Biệt động Sài Gòn - 'cú đấm thép' Xuân Mậu Thân 1968 - Bài 4: Làm tròn sứ mệnh thiêng liêng

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của mình trong giờ phút lịch sử, làm ngòi nổ, tạo bất ngờ ngay tại sào huyệt kẻ thù, gây cho chúng tổn thất lớn về quân sự và chính trị. Chiến công của Biệt động Sài Gòn - Gia Định là điểm son trong bản anh hùng ca bất tử Xuân Mậu Thân 1968.

Tạo tiếng vang lớn

Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết). Ảnh: Tư liệu TTXGP

Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết). Ảnh: Tư liệu TTXGP

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phan Xuân Biên (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), tuy một số đơn bị biệt động không tiếp cận được mục tiêu được giao như đơn vị đánh Tổng Nha cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, Nhà Lao Chí Hòa và đã phải chịu sự tổn thất to lớn, song lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đã “mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn, gây chấn động lớn, đã lập công đầu”. Trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, các trận đánh vào cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh của địch đã gây tiếng vang lớn, làm rúng động cả thế giới, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, cổ vũ thôi thúc khí thế chiến đấu của quân và dân ta. Tạo bước ngoặt quan trọng, buộc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán Paris.

Đưa chiến tranh vào tận sào huyệt đối phương, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ngay từ đợt 1 cũng đồng thời “đưa chiến tranh vào lòng nước Mỹ”. Tổng thống Johnson thừa nhận, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã “bị một đòn choáng váng”. Cựu Tổng thống Eisenhower cho rằng: Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ, bị chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến tranh (phát biểu ngày 27/3/1968).

Biệt động Sài Gòn - Gia Định giáng đòn phủ đầu, gây nên cú “choáng đột ngột” cho kẻ xâm lược, đặc biệt trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng những đòn sấm sét tận hang ổ trung tâm đầu não của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội làm chấn động trong nước và thế giới... Tiêu biểu như trận đánh tại Đại sứ quán Mỹ. Một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Đây là một hình ảnh bàng hoàng, khi người Mỹ bị đánh bật ra khỏi “Nhà Trắng phương Đông”, phải chiến đấu cật lực và chỉ giành lại được khi tất cả đối phương đều đã nằm xuống. Sự chiến đấu, hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ biệt động ấy đã đánh mạnh vào tâm lý của lính Mỹ và công chúng Mỹ, khiến họ tin rằng không thể giành chiến thắng bằng quân sự trước một đối phương như thế.

Hồi ký của tướng Taylor viết: “Những quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ cảm thấy rằng cuộc tiến công của đối phương năm 1968 chứng minh là Mỹ không bao giờ có thể đạt được thành công ở Việt Nam bằng những phương tiện quân sự.

Theo đánh giá của Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hải (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng), đây là một sự kiện lớn, đánh dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Sự kiện người Mỹ bị đánh bật khỏi tòa Đại sứ (Nhà trắng Phương Đông) đã gây ra nỗi kinh hoàng cho giới cầm quyền Mỹ. Sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ biệt động tại tòa Đại sứ đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý của công chúng Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, phong trào phản chiến ngày càng dâng cao; tác động đến tâm lý của binh lính Mỹ, khiến họ không thể tin tưởng vào chiến thắng trước một đối phương anh dũng, quật cường như thế.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã huy động tổng lực từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, lực lượng đặc công, biệt động… được nhân dân hết lòng ủng hộ, tích cực phối hợp tham gia chiến đấu; kết hợp chặt chẽ giữa nổi dậy của quần chúng, sự chuẩn bị rất công phu của các lực lượng, giữ được bí mật tuyệt đối của các cấp, các địa phương, đơn vị, sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta để làm nên một kỳ tích “có một không hai” trong chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đánh giá về thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Trong khi đó, Bộ Chính trị đánh giá: Thắng lợi của cuộc tiến công Tết Mậu Thân là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Parsi, chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện, chủ trương “phi Mỹ hóa” chiến tranh mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh.

“Bước đệm” cho chiến thắng cuối cùng

Khói bốc lên trên bầu trời Sài Gòn trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công, rạng sáng 8/2/1968. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Khói bốc lên trên bầu trời Sài Gòn trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công, rạng sáng 8/2/1968. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ảnh hưởng sâu rộng, “gây chấn động dữ dội dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới”. Đặc biệt, nó tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của giới quan chức, quân sự Mỹ, đưa nước Mỹ vào tình trạng “khủng hoảng niềm tin” sau Tết Mậu Thân 1968, buộc đế quốc Mỹ phải điều chỉnh một số chính sách trong quan hệ quốc tế.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải phân tích, thế trận ngoại giao trước Tổng tiến công không tiến triển. Đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris rất khó khăn do ta chưa có các đòn đánh quân sự lớn. Đối với thế giới, một bộ phận dư luận chưa thực sự quan tâm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh của ta. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, thế trận ngoại giao của cách mạng miền Nam được cải thiện hơn nhiều.

“Thắng lợi của đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị đã tạo điều kiện cho thế trận ngoại giao phát triển. Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, thắng lợi trên bàn hội nghị ngoại giao chính là quyết định thắng lợi ở chiến trường”, Trung tướng Nguyễn Đức Hải phân tích.

Lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của mình, quân đội Mỹ đã bị đánh bại trong một trận quyết chiến chiến lược, dẫn đến hậu quả đặt Mỹ vào vị trí thua trận trong một cuộc chiến tranh. Những trận tiến công của đối phương được báo chí Mỹ tường thuật bằng những tít lớn, đã được chiếu trên truyền hình Mỹ và đã làm cho dân chúng Mỹ, quan chức Mỹ kinh hoàng”. Nhà báo Don Oberdorfer cho biết thêm ý kiến của một số tướng lĩnh và chính khách khác của Mỹ, đại loại như: “Cuộc tiến công Mậu Thân chứng tỏ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát gì được đất nước này”, “Tết Mậu Thân đã đập tan cái mặt nạ của những ảo tưởng từng che đậy không cho Mỹ nhìn thấy hoàn cảnh thực của mình”…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II nhấn mạnh: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang gây hấn, mở ra điều kiện và thời cơ cho những trận tiến công tiếp theo, tiêu diệt bè lũ ngụy quyền tay sai, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong “cơn ác mộng” hậu Mậu Thân 1968, tình hình nước Mỹ trở nên hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử. Nhân dân Mỹ ở khắp nơi dấy lên phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, biểu tình đòi chính quyền Mỹ rút quân đội về nước. Ngọn lửa phản chiến bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết, trở thành một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân Mỹ ở ngay trong lòng nước Mỹ.

Trên phạm vi toàn cầu, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã tác động, làm phá sản chiến lược quân sự “phản ứng linh hoạt” của Mỹ, làm cho những người cầm quyền, kể cả giới quân sự Mỹ phải thừa nhận Mỹ có thể bị thua trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Rõ ràng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ tác động đến chính sách của Mỹ mà còn ảnh hưởng lớn đến dư luận quốc tế, đến tình cảm của những người yêu quý, ủng hộ cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nhận định về ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cố Đại tướng Lê Đức Anh, từng viết: Với tầm nhìn xa trông rộng, từ lâu, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận thấy rằng ta không đủ sức để đánh bại cùng một lúc cả đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn để giành thắng lợi hoàn toàn, nên đã chủ trương chia thành hai "nhịp": đánh cho "Mỹ cút" rồi tiến tới đánh cho "ngụy nhào". Và, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng những cú "đánh bồi" trong những đợt tiếp theo đã tạo nên một đòn đánh "đủ đô", đủ sức nặng làm nhụt ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, nhất là những chính khách trong phái "diều hâu", tạo ra bước ngoặt về chiến lược của cuộc chiến tranh, buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để dẫn tới ký kết Hiệp định Paris năm 1973, thừa nhận "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã thực hiện được quyết tâm chiến lược "đánh cho Mỹ cút” một cách vẻ vang.

Bài cuối: Phát huy tinh thần cách mạng tiến công

Anh Tuấn - Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/biet-dong-sai-gon-cu-dam-thep-xuan-mau-than-1968-bai-4-lam-tron-su-menh-thieng-lieng-20230125083645897.htm