực lượng cùng với các nhà thầu liên quan bảo trì, sửa chữa cầu quay Sông Hàn. Cầu có chiều dài 487,7 m, rộng 12,9 m, gồm 11 nhịp nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Điều đặc biệt là nhịp giữa của cầu có thể xoay để tàu thuyền dễ dàng qua lại. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cây cầu này trở thành địa điểm du lịch đêm, thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng.
"Đợt sửa chữa lần này, các đơn vị sẽ tập trung công tác kích nâng, hạ kết cấu cầu phục vụ công tác sửa chữa, bảo trì hệ thống xe con và khớp quay số 4 của cơ cấu quay cầu Sông Hàn. Đây có thể nói là một đợt bảo trì, sửa chữa lớn của cầu quay Sông Hàn. Do được thiết kế rất đặc biệt là nhịp giữa có thể xoay nên sau hơn 20 năm hoạt động, một số thiết bị không còn hoạt động trơn tru, xuống cấp. Cũng chính vì thiết kế đặc biệt này nên việc khắc phục, sửa chữa đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật phải tập trung cao độ, các bước thực hiện phải thường xuyên trao đổi ý kiến của các đơn vị liên quan", ông Quang chia sẻ.
Theo ông Quang, do tính phức tạp của cây cầu mà trong năm 2022, cầu quay Sông Hàn đã trải qua 8 lần sửa chữa, bảo trì hệ thống cầu quay. Mặc dù công tác bảo trì gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các đơn vị bảo trì vẫn phấn đấu hoàn thành công tác này vào trước Tết Nguyên đán 2023. Không riêng gì cầu Sông Hàn, đối với những cây cầu còn lại ở Đà Nẵng, ngày ngày những công nhân cầu đường vẫn âm thầm nỗ lực khắc phục, sửa chữa, bảo trì thường xuyên, đảm bảo giao thông, giữ gìn nét đẹp riêng có của thành phố đáng sống này.
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/biet-doi-cham-soc-cau-o-da-nang-183230106102452206.htm