Biệt động Sài Gòn - những chiến binh quả cảm trong lòng thành phố

Biệt động Sài Gòn là lực lượng tinh nhuệ với ý chí kiên cường, dũng cảm. Họ nhiều lần lập công lớn và có đóng góp quan trọng trong chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Những bước khởi đầu

Cuối năm 1948 và đầu năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ đã phát triển một bước khá thuận lợi. Chiến tranh nhân dân lan khắp trên cả ba vùng chiến lược.

Sát nách Sài Gòn - Chợ Lớn về hướng đông có các vùng căn cứ du kích, như thôn Long Phước (Khu B), xã Long Trường, xã An Phú, An Khánh huyện Thủ Ðức; xã An Phú Ðông, Thạnh Lộc huyện Gò Vấp, xã Thới Tam Thôn, xã Nhị Bình huyện Hóc Môn, xã Quy Ðức huyện Nhà Bè v.v... Các vùng du kích này có nơi cách trung tâm thành phố chừng 4 - 5 km, có nơi chỉ cách một con sông (xã An Phú huyện Thủ Ðức).

Phía đông, đông nam Sài Gòn là huyện Thủ Ðức, lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta đã đứng chân ở các xã phía đông sông Sài Gòn, đối diện với quận 1, vùng Thị Nghè, Bà Chiểu. Về ban đêm ta đã làm chủ các vùng như: Thủ Thiêm, ngã ba Hàng Xanh, Giồng Ông Cộ (quận Bình Thạnh ngày nay) và vùng chùa Bà Ðầm, ngã tư Phú Nhuận v.v...

Ðể đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp giữa nội đô và vùng ven, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, đồng thời thiết thực hỗ trợ cho các phong trào chính trị cách mạng của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ chủ trương của trên là tổ chức và xây dựng các đơn vị đứng chân trên những địa bàn có lợi ở vùng ven xung quanh thành phố và dựa vào sức mạnh của vùng nông thôn ven đô tiến hành hoạt động vũ trang từ ngoài vào nội thành tạo nên thế liên hoàn của phong trào đấu tranh chính trị vũ trang từ trung tâm thành phố ra đến vùng nông thôn kế cận.

Các lực lượng biệt động này lúc đầu được chọn từ số cán bộ thông thạo thành phố của các trung đoàn tập trung vùng ven.

Vốn là cán bộ hoạt động vũ trang cũ của thành phố, cấp trên điều động tôi về chỉ huy một trong các đơn vị này (trước đó, tôi đã qua các cấp chính trị viên đại đội và ban trinh sát).

Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tên gọi của đơn vị là Biệt động đội 2766, thuộc liên trung đoàn 306 - 312 miền Ðông Nam bộ. Sau đó một thời gian đơn vị này được chuyển hẳn về Bộ chỉ huy quân sự Ðặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, cơ quan thống nhất lãnh đạo về vũ trang toàn thành phố.

Chiến trường mà đơn vị này phụ trách là vùng hai bên sông Sài Gòn, khúc phía nam. Ðứng chân bên đông bờ sông, từ xã Phú Hữu, Cát Lái đến xã Hiệp Bình Phước, qua các xã như: Thạnh Mỹ Lợi, An Khánh, Thủ Thiêm, An Phú, Bình Quới Tây và bên kia bờ sông từ một phần quận 1, qua Thạnh Mỹ Tây, Bình Hòa (sau này là quận Bình Thạnh) đến chùa Bà Ðầm ngã tư Phú Nhuận.

Vùng tứ giác này là giang sơn của Biệt động đội 2766. Buổi sáng đơn vị ở Cát Lái, chiều có mặt ở An Phú, sẩm tối bắn nhau với bọn P.S.E. (cảnh sát đặc biệt miền Ðông) ở khu ngã ba Hàng Xanh, ngã tư xa lộ Hàng Xanh, khuya đã về đến Giồng Ông Cộ, Xóm Cối.

Ðược biết năm 1945 lúc thua trận, trước khi rút khỏi Ðông Dương, phát xít Nhật đã đổ xuống dòng sông ở khúc Thủ Thiêm - An Khánh nhiều đạn dược, vũ khí. Ban sưu tầm của chi đội 6 hằng ngày lặn hụp, đưa về cho đơn vị các loại đạn, phụ tùng các loại súng, đạn đại bác v.v... (đạn đại bác để cưa ra lấy thuốc nổ).

Vì thế chỉ một thời gian ta đã đáp ứng được các nhu cầu về đạn dược, thuốc nổ cho một chi đội Vệ quốc đoàn. Biệt động đội 2766 cũng có một bộ phận ở vùng này, người phụ trách tên là Tư Ðò, trước kia làm nghề chèo đò qua lại bến Thủ Thiêm.

Sông nước và môi trường khu vực đã biến anh thành một tay “anh chị” đứng đầu tất cả các nhóm “nhảy dù” ở hải cảng tàu bè quốc tế qua lại này.

Có dịp quan sát họ hành nghề mới thấy thú vị: khoảng giữa khuya, người trần trụi, với chiếc xuồng ba lá được ngụy trang, dưới ánh sáng đèn trên tàu hắt xuống khi mờ khi tỏ nhấp nhô theo sóng, người của Tư Ðò nương theo đó cặp vào bánh lái tàu, lần lần men theo mạn tàu ra phía trước rồi nhanh như cắt, chụp lấy các dây thừng từ trên thòng xuống, thân hình chuyển động dẻo dai, chắc chắn.

Sau đó các “chiến lợi phẩm” được đưa xuống thuyền và chỉ chốc lát họ đã biến mất trong làn sương nước mờ ảo. Kỹ thuật thật siêu đẳng! Anh Tư Ðò khá thông thạo việc đó. Có lần anh mang về cho đơn vị một thùng, phía ngoài ghi là phụ tùng súng, khui ra mới thấy toàn báng súng lục.

Có lần anh gởi cho đơn vị hai bao bột mì của Pháp; không có bột nổi, bánh nướng xong cứng như khúc gỗ, gặm không ra, sau anh em dùng làm các loại cháo, canh v.v... Khi biết cách chế biến để ăn được thì bột cũng đã hết.

Dòng sông cũng đã nuôi sống bộ đội, anh em xuôi ngược mò tôm bắt cá kiếm ăn hằng ngày. Ở vùng này có loại cá bống dừa, khi nước kém sục theo các bụi dừa nước, thế nào cũng có thức ăn cho ngày đó.

Năm 1952 cơn lụt Nhâm Thìn nhận chìm nhà cửa, một bộ phận đơn vị hết gạo không còn tiền mua, đã rọc lá dừa nước, chằm thành tấm lợp để đổi gạo. Các đám dừa nước um tùm, với ô-rô, cóc kèn hoang dã nơi ngọn rạch, dòng sông là chỗ anh em ẩn náu khi quân địch càn quét.

Dựa vào dòng sông, suốt các năm kháng chiến chống Pháp có lúc rất gay go, ác liệt nhưng đơn vị biệt động này vẫn đứng vững, phát huy thế và lực của cách mạng, tạo được một mũi uy hiếp thường xuyên ở một địa bàn sát trung tâm thành phố.

Ðến thời gian chống Mỹ, khúc sông Sài Gòn phía bắc thành phố, từ vùng An Phú (Gia Ðịnh) qua Bến Cỏ Phú Hòa Ðông, khu Bùng Binh lên đến cầu Dầu Tiếng, nằm trong vùng giải phóng ta làm chủ (lúc “chiến tranh đặc biệt”, bọn giang thuyền sát cộng bị bắn chìm vài lần nên không dám vào), khúc sông hẹp dần lên phía đầu ngọn thuộc đất Campuchia.

Cơ quan của khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, có lúc đứng sát bờ sông (nay là khu vực du lịch địa đạo Bến Dược, Củ Chi). Trên giang sơn này, thuyền chèo xuôi ngược, rộn rã tiếng cười. Ở bất kỳ thời điểm nào kể cả những lúc ác liệt gay go nhất sau Mậu Thân, dòng sông bao giờ cũng vẫn là nơi che chở cho các cơ quan trụ bám vững chắc.

Còn tiếp...

Trích sách "Biệt động Sài Gòn"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/biet-dong-sai-gon-nhung-chien-binh-qua-cam-trong-long-thanh-pho-post1078745.html