Biết gì về USAID – cơ quan nắm phần lớn viện trợ nước ngoài của Mỹ vừa bị đóng cửa trụ sở chính?

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) - cơ quan vừa bị đóng cửa trụ sở chính ở Mỹ - có vai trò quan trọng khi quản lý khoảng 60% viện trợ nước ngoài của Mỹ và hoạt động tại khoảng 130 quốc gia.

Ngày 3-2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông hiện là quyền lãnh đạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Theo đài CNN, thông báo này đồng nghĩa xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp quản USAID.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giao phó cho lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE) – tỉ phú Elon Musk giám sát việc sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ngày 2-2, ông Trump thẳng thắn cho rằng USAID đã "được một nhóm những người ngốc nghếch điều hành và chúng ta sẽ loại bỏ họ". Trong khi đó, ông Musk gọi USAID là "một tổ chức tội phạm" mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào và nói rằng đã đến lúc cơ quan này ngừng hoạt động.

 Người biểu tình bên ngoài trụ sở USAID ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) hôm 3-2. Ảnh: GETTY IMAGES

Người biểu tình bên ngoài trụ sở USAID ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) hôm 3-2. Ảnh: GETTY IMAGES

USAID là gì?

USAID được thành lập vào năm 1961 dưới thời Tổng thống đảng Dân chủ John F. Kennedy. Trong bối cảnh căng thẳng đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, USAID được thành lập với mục đích phối hợp tốt hơn hoạt động viện trợ nước ngoài của Mỹ, vốn là nền tảng quan trọng của chính sách đối ngoại Mỹ, nhằm cạnh tranh với Liên Xô.

Hiện tại, USAID quản lý khoảng 60% viện trợ nước ngoài của Mỹ và đã giải ngân gần 44 tỉ USD viện trợ trong năm tài chính 2023. Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) gần đây, USAID có khoảng 10.000 nhân sự hoạt động tại khoảng 130 quốc gia. Trong đó, khoảng 2/3 nhân sự của cơ quan này phục vụ ở bên ngoài nước Mỹ. USAID được quốc hội Mỹ tài trợ, dựa trên các yêu cầu của chính phủ Mỹ.

CRS cho biết USAID giúp "các quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và các quốc gia đang có xung đột; dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ nhằm xóa đói giảm nghèo, bệnh tật và nhu cầu nhân đạo; và hỗ trợ các lợi ích thương mại của Mỹ bằng cách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển và xây dựng năng lực của các quốc gia để tham gia vào thương mại thế giới".

Các quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất của cơ quan này vào năm 2023 là Ukraine, Ethiopia, Jordan, CHDC Congo, Somalia, Yemen, Afghanistan, Nigeria, Nam Sudan và Syria.

Mỹ chi bao nhiêu cho viện trợ nhân đạo?

Trong năm tài chính 2023, Mỹ đã giải ngân tổng cộng 72 tỉ USD tiền viện trợ nước ngoài và chiếm khoảng 42% tổng số viện trợ nhân đạo được Liên Hợp Quốc theo dõi. Các khoản tiền này viện trợ cho nhiều mục đích, bao gồm sức khỏe phụ nữ ở các khu vực xung đột, tiếp cận nước sạch, điều trị HIV/AIDS, an ninh năng lượng và công tác chống tham nhũng.

Theo báo cáo của Viện chính sách Brookings (Mỹ) vào tháng 9-2024, trong những năm gần đây, chi tiêu viện trợ của Mỹ vào khoảng 0,33% GDP. Con số này đạt đỉnh ở mức 3% GDP vào những năm 1950 với chương trình Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến II. Trong Chiến tranh Lạnh, con số này dao động từ khoảng 0,5% đến 1% GDP.

 Một nhân viên chính phủ Honduras nhận bộ xét nghiệm được USAID và và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tài trợ trong đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Một nhân viên chính phủ Honduras nhận bộ xét nghiệm được USAID và và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tài trợ trong đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mặc dù Mỹ cung cấp nhiều viện trợ chính thức của chính phủ hơn các quốc gia khác, nhưng đóng góp của nước này tính theo tỉ lệ phần trăm GDP lại đứng cuối danh sách các quốc gia phát triển vào năm 2020. Năm 2023, tính theo tỉ lệ phần trăm GDP, Na Uy là quốc gia chi nhiều nhất cho viện trợ khi nước này chi 1,09% GDP, trong khi Mỹ chi 0,24%.

Theo Viện Brookings, trong lịch sử, các chính quyền và nhà lập pháp của đảng Dân chủ luôn ủng hộ chi viện trợ nhiều hơn đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, các chính quyền Mỹ, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều ủng hộ mạnh mẽ viện trợ nước ngoài, ngoại trừ ông Trump.

Ai điều hành USAID?

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, USAID được nhà ngoại giao người Mỹ gốc Ireland – bà Samantha Power điều hành. Bà Power cũng từng là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Theo khung chính sách tháng 3-2023, các ưu tiên hàng đầu của USAID là khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và cơ hội bình đẳng.

Tác động của ông Trump đến USAID

Ngày 20-1, ông Trump ký sắc lệnh tạm dừng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong 90 ngày. Khi ấy, ông Trump cho rằng "ngành công nghiệp và bộ máy hành chính viện trợ nước ngoài của Mỹ không phù hợp với lợi ích của Mỹ, và trong nhiều trường hợp là trái ngược với các giá trị của Mỹ".

Trong thông báo sau đó, chính quyền ông Trump đã thúc giục các nhân viên USAID tham gia chuyển đổi cách phân bổ viện trợ để phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump và dọa sẽ có hành động kỷ luật nếu phớt lờ lệnh này.

Sắc lệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các chương trình nhân đạo do Mỹ tài trợ. Một số cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết họ có thể phải đối mặt những hạn chế nghiêm trọng về khả năng phân phối thực phẩm, nơi trú ẩn và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, một nguồn tin cho biết việc sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ gây nên một sự thay đổi lớn.

Trước đây, USAID đã có thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho các quốc gia mà Mỹ không có quan hệ ngoại giao, bao gồm Iran và Triều Tiên. Điều này giúp xây dựng cầu nối giữa Mỹ với các quốc gia này. Tuy nhiên, việc USAID sáp nhập vào Bộ Ngoại giao Mỹ có thể ảnh hưởng những cầu nối này.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-gi-ve-usaid-co-quan-nam-phan-lon-vien-tro-nuoc-ngoai-cua-my-vua-bi-dong-cua-tru-so-chinh-post832628.html