Biệt đội tài xế cứu hộ: Khi những tấm áo grab mang băng chữ thập đỏ

Sau một ngày bận bịu với những công việc mưu sinh thường nhật, khi màn đêm buông xuống, các thành viên đội 'Hỗ trợ sơ cứu - FAS Angle' âm thầm tỏa ra khắp các cung đường làm những việc tử tế để không một ai bị bỏ rơi khi gặp tai nạn giao thông.

Những "thiên thần" trong đêm

21h30, khi Thủ đô sắp sửa chìm vào giấc ngủ, người người mệt nhoài trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả cũng là lúc các thành viên trong đội FAS Angel (First Aid Support Angel - Hỗ trợ sơ cứu) lại lọc cọc dắt xe máy, khoác chiếc túi sơ cứu gồm nhiều bông băng, dụng cụ sơ cứu y tế... nặng hơn 7kg trên vai để bắt đầu công việc thiện nguyện.

Chỉ mới gần một năm hoạt động nhưng FAS Angel đã thực hiện sơ cấp cứu cho hơn 2.000 trường hợp bị nạn

Chỉ mới gần một năm hoạt động nhưng FAS Angel đã thực hiện sơ cấp cứu cho hơn 2.000 trường hợp bị nạn

Được biết, FAS Angel là đội tình nguyện do anh Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) một tài xế lái xe ôm công nghệ sáng lập từ tháng 9/2019. Chỉ mới gần một năm hoạt động nhưng đội đã thực hiện sơ cấp cứu cho hơn 2.000 trường hợp bị nạn.

Hoạt động của đội dựa trên thông điệp "Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi", đội "Hỗ trợ sơ cứu - FAS Angle" có ba hoạt động chính gồm sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, phối hợp với cơ quan chức năng để tìm kiếm nhân chứng cũng như thông tin của nạn nhân và gia đình...

Với khởi điểm có vỏn vẹn 5 thành viên, nhóm anh Việt hiện nay đã có đội ngũ hùng hậu khoảng 50 người ở nhiều điểm trực khác nhau, trong đó có gần 20 người hỗ trợ, 30 người có thể sơ cấp cứu hoạt động 24/24h chủ yếu trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình,…

Chia sẻ về công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa này, anh Phạm Danh Lượng (sinh năm 1988, quê Thái Bình) cũng là một tài xế xe ôm công nghệ đã hoạt động cho đội từ 2019 chia sẻ: "Khi mình nhận tin có tai nạn, mình muốn làm sao đến nhanh nhất có thể để xem nạn nhân thế nào, mình có thể giúp được nạn nhân đến đâu. Nếu đến muộn, có thể mình hỗ trợ sơ cứu không kịp thời. Đến với đội, tôi nghĩ việc này là việc tốt, tôi nghĩ mình tích đức cho con cái sau này."

Không bỏ rơi bất kỳ một ai

Gần một năm đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày đội hỗ trợ khoảng 7-10 ca. Mỗi vụ ít nhất phải từ hai nạn nhân. Đến nay đã có hàng nghìn người được anh Phạm Quốc Việt cùng đội FAS Angel cấp cứu và cũng có không ít người đã liên lạc lại để nói lời cảm ơn mà khi ấy đã không kịp nói. Khi làm việc, anh Việt cùng các thành viên đều luôn tâm niệm "không bỏ rơi bất kỳ một ai", kể cả là người gây tai nạn hay người bị hại.

Anh Phạm Quốc Việt cùng đồng đội thực hiện một ca sơ cứu trên đường Ngã Tư Sở (Hà Nội)

Anh Phạm Quốc Việt cùng đồng đội thực hiện một ca sơ cứu trên đường Ngã Tư Sở (Hà Nội)

Giãi bày tâm sự với phóng viên sau khi cùng đồng đội sơ cứu một ca tai nạn ở khu vực Ngã Tư Sở, anh Đinh Văn Trung (20 tuổi) cho biết: "Lúc mình sờ tay lên ngực nạn nhân, thấy thở rất mạnh, mình động viên: "Anh bình tĩnh, thở đều thôi, có anh em rồi". Lúc đó anh ấy thở bình thường lại, trong lòng cảm giác khó tả lắm".

Các thành viên đến với FAS Angel đều cùng tâm nguyện giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông (TNGT). Với cùng suy nghĩ không phân biệt, không kết án, dù họ có là ai, chỉ biết rằng khi họ bị thương, cần được sơ cấp cứu, săn sóc thì chúng ta sẵn sàng giúp đỡ, người nào bị thương, cứu người đó trước.

"Mình quan niệm, ngay trên tên của đội là Angel. Khi tiếp cận được người TNGT, mình giúp được họ, họ có thể coi chúng mình như những thiên thần ở bên và bảo vệ. Nếu đến hiện trường vụ tai nạn nặng mà không cứu được, mình tâm niệm hơi tâm linh là như thiên thần, người ở bên họ" - anh Việt chia sẻ

Nhớ lại 1 vụ tai nạn nghiêm trọng tại số 406 Hồ Tùng Mậu, giọng anh Việt trầm xuống: "Mình đến thấy cậu rên rỉ, người bị chèn ở bánh xe container, lúc đó cậu không nói được nữa. Mình nắm tay cậu ấy và nói: "Anh không cứu được em rồi, nhưng em có thể ra đi bình an". Cậu ấy nhắm mặt lại và vẻ mặt an tâm hơn khi có người ở bên cạnh cậu ý lúc ra đi. Mình muốn nói với mọi người là hãy quan tâm đến nhau nhiều hơn, có thể mình không giúp được họ đâu nhưng mình có thể động viên tình thần họ, làm cho họ an tâm."

Cho đi không cần nhận lại

Xuất phát từ thực tâm muốn giúp đỡ người gặp nạn, những thành viên trong đội hỗ trợ sơ cứu chưa bao giờ mong nhận lại điều gì. Có rất nhiều người bị nạn còn không biết mình đã được đội cứu giúp vì khi họ còn chưa tỉnh lại thì các thành viên trong đội đã lặng lẽ rời đi. Họ không cần nhận lời cảm ơn mà quan trọng là những người được giúp đỡ sẽ sẵn sàng giúp đỡ những người khác nếu gặp tình trạng tương tự.

Anh Phạm Quốc Việt mong muốn mô hình càng lớn thì càng nhiều người có kỹ năng sơ cứu, từ đó nhiều nạn nhân sẽ được giúp đỡ nếu không may gặp tai nạn

Anh Phạm Quốc Việt mong muốn mô hình càng lớn thì càng nhiều người có kỹ năng sơ cứu, từ đó nhiều nạn nhân sẽ được giúp đỡ nếu không may gặp tai nạn

Hiện nay dịch Covid-19 bắt đầu quay trở lại, dù lo lắng nhưng đội vẫn tiếp tục công việc của mình. Anh Phạm Quốc Việt cho biết, các thành viên trong đội đều tự chuẩn bị bảo vệ cho bản thân và luôn sẵn sàng phối hợp cùng cơ quan y tế nếu tiếp xúc với người mắc bệnh. Đợt dịch này đội đang rất cần máy đo thân nhiệt, bởi các thành viên sẽ là người tiếp xúc đầu tiên.

"Hầu hết trang thiết bị, vật dụng cứu hộ đều là anh em trong đội tự bỏ tiền túi ra. Mỗi ngày anh em bỏ ra ít nhất từ 30-40.000 đồng. Một ngày có thể không nhiều, nhưng nếu cả tháng sẽ lớn. Đội rất mong muốn các nhà hảo tâm, tổ chức nào đó có thể gửi bông băng, nẹp để hỗ trợ,… giúp đội có thêm nguồn quỹ, quan trọng nhất là hoạt động phải được duy trì vì nó rất cần thiết" - anh Phạm Quốc Việt cho hay.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, anh Phạm Quốc Việt bày tỏ mong mô hình này của mình sẽ được nhân rộng hơn tại nhiều tỉnh, thành phố khác. Anh cũng đang tập huấn cho những người có cùng tâm huyết ở nhiều tỉnh, thành phố khác, hướng dẫn chi tiết cách liên hệ kết nối với nhau, cách sơ cứu người khi gặp sự cố trên đường. Khi mô hình càng lớn thì càng nhiều người có kỹ năng sơ cứu, từ đó nhiều nạn nhân sẽ được giúp đỡ nếu không may gặp tai nạn.

Huyền Trang - Đăng Huy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/biet-doi-tai-xe-cuu-ho-khi-nhung-tam-ao-grab-mang-bang-chu-thap-do-20200805142317482.htm