Biết làm, cải lương vẫn ăn khách
Vở diễn Áo cưới trước cổng chùa phiên bản mới vừa ra mắt cho thấy cải lương được chăm chút vẫn thu hút khán giả
Khán giả thật sự hài lòng trước phiên bản mới của một tác phẩm sân khấu đã in sâu trong tâm trí người xem nhiều thế hệ, "Áo cưới trước cổng chùa", công diễn tối 16-11 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Vỗ tay không ngớt
Lâu rồi khán giả mới có cảm xúc trọn vẹn khi xem một vở cải lương. Khán giả mộ điệu kín rạp, mỗi câu thoại, lời ca của nghệ sĩ đều nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng và có những lớp diễn nhiều khán giả rưng rưng nước mắt. Tiếng song lang gõ nhịp mộc mạc như nỗi niềm của các nhạc công muốn quyện vào từng lời ca của nghệ sĩ. Chính sự chăm chút về mặt âm nhạc, diễn xuất, cảnh trí và trên hết là đưa khán giả tìm về đúng với chất liệu thi ca mà soạn giả Hà Huy Hà (tức nhà thơ Kiên Giang), đã dựa theo tác phẩm "Nàng Ái Cơ" của nữ sĩ Mộng Tuyết xứ Hà Tiên, chuyển thể thành kịch bản cải lương "Áo cưới trước cổng chùa" năm 1959.
Chính chất thơ đã kết nối tâm hồn nghệ sĩ - dàn nhạc cổ - tác giả, tạo cho vở diễn thành một bức tranh tuyệt đẹp. Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu đã có thêm một tác phẩm sân khấu xứng tầm, tôn vinh giá trị nghệ thuật cải lương sang trọng, thấm đẫm tính nhân văn. Nhiều tình tiết trong vở được ông đào sâu, tạo điểm nhấn độc đáo, để câu chuyện vốn quen thuộc với khán giả vẫn nguyên vẹn cảm xúc dành cho nàng Xuân Tự, chọn cửa thiền môn trao gửi tấm thân trinh trắng.
Sự nổi bật của chị em nhà Thanh Ngân
Để có được tác phẩm này, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã làm tốt công việc mà nhiều năm qua chưa thể khai thác triệt để, đó là quy tụ dàn nghệ sĩ ngôi sao trong một tác phẩm sân khấu. Nhiều khán giả ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, có người ở tận Hà Nội, Hải Phòng bay vào TP HCM để xem vở, cho thấy họ quý trọng suất diễn có nhiều nghệ sĩ gạo cội tham gia. Lâu nay, với cách khai thác đào kép chánh là ngôi sao chưa đủ thu hút khán giả mê cải lương. Chính vì thế, lần xuất hiện trên cùng sàn diễn của gia đình nghệ sĩ Thanh Ngân đã làm nên sự kiện.
NSND Thanh Ngân vào vai Xuân Tự nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Với giọng ca trầm ấm, câu ca nào cũng thật mùi và tình cảm, nghe như từ tâm hồn của cô gửi gắm vào tâm sự nàng Xuân Tự đáng thương và đáng trọng. Những lời ca, tâm sự của nhân vật đều được NSND Thanh Ngân thể hiện hợp lý, như soạn giả Kiên Giang đã "đo ni đóng giày" vai này cho các nữ nghệ sĩ Thanh Hương, Lệ Thủy và bây giờ là Thanh Ngân vậy.
Nghệ sĩ Thanh Hằng vào vai bà mẹ đã lấy nước mắt người xem. Nghệ sĩ Thanh Ngọc trong vai vợ cả của Tổng Trấn cũng mang nặng nỗi niềm, lột tả được sự ghen tức. Bất ngờ nhất là Ngân Quỳnh vai Phương Thành, ca diễn quá ngọt dù thế mạnh của cô là điện ảnh, ca nhạc.
Danh hài Hoài Linh vai ông Hải Lâm làm khán giả khóc cười, xuýt xoa với tính cách quá độc đáo vốn được NSND Diệp Lang sáng tạo trước đây, nay được anh dựa theo đó phát huy. Vai diễn Tô Châu là phát hiện mới của đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu khi mời diễn viên trẻ có giọng ca ngọt ngào Nhựt Nguyên thể hiện.
Nghệ sĩ Kim Hoa - thế hệ thứ 4 của gia đình bà Tư Heslene nổi tiếng với truyền thống sân khấu, mẹ của 4 cô đào nhà Thanh Ngân - đã nhận xét: "Vai diễn nào cũng hay, cũng có đất diễn. Vui nhất là vở diễn tạo điều kiện để kép trẻ tấn lên. Việc làm này đúng chủ trương của nhà hát, của đạo diễn".
Công tác đạo diễn đã nâng tầm chuyên nghiệp trong tất cả các khâu, hỗ trợ cho diễn xuất. Mang lại được cảm xúc dạt dào từ những ca khúc viết mới cho vở, đến những bài bản khó, ít soạn giả nào ngày nay dám đụng tới nhưng các nghệ sĩ vẫn thể hiện được một cách ngọt ngào, có tinh thần trách nhiệm. Mừng là không còn nghe tiếng nhắc tuồng át cả tiếng hát của nghệ sĩ trên sân khấu. Thành công này ghi dấu một quá trình tập luyện nghiêm túc, trả lại sự chuẩn mực của nghệ thuật cải lương. Hướng đi cần phát huy của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là chọn đúng ê-kíp thực hiện và kịch bản đúng chất cải lương.
Tìm lại khán giả mộ điệu
Trên đà thu hút khán giả đến rạp bằng vé mua, sàn diễn cải lương đang dần rời bỏ việc lợi dụng sự kiện, sinh nhật, live show mini dựng vở, tổ chức chương trình mang tính thời vụ mà hướng tới chăm chút những sản phẩm đúng tầm như "Áo cưới trước cổng chùa" để tìm lại khán giả thật sự mộ điệu nghệ thuật cải lương.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/biet-lam-cai-luong-van-an-khach-20191117205410295.htm