Biệt kích Ukraine đổ bộ bán đảo Crimea thế nào?

Trong một buổi tối muộn vào đầu tháng này, hai biệt kích Ukraine lái xe SUV quay một căn hộ ở thủ đô Kiev. Trở về sau cuộc tập kích ở bán đảo Crimea, hai quân nhân ngồi xuống với vẻ mệt mỏi, kể lại cuộc đổ bộ 'khó khăn nhất từ trước đến nay'.

Hai biệt kích Ukraine tham gia cuộc đột kích lần hai ở bán đảo Crimae - Kukhar (trái) và Askold (phải).

"Rất khó khăn", một biệt kích tên Askold, 38 tuổi, nói với phóng viên tờ New York Times. "Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất của chúng tôi cho đến nay", biệt kích thứ hai tên Kukhar, 23 tuổi, cho biết.

Theo New York Times, Askold và Kukhar không phải là tên thật mà là biệt danh hai biệt kích Ukraine sử dụng khi phục vụ trong hàng ngũ của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR).

Askold và Kukhar là hai trong số 30 biệt kích Ukraine được lựa chọn tham gia cuộc đổ bộ ở phía tây bán đảo Crimea bằng mô tô nước. Cuộc đột kích diễn ra vào đầu tháng 10 và là cuộc đột kích thứ hai ở bán đảo Crimea sau lần đầu tiên vào tháng 8.

Trong cuộc đột kích này, Nga thông báo đã chủ động ngăn chặn và bắt giữ người duy nhất tới được bờ biển phía tây của bán đảo Crimea. Người đàn ông bị Nga bắt giữ khai nhận là Alexander Lyubos, 46 tuổi, thành viên GUR.

Hai biệt kích trên không nói với báo Mỹ về kết quả cuộc đổ bộ mới nhất. Tờ New York Times của Mỹ sau đó nhắc lại chi tiết cuộc đột kích đầu tiên.

Các cuộc đột kích là một phần trong một loạt các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea. Ngày 24/8, các biệt kích Ukraine thực hiện cuộc đột kích đầu tiên vào Crimea kể từ khi xung đột nổ ra. Mục tiêu của cuộc đổ bộ là phá hủy một trạm ăng ten ở mũi Tarkhankut - điểm cực tây của bán đảo Crimea.

Hải quân Nga ít hoạt động ở phía tây của Biển Đen nên mối đe dọa lớn nhất đối với các biệt kích Ukraine là từ trên không. Nga thường huy động chiến đấu cơ nã hỏa lực nhằm vào các tàu thuyền quân sự của Ukraine. Đó là lý do nhóm biệt kích Ukraine chủ yếu di chuyển bằng mô tô nước nhằm tránh sự phát hiện của máy bay Nga.

Cuộc đột kích đầu tiên có sự tham gia của 20 biệt kích Ukraine. Thông tin về nhiệm vụ phá trạm ăng ten do một chỉ huy mang biệt danh Borghese cung cấp. "Nhờ vào ăng ten này mà Nga có thể phát hiện mục tiêu trên biển. Nhiệm vụ là tiếp cận mục tiêu rồi cho nổ tung", chỉ huy Borghese nói với cả nhóm.

Borghese, chỉ huy nhóm biệt kích từng tham gia đổ bộ ở bán đảo Crimea.

Nhóm biệt kích di chuyển bằng mô tô nước và có một tàu hậu cần đi theo. Họ không được phép sử dụng thiết bị điện tử vì mạng lưới gây nhiễu của Nga. Các biệt kích xác định phương hướng dựa vào la bàn.

Do tình hình biển động phức tạp, một nửa thành viên trong nhóm biệt kích quyết định ngồi trên tàu hậu cần. Số còn lại điều khiển mô tô nước.

Nhóm này tới được bờ biển phía tây bán đảo Crimea vào sáng sớm, đổ bộ lên một bãi phủ đầy sỏi. Trang bị 4 khẩu súng máy, 5 quân nhân trèo lên đồi, chiếm lĩnh vị trí nhìn ra căn cứ và ăng-ten.

Khi các thành viên còn lại của nhóm cũng đã lên bờ, một cuộc chạm trán diễn ra. Nhóm quân nhân chiếm lĩnh đồi liền nhanh chóng khai hỏa hỗ trợ đồng đội. Các biệt kích bắn vài quả đạn từ súng phóng lựu nhằm vào tháp ăng ten, dán cờ Ukraine lên một tòa nhà rồi quay video trước khi rút lui.

Do tàu hậu cần bị Nga đánh chìm nên các biệt kích Ukraine rút lui bằng mô tô nước, mất 6 giờ đồng hồ mới quay về bờ biển Ukraine ở vùng Odessa.

Chỉ huy Borghese sau này kể lại với cả nhóm rằng, tình báo Ukraine phát hiện thương vong của Nga trong cuộc đụng độ. Nhưng cả nhóm không biết mục tiêu chính là tháp ăng ten có bị phá hủy hay không.

Nick Reynolds, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói các cuộc đột kích của Ukraine ở Crimea mới dừng ở cấp chiến thuật. Ukraine chưa có đủ năng lực làm suy yếu mạng lưới phòng thủ của Nga ở bán đảo Crimea, chuyên gia Reynolds nói.

Nhật Minh - New York Times

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/biet-kich-ukraine-do-bo-ban-dao-crimea-the-nao-189883.html