Biệt động Sài Gòn kể về trận đánh 'đến phút cuối mới biết'

'Chiều mùng 2 tết, tôi nhận tin có đội 17 người thì 16 người đã hy sinh, người còn lại bị địch bắt' - Đại tá Trần Minh Sơn, Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn, trầm ngâm nhớ lại.

Sáng 18-5, Đại tá Trần Minh Sơn - vị chỉ huy cuối cùng của Biệt động Sài Gòn, đã có mặt tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, quận 1) để kể về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại cũng như tham gia tour Biệt động Sài Gòn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Tại đây, đoàn đã gặp được nhiều chứng nhân lịch sử và trở về thăm lại một số địa danh gắn với Biệt động Sài Gòn những năm tháng ấy như: Di tích hộp thư bí mật và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, quận 1), Di tích lịch sử cấp quốc gia Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập (Nguyễn Đình Chiểu)...

Bí mật đến phút cuối cùng

Họ, có người phải ngồi xe lăn, có người tóc đã bạc trắng, có người giờ quên quên nhớ nhớ nhưng khi kể về những năm tháng hào hùng ấy họ chỉ nhắc hoài câu nói: “Những anh em hy sinh mình tìm không được, họ còn trẻ lắm…”.

Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), dân Củ Chi gốc, là bảy người còn sống trong trận đánh lịch sử vào Dinh Độc Lập vào tết Mậu Thân 1968. Năm nay đã 75 tuổi nhưng giọng nói sang sảng, ánh mắt sáng cùng ánh nhìn cương nghị vẫn là của người lính Biệt động năm nào.

“Tôi là lính thôi. Nhiệm vụ là đánh. Hy sinh cũng đánh. Năm đó, tôi là chuẩn úy, 23-24 tuổi rồi, chưa vợ. Hồi đó, ai chưa yêu thì khoan yêu, chưa cưới thì khoan cưới, chưa có con thì khoan có con” - ông Bảy Hôn cười hào sảng nhớ lại.

Ông Bảy Hôn, người lính biệt động Sài Gòn năm nào giờ đây tóc đã bạc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Ông Bảy Hôn, người lính biệt động Sài Gòn năm nào giờ đây tóc đã bạc. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Sinh ra trên quê hương đất thép thành đồng, chứng kiến bao gia đình điêu tàn vì chiến tranh, 16-17 tuổi, ông Bảy Hôn đã đi theo cách mạng, rồi được tuyển chọn, đào tạo trở thành lính Biệt động.

“Biết rằng chuẩn bị đánh lớn nhưng chúng tôi chẳng ai biết đánh ở đâu, đánh cái gì. Lúc nhận lệnh lau chùi vũ khí, chuẩn bị chiến đấu cũng vậy. Tới lúc kéo hầm ra mới hay có cả tấn vũ khí phía dưới. Lau chùi vũ khí xong thì thủ trưởng tới, 12 giờ đêm, trải la bàn ra. Mục tiêu là Dinh Độc Lập. Trong 15 người lên đường ngày hôm ấy, có một cô gái duy nhất là Vũ Minh Nghĩa, mới 18, 19 tuổi làm nhiệm vụ cứu thương, liên lạc…” - ông Bảy Hôn nhớ lại.

Rạng sáng mùng 2 tết Nguyên đán, đội trưởng của các đội biệt động đồng loạt phát lệnh tấn công. Nội thành Sài Gòn rung chuyển dữ dội. Lực lượng biệt động thần tốc tiến về Dinh Độc Lập. Một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng nhưng không may, khối thuốc lâu ngày ẩm mốc không nổ. Năm chiến sĩ nhảy thoắt trèo qua tường rào, tấn công vào dinh. Sau những phút hoảng loạn, lực lượng phòng vệ của đối phương đã củng cố lại đồng thời bắn trả dữ dội. Năm người hy sinh tại chỗ.

“Cánh Dinh Độc Lập, đánh 15 người còn bảy người. Bên Đài Phát thanh, đánh 12 người, còn hai người…” - ông Bảy Hôn trầm ngâm.

Nỗi đau đáu của Tham mưu trưởng Bảy Sơn

Có mặt tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định từ rất sớm là ông Bảy Sơn.

Đại tá Trần Minh Sơn (94 tuổi, bí danh Bảy Sơn), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, ông là người chỉ huy cuối cùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn hiện vẫn còn sống.

Đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn) xúc động khi nhắc về đồng đội. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn) xúc động khi nhắc về đồng đội. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Đại tá Bảy Sơn được biết đến là một trong những người kiến tạo và tổ chức những trận đánh táo bạo nhất nhắm thẳng vào các cơ quan đầu não của địch như Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu... gây chấn động. Một trong số đó phải kể đến trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ.

Vị tướng khét tiếng của Biệt động Sài Gòn năm nào giờ đây đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Ông ngồi trên xe lăn, mái đầu bạc trắng. Nhiều lúc, chúng tôi phải nói lớn, ông mới nghe rõ.

“Chiều mùng 2 tết, tôi nhận tin có đội 17 người thì 16 người đã hy sinh, người còn lại bị địch bắt” - Đại tá Trần Minh Sơn trầm ngâm nhớ lại.

Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nhắc đến những người anh em, đồng đội từng vào sinh ra tử, ông Bảy Sơn vẫn không ngừng rơi nước mắt. Ông bảo anh em biệt động chẳng ai biết tên thật, gốc gác ở đâu, họ gọi nhau bằng cái tên thằng Năm, thằng Bảy... Có chàng trai hy sinh khi mới 17 tuổi, cậu ấy dự định sẽ lấy vợ khi trận chiến kết thúc. Vậy mà… cậu ấy đã mãi mãi không trở về...

NGUYỄN TRÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/biet-dong-sai-gon-ke-ve-tran-danh-den-phut-cuoi-moi-biet-913346.html