'Biệt đội' giải cứu kênh đen
Sài Gòn Xanh là một nhóm bạn trẻ yêu môi trường. Nhóm đã dọn dẹp hàng chục con kênh, rạch 'mới nghe tên đã khiếp vía' trên địa bàn TPHCM.
Tình nguyện ngâm mình dưới kênh đen
Vừa qua, Thành đoàn TPHCM đã tặng Bằng khen cho nhóm Sài Gòn Xanh nhằm động viên tinh thần các bạn trẻ của nhóm đã nỗ lực vớt rác những con kênh đang ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Đầu tháng 3, UBND phường 15 và phường 4, quận Tân Bình cũng đã có lễ tri ân các thành viên của nhóm để tiếp thêm tinh thần và động lực để nhóm tiếp tục tích cực bảo vệ môi trường.
Nhóm Sài Gòn Xanh được thành lập từ cuối tháng 12/2022, đa phần là các bạn trẻ, năng nổ, vui vẻ và rất đỗi nhiệt tình. Thành viên nhóm làm nhiều nghề nhưng chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng, lái xe công nghệ, công nhân tự do…
Anh Nguyễn Lương Ngọc (27 tuổi, đến từ Huế) là Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh. Anh Ngọc cho biết, ý tưởng vớt rác trên kênh rạch và thực hiện các video tuyên truyền về môi trường của nhóm Sài Gòn Xanh được truyền cảm hứng từ nhóm Padawara tại Indonesia.
Anh Ngọc kể, bản thân đã nỗ lực hết mình khi tạo ra một nhóm mà khởi điểm chỉ có 5 thành viên để đi dọn dẹp vệ sinh môi trường trong thành phố. Đến nay, nhóm đã có 10 thành viên chính thức và hơn 150 tình nguyện viên đăng ký tham gia.
Điều thú vị, không chỉ các bạn trẻ người Việt, những hoạt động ý nghĩa của nhóm còn thu hút sự tham gia của nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Là một thành viên tham gia tích cực, Arturas Balynas, quốc tịch Litva, hiện làm giáo viên tiếng Anh ở Đồng Nai, cho hay, anh được biết đến nhóm từ các video clip trên mạng xã hội nên mong muốn được tham gia cùng.
“Tôi cảm thấy rất vui và hứng khởi khi việc làm của mình và nhóm rất thiết thực và lan tỏa đến cho mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường tại đất nước mà tôi đang sinh sống”, Arturas Balynas bày tỏ.
Theo anh Ngọc, hoạt động của nhóm thường diễn ra vào các ngày thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần. Vào những ngày này, các thành viên trong nhóm sẽ tập trung từ sáng sớm và bắt đầu công việc dọn rác từ 6 giờ 30 phút. Mọi người làm việc khẩn trương và kết thúc phần công việc của mình khoảng 1 giờ sau đó để các thành viên kịp giờ đi làm.
“Đều đặn, cứ 3 lần 1 tuần, thành viên của nhóm rong ruổi đi khảo sát khắp các ngõ ngách để tìm xem kênh, rạch nào hôi thối, nhiều rác thì quay video lại rồi lên kế hoạch thu dọn. Khi tìm được nơi cần xử lý thì chúng tôi sẽ liên hệ với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ xe chở rác”, anh Ngọc cho biết.
Kênh rạch ở Sài Gòn chằng chịt và nhiều năm nay nhiều dòng ô nhiễm đã ở mức báo động. Khơi thông, dọn rác thì không có cách nào khác là phải dầm mình xuống dòng nước đen ngòm, hôi thối. Nhưng, theo anh Ngọc, đã là tình nguyện viên thì chẳng ngại gì trước những thứ “ai thấy cũng ngoảnh mặt khiếp sợ” ấy.
Để nhanh chóng hoàn thành công việc, các thành viên trong nhóm mỗi người mỗi việc, phối hợp rất nhịp nhàng, chuyên nghiệp. Người cào, người hốt, người kéo rác lên bờ, người khuân rác đến khu vực tập kết.
Là thành viên tham gia từ những ngày đầu, Phan Nhân (23 tuổi, sinh sống tại TPHCM) cho hay, lần đầu tiên nhóm trải nghiệm là dọn rác tại một con kênh trên quận Gò Vấp.
Kênh đen như mực, nước đặc sánh, thối đến bịt khẩu trang vẫn muốn ói mửa. Tuy nhiên, đã được lên dây cót tinh thần, các thành viên của nhóm đã hứng khởi trầm mình xuống “dòng nước dữ”.
Ngâm mình trong bùn, nước bẩn cả chục giờ đồng hồ, kéo lên hàng tấn rác thải thì đoạn kênh mới cơ bản được khơi thông. Nhân bảo, dọn xong, ai nấy đều mệt mỏi, thịt da nhợt nhạt nhưng được sự cảm kích của người dân quanh đó thì cả thảy đều thấy vui mừng.
“Trước em chỉ thấy những hình ảnh ô nhiễm trầm trọng ở trên các chương trình tivi nên lần đầu tiên được thấy tận mắt thì mới thấy được thực tế ô nhiễm nặng thế nào.
Là một trong những người tiên phong dọn rác, chứng kiến những kênh, rạch ô nhiễm đầy rác thải bẩn sau khi được dọn dẹp trả lại sự sạch sẽ, em thấy rất vui khi được làm một công việc ý nghĩa. Thêm nữa, được người dân đón nhận, quý mến và ủng hộ là một lý do khiến em có thêm động lực để luôn đồng hành với Sài Gòn Xanh”, Nhân bộc bạch.
Khi tham gia nhóm, Nhân gặp khó khăn về sắp xếp giữa công việc và thời gian đi dọn rác. Tuy nhiên, thấy được ý nghĩa việc mình làm, Nhân quyết định mỗi tuần sẽ vẫn dành 1 - 2 buổi để tham gia cùng nhóm. “Nghĩ làm như vậy cũng có ảnh hưởng đến thu nhập nhưng em thấy tham gia nhóm thì cuộc sống của mình ý nghĩa hơn”, Nhân chia sẻ.
Nguy hiểm bủa vây, rình rập
Nhật Duy là Phó Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh. Theo Nhật Duy thì để nhóm hoạt động được lâu dài, bền bỉ thì phải biết cách bảo vệ an toàn cho các thành viên tham gia. Theo đó, trước khi tiến hành dọn rác ở đoạn kênh nào thì nhóm cũng đều có khảo sát, đặc biệt là khảo sát mực nước dưới kênh.
Theo Nhật Duy, các thành viên tham gia vớt rác tại các kênh, rạch đều được trang bị đồ bảo hộ, găng tay và được phân công những phần việc phù hợp với sức khỏe của mình.
Trưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc cho biết, khi mới làm, các thành viên trong nhóm gặp không ít tác động ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Phần lớn đều bị sốt và dị ứng vì môi trường nơi đó khá ẩm, hôi thối và nhiều vi khuẩn độc hại. Trong quá trình thu gom rác, cũng gặp nhiều nguy hiểm như mảnh sành, kim tiêm, hóa chất dễ gây bỏng da, dị ứng da, hô hấp…
Có lần một bạn gái trong nhóm nhảy từ trên bờ xuống kênh nước bị chấn thương, hay các thành viên trong nhóm bị rắn, rết, bọ cạp dưới kênh bẩn chui vào người rất sợ. Nhưng được mọi người động viên nên nhóm có động lực để tiếp tục hành trình của mình”, anh Ngọc chia sẻ.
Lê Hồng Diệp, sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM là một thành viên tích cực của nhóm. “Em tham gia 2 buổi 1 tuần. Tuy rất sợ bẩn, sợ côn trùng và biết việc dọn rác là việc nặng với con gái nhưng tham gia nhóm, mọi người hỗ trợ lẫn nhau, tiếp sức cho nhau thì việc nặng cũng hóa nhẹ nhàng.
Quan trọng nữa là việc làm của mình người dân yêu thương, đón nhận, động viên thì em như có thêm sức mạnh. Tham gia nhóm, được lao động em thấy sức khỏe của mình tốt hơn”, Diệp thật thà tâm sự.
Vì một Sài Gòn xanh
“Khi tham gia nhóm, có một số người nói tiêu cực là “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”, nhưng dọn rác tại những kênh, rạch xong, chúng em nhận được sự yêu thương từ người dân nhiều hơn, để các thành viên nhận ra mình làm gì đúng, làm gì đem lại thiết thực cho mọi người.
Nên em và các bạn luôn nỗ lực từng ngày với hy vọng một ngày nào đó cảnh quan sẽ sạch đẹp hơn. Mọi người hãy cùng ý thức chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường để góp phần làm đẹp cho cảnh quan xung quanh và làm đẹp cho đất nước”, Phan Nhân gửi thông điệp đến các bạn trẻ.
Về kế hoạch tương lai, Trưởng nhóm Lương Ngọc chia sẻ, nhóm sẽ làm về tất cả các mảng như trồng cây, xử lý pin, xóa những bức tường bị xịt sơn giúp tăng vẻ đẹp của thành phố. Thời gian tới, nhóm sẽ chuyển sang khu vực rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) để dọn dẹp rác thải, đó là một trong những “điểm đen” về ô nhiễm tại TPHCM.
Cũng theo Trưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc, tới đây, không chỉ tiến hành dọn rác, khơi thông các kênh rạch tại TPHCM, nhóm còn dự định tiến hành công việc tương tự tại các tỉnh, thành khác. “Lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, hết mình vì môi trường xanh, sạch, đẹp là mục tiêu của nhóm”, Trưởng nhóm Lương Ngọc cho hay.
Cũng theo Trưởng nhóm Lương Ngọc, Sài Gòn Xanh có kênh truyền thông đăng tải nhiều clip về những buổi dọn rác của nhóm thu hút hàng triệu lượt xem.
Các clip đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của cộng đồng mạng, phần lớn khen ngợi hành động của các bạn trẻ. Việc ý nghĩa ấy giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường cũng như chung tay xây dựng một thành phố sạch đẹp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/biet-doi-giai-cuu-kenh-den-post636513.html